Quảng Nam: Người dân vùng lũ “dựng” vành đai tre chống sạt lở ven sông

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:21, 03/09/2022

(TN&MT) - Mùa mưa lũ về, dòng sông Thu Bồn nước chảy xiết, gây xói lở làm mất đất sản xuất. Nhiều khu dân cư phải di dời. Để giữ đất giữ làng, những năm gần đây người dân xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam phát động trồng tre dọc ven sông... Đây là một cách làm hay, tốn ít kinh phí và mang lại hiệu quả cao.

Lá chắn giữ làng

Xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nằm ven theo sông Thu Bồn thường xuyên hứng chịu nhiều đợt sạt lở sau lũ lụt. Trong khi chờ Nhà nước đầu tư xây kè, nhiều năm nay người dân ở địa phương này đã chủ động trồng tre ven sông để giữ làng, giữ đất. Cứ đoạn bờ sông nào qua địa phương có nguy cơ sạt lở đất thì mọi người đều trồng tre ở phía trong, còn phía gần sát bờ sông thì họ trồng cây bói.

tre1.jpg
Những vành đai tre xanh tốt như bức tường thành bảo vệ làng Đại Thạnh trước tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng

Đứng trên bờ sông của thôn nhìn hàng tre như bức tường thành vững chắc, bà Huỳnh Thị Hạnh, thôn Hanh Đông, xã Đại Thạnh, huyện Đại Lộc cho biết: Nhiều năm trước sau những cơn lũ lịch sử, bờ sông của thôn lại bị sạt lở nghiêm trọng, đất sản xuất của bà con bị nước sông nhấn chìm. Trước thực trạng này, bà con dân làng đã "í ới" gọi nhau sau mỗi dịp tết để trồng tre quanh bờ sông. Các lũy tre như bức tường vững chắc, giữ đất, giữ làng trước những cơn lũ cuồng nộ.

“Trồng tre để giữ đất là chuyện có từ bao đời qua, nhưng để giữ cây tre phát triển thì càng khó hơn. Mùa này tre thường cho búp măng, một số người dân có nhà nằm sâu trong xóm đã lén lút chặt măng tre để ăn hoặc bán lấy tiền, nên mỗi lần họp thôn xóm, bà con tự nhắc nhở lẫn nhau. Nhờ vậy, đến thời điểm này các bụi tre xanh tốt trở thành những cây đan dày thành lũy. Bây giờ dọc bờ sông Thu Bồn, đoạn qua thôn Hanh Đông dài hơn 1km tre đã trồng sít kín. Mùa nắng cây tre tạo bóng mát, mùa mưa thì chắn gió, chống sạt lở đất”, bà Huỳnh Thị Hạnh chia sẻ.

tre2.jpg
Bây giờ dọc bờ sông Thu Bồn, đoạn qua xã Đại Thạnh tre đã trồng sít kín, vững chắc

Bà Nguyễn Thị Bảy, trú xã Đại Thạnh cho hay, phong trào trồng tre ở đây được bà con hưởng ứng tích cực. Mỗi người cùng chung tay trồng tre, bởi đó không chỉ là quyền lợi mà còn là nghĩa vụ. “Bà con ở đây bắt đầu trồng tre từ cách đây 3-4 năm rồi, đến nay rễ tre cắm sâu vào lòng đất, giống như một bờ kè giữ đất và tỷ lệ cây tre sống khoảng 60%, trong khi đó chi phí để trồng tre thì không tốn nhiều, chỉ tốn công sức thôi. Đất hoa màu bà con ở sau mấy rặng tre đó được bảo vệ, ít bị sạt lở, chúng tôi yên tâm sản xuất hơn”- bà Bảy cho biết.

Giải pháp hiệu quả

Bà Nguyễn Thị Minh Nam, Chủ tịch UBND xã Đại Thạnh cho biết: Việc trồng tre ở các điểm sạt lở ven sông mang lại hiệu quả rất lớn dù đây chỉ là giải pháp tức thời. Đến thời điểm này, bà con địa phương đã trồng tre rất nhiều dọc bờ sông Vu Gia – Thu Bồn, các cây tre xanh tốt, cao hơn 4m. Ngoài ra, chính quyền xã còn yêu cầu người dân khi giao đất đấu thầu 50% thì yêu cầu mọi người để lại một khoảng đất trồng cây bói, nhằm giữ đất bồi ven sông dài gần 3km.

tre3.jpg
Dãy tre và cây bói giữ đất ở làng Đại Thạnh, xã Đại Lộc

Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay ở những vùng ven sông có nguy cơ sạt lở nặng, mất đất sản xuất, kinh phí để làm kè cứng rất lớn, 1km có thể mất đến 20 tỉ đồng. Vừa qua, địa phương đã tiến hành rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở hai bên bờ sông Vu Gia – Thu Bồn đoạn chảy qua huyện Đại Lộc, tuy nhiên kinh phí quá lớn nên tỉnh chưa cân đối được. Trong lúc chờ có chủ trương đầu tư kinh phí kè cứng của tỉnh thì giải pháp phi công trình duy nhất là trồng tre. Việc trồng tre tốn kém không bao nhiêu, có thể tận dụng điều kiện có sẵn của dân.

Qua thời gian quan sát, địa phương nhận thấy những nơi trồng tre và không trồng tre mức độ sạt lở ven sông có sự chênh lệch khá lớn. Kể cả ở những khu vực có kè rồi nhưng huyện vẫn khuyến khích các xã huy động dân trồng tre ở phần đất phía trong để tạo sự vững chắc. Huyện lâu nay luôn là rốn lũ của tỉnh vì hầu hết các xã nằm dọc sông, mỗi lần lũ qua là thiệt hại rất lớn, nhất là sạt lở bờ sông nghiêm trọng nên việc dân chủ động trồng tre là điều rất tốt.

z3673571712208_c3e497f7acff9a20a8a9719bfba5d46b.jpg
Trồng tre giữ đất được xem là giải pháp hiệu quả, ít tốn kém để bảo vệ đất, giữ làng

“Trước mùa mưa lũ năm nay, lãnh đạo huyện triển khai cho các địa phương vận động bà con trồng tre để khắc phục tạm thời các điểm sạt lở theo giải pháp trước mắt, còn về lâu dài thì tiếp tục kiến nghị lên cấp trên quan tâm, sửa chữa lại các đoạn sạt lở để đảm bảo an toàn tính mạng người dân và hoa màu của bà con dọc 2 bờ sông trên” - ông Lê Văn Quang cho biết.

Lan Anh