TP. Cần Thơ: Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 11:17, 06/09/2022
Quan tâm đầu tư
Theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, thời gian qua, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVMT, TP. Cần Thơ đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý về quản lý, BVMT thuộc thẩm quyền của địa phương; đồng thời, lồng ghép giải pháp BVMT trong các chiến lược quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh - tế xã hội của thành phố; áp dụng chuyển đổi số hướng đến quản lý môi trường thông minh; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT của các công ty, doanh nghiệp.
Ngoài việc quán triệt và thực hiện nhất quán chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá và không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, TP. Cần Thơ còn luôn chú trọng đến công tác đánh giá tác động môi trường của các dự án nhằm chủ động ngăn ngừa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường từ giai đoạn đầu tư dự án; đồng thời, việc tổ chức thẩm định đánh giá tác động môi trường với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học và cơ quan quản lý môi trường, từ đó giúp cho công tác dự báo những tác động đến môi trường trên địa bàn thành phố ngày càng tốt hơn.
TP. Cần Thơ đã tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý các loại chất thải, từng bước nâng tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt đô thị lên 98,42% vào năm 2021. Bên cạnh đó, chất thải rắn công nghiệp, chất thải rắn nguy hại, chất thải y tế đều được thu gom đúng quy định, đặc biệt là chất thải có nguy cơ lây nhiễm Covid-19, góp phần bảo vệ sức khỏe và phòng chống dịch bệnh.
Về công tác xử lý chất thải, năm 2018, Nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP. Cần Thơ đi vào vận hành với công suất 400 tấn/ngày đã giải quyết cơ bản vấn đề rác thải sinh hoạt. Đối với nước thải sinh hoạt đô thị, TP. Cần Thơ đã đầu tư xây dựng nhà máy xử lý với công suất 30.000m3/ngày đêm, còn nước thải phát sinh tại các Khu công nghiệp: Trà Nóc 1, Trà Nóc 2, Thốt Nốt,… đều được thu gom vào nhà máy xử lý tập trung để xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải vào nguồn tiếp nhận.
Cũng theo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, TP. Cần Thơ đã tập trung đầu tư hàng chục tỉ đồng để xây dựng hệ thống quan trắc không khí, nguồn nước tự động liên tục trên địa bàn thành phố. Hiện tại, TP. Cần Thơ đã lắp đặt 5 trạm quan trắc tự động, trong đó có 4 trạm quan trắc nước mặt. Qua đó, góp phần nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, đánh giá chất lượng môi trường không khí, nước, diễn biến xâm nhập mặn.
Cùng với đó, TP. Cần Thơ đã tích cực phối hợp với các tổ chức quốc tế để chia sẻ, học hỏi những sáng kiến, giải pháp về BVMT trên địa bàn thành phố. Đồng thời, TP. Cần Thơ còn vận động các tổ chức quốc tế hỗ trợ triển khai thí điểm một số dự án trên địa bàn thành phố như: Dự án thu gom tự động rác nổi trên sông; mô hình phân loại rác sinh hoạt tại nguồn; mô hình kinh tế tuần hoàn tại chợ nổi Cái Răng…
Với những nỗ lực trong công tác quản lý, BVMT đã góp phần giúp TP. Cần Thơ đạt nhiều giải thưởng về môi trường trong khu vực ASEAN. Đơn cử, năm 2017, TP. Cần Thơ đạt chứng chỉ Thành phố tiềm năng bền vững môi trường ASEAN lĩnh vực không khí sạch. Năm 2021, TP. Cần Thơ cũng đạt giải thưởng Thành phố bền vững môi trường ASEAN và là 1 trong số 70 thành phố trên toàn cầu vào vòng chung kết chương trình Thành phố xanh 2021 - 2022 do tổ chức WWF khởi xướng.
Tăng cường giải pháp
Ông Đỗ Thanh Thảo - Giám đốc Sở TN&MT TP. Cần Thơ cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng đang được TP. Cần Thơ tập trung triển khai thực hiện, đó là triển khai các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đến các sở, ban, ngành; UBND các quận, huyện; các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ và cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố nhằm phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong việc tham gia vào các hoạt động BVMT, từ hoạch định chính sách đến tổ chức giám sát thực hiện.
Cũng theo ông Đỗ Thanh Thảo, việc triển khai các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật; Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT; Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/1/2022 của Bộ TN&MT sẽ giúp cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân kịp thời cập nhật các quy định, chính sách mới về BVMT. Qua đó, nâng cao năng lực và ý thức trách nhiệm trong công tác BVMT ở địa phương.
Theo Lãnh đạo Sở TN&MT TP. Cần Thơ, thời gian tới, công tác quản lý, BVMT trên địa bàn thành phố sẽ còn gặp nhiều khó khăn do tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường tiềm ẩn từ các hoạt động phát triển kinh tế và áp lực của biến đổi khí hậu. Do đó, TP. Cần Thơ sẽ tiếp tục tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, BVMT, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố.
Trong đó, TP. Cần Thơ sẽ tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng BVMT tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu dân cư; nâng công suất nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt đô thị từ 30.000m3/ngày/đêm lên 60.000m3/ngày/đêm; triển khai lắp đặt thiết bị quan trắc mặn tự động tại 3 vị trí gần cầu Cái Sắn (quận Thốt Nốt), kênh Xà No (huyện Phong Điền) và Cảng Cái Cui (quận Cái Răng); xây dựng hạ tầng tiếp nhận dữ liệu quan trắc tự động về nước thải, khí thải từ các công ty, doanh nghiệp.
Hiện tại, TP. Cần Thơ đang tập trung trung hoàn chỉnh kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022 - 2025 và Bộ tiêu chí kêu gọi nhà đầu tư xử lý chất thải rắn sinh hoạt; tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ hợp tác quốc tế trong việc thực hiện các chương trình, dự án về môi trường; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới hiện đại tiên tiến của thế giới về xử lý nước thải, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại; tiếp tục triển khai dự án thu gom tự động rác nổi trên sông và mô hình kinh tế tuần hoàn tại các chợ nổi trên địa bàn thành phố do các tổ chức quốc tế hỗ trợ.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội, hội đoàn thể và UBND các quận, huyện cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư, doanh nghiệp đối với công tác BVMT trên địa bàn thành phố; triển khai các hoạt động ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, nâng cao tỷ lệ thu gom, phân loại, xử lý chất thải và khôi phục lại những tuyến sông, kênh rạch bị ô nhiễm tại khu vực đô thị cũng như khu vực nông thôn; đẩy mạnh phong trào “Chống rác thải nhựa”, khuyến khích người dân hạn chế sử dụng túi nilon, hộp xốp,… khó phân hủy, ưu tiên sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.