Những “Rô-bin-xơn” trên Đảo Ngư

Xã hội - Ngày đăng : 06:43, 02/09/2022

(TN&MT) - Có 3 con người đang ngày đêm thầm lặng với công việc "đo gió, đếm mưa" nơi đảo xa. Công việc của các anh luôn luôn phải xa gia đình, vợ con, đất liền và gặp rất nhiều những khó khăn, trở ngại… nhưng với trách nhiệm, sự nỗ lực cố gắng, các anh luôn hoàn thành xuất sắc công việc nơi đảo “tiền tiêu”.

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Những ngày đầu tháng 7/2022, khi tiết trời xứ Nghệ nóng nực, oi bức nhất, tôi đến với những người làm công tác khí tượng hải văn đóng trên đảo này. Nếu từ đất liền nhìn ra theo hướng đảo Ngư, khó có thể nhận biết được trên đảo có Trạm Khí tượng hải văn đứng chân. Nằm khuất mình phía trời Đông, trải qua mấy chục năm nay, những người đo gió, đo nước ở đây vẫn lặng lẽ làm phần việc của mình. Họ không trực tiếp cầm súng canh giữ bầu trời của Tổ quốc nhưng lại là người nhìn thấu rõ trời cao, biển cả.

anh-2.jpg

Đảo Hòn Ngư nhìn từ đất liền.

“Ở đây chỉ biết làm bạn với biển, với chim thú quanh năm. Trạm chỉ có 3 người bám trụ lại với đảo. Nhiệm vụ của chúng tôi hằng ngày, hằng giờ vẫn lặp đi lặp lại theo quy trình. Lên núi đo gió rồi xuống biển đo nước, sau đó báo qua bộ đàm, điện thoại về Đài Khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ. Công việc cứ lặp lại như vậy khiến đôi lúc cũng tẻ nhạt, nhưng khi nghĩ đến biến cố của thời tiết rồi biết bao mạng sống của con người, chúng tôi lại tự động viên nhau phải canh, phải trực biển trời của Tổ quốc” - Trạm trưởng Trạm Khí tượng hải văn đảo Ngư, Hoàng Huy tâm sự.

Anh Huy năm nay đã 38 tuổi, đây là lần thứ 2 anh quay lại công tác ở đảo Hòn Ngư. Lần trước ra với hòn đảo này đã cách đây 13 năm. Lần gần đây nhất anh ra công tác ở đảo cho đến nay đã hơn 3 năm và chưa bao giờ anh nghĩ đến ngày sẽ rời hòn đảo này. Vừa kể chuyện nghề, anh Huy vừa dẫn chúng tôi ra tận mép biển để thuật lại công việc hằng ngày của mình và đồng nghiệp.

Anh Huy nói: “Nếu trời quang mây tạnh như hôm nay thì công việc đo mức nước, nhiệt độ, độ mặn, mức sóng… của biển đỡ vất vả hơn. Còn hôm nào trời xấu, sóng biển dâng cao, gió dữ dội thì việc đo biển vất vả lắm. Trời mưa bão thì khỏi phải nói, hiểm nguy vô kể. Lúc đó, mọi người đều đi tránh bão thì chúng tôi lại phải trằn mình ra giữa trời để làm công việc của mình”.

anh-6-min-1-.jpg

Anh Hoàng Huy đang thực hiện nhiệm vụ tại vườn khí tượng trên đỉnh núi phía Đông đảo Hòn Ngư.

Cũng là công việc như vậy, 3 con người ở đây thay phiên nhau túc trực theo giờ để ghi chép, quan sát và tổng hợp các diễn biến của thời tiết để báo về trung tâm. Cứ theo lịch trình định vị sẵn, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, người làm công tác khí tượng hải văn ở đây vẫn không được rời “trận địa” của mình. Từ đây, những số liệu về mức gió, mức nước, độ mặn của biển… sẽ được Trạm truyền đi các nơi thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Các anh luôn xem đảo là nhà, biển cả là quê hương.

Bộ ba trên đảo “tiền tiêu”

Mỗi người một việc, những người “lính canh trời” ở đây chẳng nề hà nắng mưa, gió bão, ngày, đêm… họ vẫn túc trực, bám trụ để làm tốt công việc của mình. Ở đảo Hòn Ngư này, cả 3 người như anh Huy phải chấp nhận cuộc sống xa gia đình, đất liền, ra đây sống cuộc sống như nhân vật trong truyện “Rô-bin-xơn” để thực hiện nhiệm vụ. Với họ, bao năm nay vẫn xem nhau như anh em một nhà. Biết bao câu chuyện, biết bao tâm sự buồn vui đều sẻ chia cùng nhau trong những tháng ngày xa cách đất liền.

Anh Huy bảo, ở đảo Ngư này, 3 người đàn ông bám trụ ở đây mỗi người một quê, mỗi người một hoàn cảnh. Người có thâm niên lâu nhất ở đảo là anh Nguyễn Ngọc Sơn (quê Hưng Nguyên) với hơn 12 năm trên đảo. Còn anh Nguyễn Cảnh Long (quê Đô Lương) cũng đã có hơn 8 năm "ăn cơm đảo".

Cuộc sống của 3 người đàn ông ở đảo gắn bó như một gia đình. Những ngày mưa bão, biển động có khi kéo dài hàng tháng trời, thức ăn dự trữ cạn dần, tiếp tế từ đất liền không ra được, họ lại phải chuyển khẩu phần ăn từ cơm sang cháo để… "cầm hơi".

Có thời gian, họ phải ăn cơm với muối trắng và rau rừng để chống chọi với cuộc sống tách rời với đất liền. Chưa kể, có những lúc bị ốm đau đột xuất, thuốc men thiếu thốn, đất liền chưa cung cấp kịp, họ tự chữa bệnh bằng cây lá, đồng thời động viên nhau bằng tinh thần mà vượt qua hoạn nạn.

Những ngày nắng hạn, nhìn những luống rau "tăng gia" héo khô của các anh mà chúng tôi không khỏi ái ngại. "Thiếu nước tưới rau nên rau héo hết. Để có rau xanh bổ sung cho bữa ăn, chúng tôi phải tranh thủ đi khắp trên đảo để tìm rau dại" - Anh Long chỉ ra vườn rau nằm phía sau trạm, thở dài.

Vấn đề thiếu nước ngọt vào mùa này là chuyện không hiếm gặp đối với anh em trên đảo Hòn Ngư. Dù đã xây đến 6 bể để trữ nước mưa nhưng một phần bể bị rấm nước, một phần năm nay lượng mưa ít nên hiện chỉ 2 bể còn lại một ít nước để phục vụ nấu nướng và san sẻ với các chiến sỹ Đại đội 33. Còn việc tắm giặt của anh em trên đảo phải xuống biển để "cải thiện".

Cũng như 2 người còn lại, anh Nguyễn Ngọc Sơn có nước da sạm đen, rám nắng và một dáng vóc rắn rỏi cùng nụ cười mặn mòi của biển cả, giống như cây lá ở đây vững vàng hứng chịu phong ba bão táp. Đứng trên đỉnh núi, nơi đặt vườn khí tượng, anh Sơn hướng ánh mắt về đất liền kể lại rằng: "Năm 2017, khi đang trực ca trên vườn khí tượng này, tôi đã bị cơn đau thận đột ngột. Rất may là tôi vẫn cố gắng liên lạc được với anh em dưới trạm. Khi "đồng đội" trèo lên đến đỉnh núi thì tôi đã gần như ngất lịm vì đau. Khi đó, hai đồng chí thay phiên nhau cõng tôi từ đỉnh núi xuống bờ biển để tức tốc đưa vào đất liền cấp cứu kịp thời".

Hiện nay, Trạm đã được trang bị những dụng cụ quan trắc và đo đạc đầy đủ, hiện đại hơn. Công việc cũng đỡ vất vả hơn nhưng đời sống tinh thần của cán bộ ở đây còn nhiều thiếu thốn. Ít được tiếp xúc với sách báo, ngoài năng lượng điện mặt trời, máy nổ đều phải dùng tằn tiện đến mức có thể. Sống trên đảo, hàng tháng trời mới được về thăm gia đình, vợ con.

Trong câu chuyện của những người “soi mắt bão”, giữa âm thanh hòa lẫn tiếng chim muông và sóng biển vỗ vào chân đảo, cuộc sống của con người ở đây hiện lên trong âm thầm, lặng lẽ.

Như những “Rô-bin-xơn” ngoài đảo hoang, dù khắc nghiệt đến đâu, con người nơi đây vẫn bám trụ để thích ứng với cuộc sống cách xa đất liền. Vẫn âm thầm làm tốt công việc của mình - Những con người lặng lẽ trên đảo Hòn Ngư. Và, có ra đây, chúng tôi mới hiểu rằng, đằng sau những bản tin dự báo thời tiết, mưa bão được phát đi là mồ hôi, là sự lặng thầm của những người làm công tác khí tượng hải văn như các anh. Biển động, gió giật mạnh, bão sắp vào đất liền… các anh là những người chủ động nắm rõ để báo về đất liền trước tiên.

Nhận xét về Trạm khí tượng hải văn đảo Hòn Ngư, ông Lê Đức Cương - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Bắc Trung Bộ, chỉ ngắn gọn: "Mọi so sánh đều có thể khập khiễng nhưng Trạm Khí tượng hải văn đảo Hòn Ngư có những khó khăn đặc thù riêng. Thế nhưng, dù khó khăn, vất vả đến đâu thì anh em đều luôn cố gắng hy sinh thầm lặng để hoàn thành tốt nhiệm vụ với cơ quan, với nhân dân, với Tổ quốc".

Trạm khí tượng hải văn đảo Hòn Ngư được thành lập đầu thập niên 60 của thế kỷ trước với tên gọi ban đầu là Trạm khí tượng Đảo Ngư. Thời đó, trạm được đặt trên một khoảng đất bằng ở lưng chừng ngọn đồi phía Bắc của đảo. Lúc bấy giờ, vườn máy chỉ có một cột gió, một lều máy, một vũ kế và một nhật quang ký; nhà ở và làm việc ở phần "eo" của đảo.

Bút ký của Lang Đình Tiệp