Mối quan hệ chặt chẽ giữa các giải pháp ngăn ngừa thảm họa
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 11:16, 06/09/2022
Giai đoạn từ năm 2021 đến 2022, thế giới chứng kiến rất nhiều thảm họa, từ những đợt nắng nóng kỷ lục ở British Columbia (Canada), đến cháy rừng ở Địa Trung Hải, lũ lụt ở Nigeria và hạn hán ở Đài Loan (Trung Quốc). Khoảng 10.000 người đã mất mạng và thiệt hại khoảng 280 tỷ USD trên toàn thế giới.
Báo cáo mới nhất về rủi ro thiên tai có mối liên kết với nhau của Viện Môi trường và An ninh Con người (UNU - EHS) của Đại học Liên Hợp Quốc cho thấy, nhiều thảm họa này có chung nguyên nhân. Đồng thời, các tác giả của nghiên cứu nhận thấy rằng, các giải pháp để ngăn ngừa hoặc quản lý chúng cũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau.
Kết nối những vấn đề liên quan
Tiến sĩ Zita Sebesvari, tác giả chính của Báo cáo và Phó Giám đốc UNU - EHS cho biết, ban đầu, các thảm họa xảy ra ở những khu vực hoàn toàn khác nhau trên thế giới dường như không liên quan đến nhau. Tuy nhiên, khi bắt đầu phân tích chi tiết hơn sẽ thấy, các thảm họa được gây ra bởi những nguyên nhân tương tự, như phát thải khí nhà kính hoặc tiêu dùng không bền vững.
Để đưa ra kết luận, nhóm nghiên cứu đã xem xét những khía cạnh sâu hơn của từng thảm họa và xác định các nguyên nhân ban đầu. Chẳng hạn, phá rừng dẫn đến xói mòn đất, do đó làm cho đất rất dễ bị ảnh hưởng bởi các hiểm họa như lở đất, hạn hán và bão cát.
Một cuộc nghiên cứu sâu hơn nữa cho thấy, các nguyên nhân gây ra thảm họa xuất phát từ những vấn đề gốc rễ chung có bản chất hệ thống hơn, chẳng hạn như thông qua các hệ thống kinh tế và chính trị.
Phá rừng có thể bắt nguồn từ việc đặt lợi ích kinh tế lên lợi ích môi trường và do các hình thức tiêu dùng không bền vững.
Một số nguyên nhân gốc rễ phổ biến khác của các thảm họa trên toàn cầu được tìm thấy trong Báo cáo bao gồm sự bất bình đẳng về cơ hội phát triển và sinh kế, phát thải khí nhà kính do con người gây ra...
Các mối liên hệ không chỉ dừng lại ở nguyên nhân gốc rễ mà còn ở những người chịu nguy cơ cao nhất. Các nhóm dễ bị tổn thương, trong cả các khu định cư và các hệ sinh thái tự nhiên, tiếp tục là đối tượng chịu tác động nặng nề nhất của thiên tai.
Tuy nhiên, các giải pháp cũng có tính liên kết với nhau, có nghĩa là một loại giải pháp có thể được áp dụng trong nhiều bối cảnh để giảm tác động của thiên tai ở các khu vực khác nhau trên thế giới. Ngoài ra, có nhiều giải pháp để giải quyết một thảm họa và chúng trở thành các giải pháp hiệu quả nhất khi được áp dụng kết hợp với nhau.
Chẳng hạn, giải pháp “Hãy để nó diễn ra tự nhiên” dựa trên sức mạnh của thiên nhiên để ngăn ngừa rủi ro và tránh thảm họa. Bên cạnh đó, các quy định về bảo vệ rừng có thể làm giảm nguy cơ cháy rừng lớn ở Địa Trung Hải; khôi phục các sông và suối ở đô thị có thể làm giảm tác động của lũ lụt như trận lũ lụt xảy ra ở New York (Mỹ) sau cơn bão Ida; và đầu tư vào việc thúc đẩy các hệ thống cảnh báo sớm có thể cải thiện khả năng dự đoán và tuyên truyền về các rủi ro.
Theo báo cáo, trong 3 hiện tượng được phân tích - sóng nhiệt ở British Columbia (Canada), núi lửa và sóng thần ở Tonga và lũ lụt ở Lagos (Nigeria) - các hệ thống cảnh báo sớm có thể đã giúp giảm thiểu số người tử vong liên quan.
“Tất cả chúng ta là một phần của giải pháp”
TS. Jack OConnor cũng là tác giả chính của Báo cáo cho biết, nếu chúng ta không muốn những thảm họa mà chúng ta đang trải qua trở thành những thảm họa diễn ra thường xuyên, chúng ta cần nhận ra mối liên hệ giữa chúng, cũng như các giải pháp của chúng. Chúng ta có giải pháp phù hợp để ngăn ngừa và quản lý tốt hơn các nguy cơ, nhưng chúng ta cần khẩn trương đầu tư vào việc mở rộng quy mô và tăng cường hiểu biết về cách các giải pháp có thể kết hợp với nhau.
Không phải tất cả các giải pháp sẽ thuận tiện cho tất cả mọi người. Các giải pháp không chỉ giới hạn ở các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách hoặc khu vực tư nhân. Các nhà nghiên cứu khuyến khích những giải pháp này cũng có thể được thực hiện ở cấp độ cá nhân.
TS. OConnor cho rằng, chúng ta có thể phối hợp với nhau để chuẩn bị cho cộng đồng của mình trong trường hợp có thiên tai. Vấn đề là chúng ta, với tư cách cá nhân, là một phần của một hành động tập thể lớn hơn, giúp tạo ra sự thay đổi tích cực và có ý nghĩa. Tất cả chúng ta đều là một phần của giải pháp.