Đồi A Bia (Thừa Thiên – Huế) được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia

Xã hội - Ngày đăng : 10:58, 02/09/2022

Cách đây hơn 50 năm, chiến thắng đồi A Bia đã làm chấn động dư luận thế giới, xôn xao dư luận Mỹ. Đồi A Bia trở thành tử địa, là nỗi kinh hoàng của các sĩ quan và binh lính Mỹ. Và nay, địa điểm Chiến thắng Đồi A Bia (xã Hồng Bắc, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã được đón nhận Bằng xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Tối 1/9, UBND huyện A Lưới long trọng tổ chức Lễ công bố Quyết định di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng đồi A Bia được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

A Bia là điểm cao nhất (937 m so với mặt nước biển) nằm giữa vùng rừng núi trùng điệp gần biên giới Việt - Lào; đỉnh A Bia có ba mỏm đứng thế chân kiềng cao xấp xỉ nhau, cách nhau khoảng 400 m. Tại đây, sau thất bại trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (1968), đế quốc Mỹ điên cuồng mở nhiều đợt tấn công vào khắp các địa bàn miên Tây Trị - Thiên Huế, đặc biệt là những cuộc càn quét vào thung lũng A Lưới.

z3689422816860_4fa4093a5aafc0dd0d9b588dee80f63d.jpg

Các tiết mục nghệ thuật tại buổi lễ

Vào trung tuần tháng 5 năm 1969, Mỹ Ngụy mở chiến dịch tấn công A Bia. Tại đây, Trung đoàn 3, Sư đoàn 324 và quân dân A Lưới đã làm nên lịch sử trận đánh Đồi A Bia. Lợi dụng địa thế hiểm trở cùng thời tiết khắc nghiệt rừng núi, các đơn vị bộ đội chủ lực của ta phối hợp với lực lượng bộ đội địa phương, dân quân du kích đã chủ động tấn công đập tan cuộc hành quân của địch, tiêu diệt 1.500 tên, phá hủy nhiều phương tiện, vũ khí chiến tranh.

Chiến thắng này đã làm “rung chuyển” Nhà Trắng và Lầu Năm Góc, xôn xao dư luận Mỹ, chia rẽ nội bộ và giới truyền thông Mỹ. Đồi A Bia trở thành tử địa, là nỗi kinh hoàng của các sĩ quan và binh lính Mỹ. Ngọn đồi này, sau trận đánh được người Mỹ gọi là “Đồi thịt băm - Hamburger Hill” như một cách thể hiện độ khốc liệt và thương vong cao của lính Mỹ.

Thắng lợi ở A Bia không những có ý nghĩa về quân sự mà còn làm dao động, phân hóa nội bộ quân Mỹ và thúc đẩy nhân dân đồng bằng đánh phá kế hoạch bình định của quân địch quyết liệt hơn. Thắng lợi to lớn đó đã đánh dấu sự thất bại âm mưu của quân địch định tiến sâu vào đánh phá căn cứ miền núi của quân ta, buộc phải bỏ ý định chốt tuyến trên, lùi về phòng thủ tuyến giữa, làm thất bại chiến lược phòng ngự từ xa của Bộ chỉ huy quân đội Mỹ.

Với những giá trị và ý nghĩa lịch sử đó, Địa điểm chiến thắng đồi A Bia đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) quốc gia tại Quyết định số 3082 /QĐ - BVHTTDL ngày 03 tháng 12 năm 2021.

z3689443534641_f8f3a5956425e8a5a3619186789560a7.jpg

Lễ công bố Quyết định Địa điểm Chiến thắng đồi A Bia được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình khẳng định, địa điểm Chiến thắng đồi A Bia được xếp hạng di tích quốc gia chính là sự tôn vinh tinh thần chiến đấu quả cảm của quân đội và nhân dân Việt Nam. Để tiếp tục bảo vệ và phát huy tốt hơn giá trị di tích lịch sử này, chính quyền địa phương tăng cường tổ chức tuyên truyền, giới thiệu cho nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết sâu sắc về những giá trị lịch sử cách mạng gắn liền với di tích; tổ chức các hoạt động đăng ký chăm sóc, bảo vệ di tích; chủ động bố trí và huy động các nguồn lực để tiến hành tu bổ, tôn tạo di tích...

“Về lâu dài chính quyền địa phương cần phối hợp với các cơ sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu việc thực hiện lập quy hoạch địa điểm Chiến thắng đồi A Bia trong mối quan hệ gắn kết chặt chẽ với Hệ thống di tích đường Hồ Chí Minh trên địa bàn huyện A Lưới như: Ngã Ba đầu đường 72 và địa điểm Bốt Đỏ, Ngã Ba đầu đường 73 đường 14B, Ngã Ba đầu đường 74 đường 14B, Dốc Con Mèo… nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di tích gắn với phát triển du lịch một cách bền vững. Qua đó, góp phần tích cực trong việc thực hiện các mục tiêu của tỉnh để phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần Nghị quyết số 54 của Bộ Chính trị”, ông Bình nhấn mạnh.

Đồi A Bia hôm nay ngút ngàn màu xanh của những cánh rừng tái sinh, làm cho mỗi du khách khi bước chân vào đây không khỏi ngỡ ngàng, tưởng chừng đây là rừng nguyên sinh, chưa từng diễn ra trận đánh tàn khóc năm xưa,; xung quanh giáp với đồi A Bia là những rẫy lúa, ngô, chuối, sắn, rừng keo trồng của người dân địa phương trồng và chăm sóc; trong đó có bàn tay của chính những người dân quân, cựu chiến binh anh dũng năm xưa vun trồng, nhằm góp phần đẩy nhanh việc nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới...

Thông qua sự kiện này, huyện A Lưới muốn giới thiệu, quảng bá về giá trị, ý nghĩa và tầm vóc to lớn của di tích lịch sử địa điểm chiến thắng đồi A Bia đến với các tầng lớp nhân dân và du khách, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tự hào dân tộc đối với các thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp và nhân dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích, góp phần gìn giữ di sản văn hóa dân tộc, tạo không khí phấn khởi, tin tưởng, thi đua yêu nước trong các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Văn Dinh