Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Giữ xanh đảo ngọc Cô Tô - Bài 3: Nối dài những ước mơ xanh
Biển đảo - Ngày đăng : 23:54, 03/09/2022
Bên cạnh đó, ý thức của một bộ phận nhân dân và du khách chưa cao, vẫn còn tình trạng vứt rác, thức ăn thừa trên các bãi tắm; vi phạm các quy định về khai thác san hô, đánh bắt các loại thủy sản bằng phương pháp hủy diệt... ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường tự nhiên và đa dạng sinh vật biển. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm nước biển do dầu vẫn luôn tiềm ẩn từ các tàu thuyền gắn máy loại nhỏ, công suất thấp, cũ kỹ và lạc hậu hoạt động trên các vùng biển quanh đảo Cô Tô thải vào môi trường biển. Do vậy để phát triển du lịch bền vững, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền địa phương và các cơ quan, ban ngành của huyện Cô Tô phải tiến hành đồng thời nhiều giải pháp bảo vệ môi trường.
Trước tiên vẫn là tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ, chiến sĩ cùng chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ môi trường biển; thường xuyên phối hợp tổ chức phát động hưởng ứng ngày môi trường và tổ chức phát động các chương trình, chiến dịch nhằm thu hút đông đảo lực lượng tham gia bảo vệ môi trường biển; xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu, hoạt động hiệu quả trong tham gia bảo vệ môi trường chống rác thải nhựa trên địa bàn huyện; tuyên truyền cho doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch và đội ngũ cán bộ, nhân viên du lịch và du khách tham quan nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch sử dụng nguồn năng lượng sạch; sử dụng tiết kiệm tài nguyên và giảm tác động đến môi trường biển; xây dựng hệ thống xử lý rác thải phù hợp, nhất là đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tại gia đình, cơ quan, đơn vị, bảo đảm 100% nước thải sinh hoạt đều có hệ thống xử lý tập trung, đạt quy chuẩn trước khi xả ra môi trường biển.
Cùng với đó, theo ông Hà Mạnh Hùng - Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường và Nông nghiệp huyện Cô Tô: “Cần tăng cường đầu tư, lắp đặt các thùng rác nổi cỡ lớn tại các khu neo đậu tàu thuyền và các thùng rác đôi phục vụ phân loại rác thải tại nguồn ở các điểm tham quan du lịch. Khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản thay thế dần vật liệu phao xốp bằng các vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường. Tăng cường đầu tư, nâng cao năng suất, chất lượng vận hành các khu xử lý chất thải. Nghiên cứu đầu tư, lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động trên địa bàn huyện. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường”.
Nghiên cứu xây dựng các quy chế, quy định bảo đảm kịp thời, chặt chẽ, phù hợp về công tác bảo vệ môi trường biển. Đặc biệt, quyết liệt thực hiện quy định của UBND huyện từ 1/9/2022, du khách không mang chai nhựa, túi nilon và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch đến huyện đảo Cô Tô. Chỉ đạo các ngành chức năng của huyện tăng cường phối hợp với các LLVT đứng chân trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước và hệ thống thực vật dưới nước; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi khai thác, đánh bắt các loại san hô, thủy sản bằng phương pháp hủy diệt. Chủ động cải tạo, phục hồi và mở rộng diện tích rừng ngập mặn trên đảo. Kêu gọi người dân trên đảo nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng hành động cụ thể, thiết thực như: nói "không" với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon trong mua sắm, sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường; tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống.
Phát huy hơn nữa vai trò của LLVT chung sức tham gia bảo vệ môi trường, chung tay “giữ màu xanh của biển”. Trong đó tập trung tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, chiến sĩ có nhận thức đúng đắn về vị trí, ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của xây dựng cảnh quan môi trường đối với sức khoẻ và chất lượng cuộc sống; với nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) và xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Nội dung tuyên truyền phải toàn diện, nhất là phổ biến về những ảnh hưởng xấu của ô nhiễm môi trường đối với sức khỏe bộ đội và độ bền vững của các loại vũ khí, trang thiết bị quân sự, cơ sở vật chất phục vụ SSCĐ và các nhiệm vụ khác của đơn vị. Tuyên truyền những mô hình tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt, cách làm hay, sáng tạo; đấu tranh, phê phán những nhận thức, hành động coi nhẹ công tác bảo vệ, xây dựng cảnh quan, môi trường trong đơn vị và trên địa bàn đơn vị đóng quân.
Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị cần sử dụng nhiều hình thức, biện pháp sinh động để tuyên truyền cho cán bộ, chiến sĩ, như: Qua diễn đàn, phát động thi đua, hoạt động hưởng ứng Ngày môi trường; thi tìm hiểu, tuyên truyền miệng, cổ động trực quan, trao đổi, tọa đàm, hội thi… Gắn xây dựng cảnh quan, môi trường, doanh trại chính quy “sáng, xanh, sạch, đẹp” với xây dựng môi trường văn hóa quân sự và các phong trào, các cuộc vận động thường xuyên của đơn vị; thông qua thực hiện các nhiệm vụ và trong xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.
Cấp ủy, chỉ huy các đơn vị LLVT đứng chân trên địa bàn cần tiếp tục chung tay, góp sức cùng với chính quyền và nhân dân địa phương chủ động, tích cực tham gia nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa; tổ chức tốt các chiến dịch ra quân dọn vệ sinh môi trường; hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” và nêu cao tinh thần trách nhiệm, tự giác của cán bộ, chiến sĩ, làm nòng cốt trong thực hiện các chương trình phối hợp dọn vệ sinh, làm sạch khu vực bãi biển. Tích cực thực hiện tốt Cuộc vận động “Quân đội chung sức xây dựng Nông thôn mới”; phối hợp tổ chức tốt các đợt hành quân dã ngoại kết hợp làm công tác dân vận trên địa bàn huyện. Phối hợp tuần tra, kiểm soát, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; chủ động bám nắm, kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm quy định làm ảnh hưởng tới môi trường biển; quản lý tốt diện tích đất quốc phòng, không để xảy ra hiện tượng vi phạm, lấn chiếm; chủ động đảm bảo tốt vệ sinh môi trường trên các bãi biển thuộc phạm vi đơn vị đảm nhiệm.
Thường xuyên luyện tập và duy trì nghiêm quân số trực SSCĐ, đặc biệt trong mùa mưa bão, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu, xử lý các tình huống phát sinh, xử lý sự cố tràn dầu, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, kêu gọi tàu thuyền tránh trú bão, giúp đỡ nhân dân gặp khó khăn trên biển, hỗ trợ nhân dân trên đảo thu hoạch mùa, xử lý môi trường sau bão,...
Đồng thời, cần quyết tâm hơn nữa cùng với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương thực hiện thắng lợi đề án: “Phân loại rác thải tại nguồn” và đề án “Hạn chế việc sử dụng túi nilon” để quân và dân Cô Tô “cùng giữ màu xanh của Biển”, để Cô Tô mãi xứng đáng với tên gọi Đảo Ngọc - Thiên đường biển đảo trên mảnh đất tiền tiêu vùng Đông Bắc Tổ quốc xinh đẹp; với niềm tự hào là nơi duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng tượng khi Người còn sống! Thiết thực góp phần khẳng định vai trò quan trọng của Quân đội trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường biển và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; “Cùng giữ màu xanh của Biển” vì môi trường sống tốt đẹp cho thế hệ tương lai.