Có phải em - mùa thu Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 02/09/2022

(TN&MT) - Cất lên, cao, xa, rõ ràng bằng gam La trưởng, lời ca bắt đầu từ một câu hỏi: “Tháng tám mùa thu lá khởi vàng chưa nhỉ?”.

Tháng tám mùa thu lá khởi vàng chưa? Câu ấy, dường như không có khách thể, không rõ hỏi ai, hỏi ai mà như tự vấn chính lòng mình, về một nơi thân thuộc đã xa xăm, rằng không biết nơi ấy từ độ “người đi”, lá đã bắt vàng chưa? Cũng ngay sau câu hỏi ấy, nhạc sĩ chợt nhận ra mình đang độc thoại, nên câu hát tiếp theo bỗng rơi đột ngột, trầm ngâm: “Từ độ người đi thương nhớ âm thầm”.

Tháng tám mùa thu

lá khởi vàng chưa nhỉ?

Từ độ người đi thương nhớ âm thầm

Có phải em là mùa thu Hà Nội

Tuổi phong sương anh cũng gắng đi tìm

Có phải em mùa thu xưa

img_2946.jpeg

Sắc thu Hà Nội, dịu dàng và bình yên. Ảnh: Hoàng Minh

Như ta đã từng nghe, không khó khăn gì để nhận ra có một người con gái trong bài hát bởi tựa đề đã rất rõ ràng “Có phải em mùa thu Hà Nội”. Xưa nay, ít khi người ta sử dụng cú pháp khẳng định trong nghi vấn để đặt tên cho tác phẩm nghệ thuật, nhưng với nhạc sĩ Trần Quang Lộc và nhà thơ Tô Như Châu (tác giả thơ), thủ pháp nghệ thuật ấy không chỉ là đầu đề khơi mào mà còn đi suốt cả bài ca, được nhắc đi nhắc lại với những sắc thái cung bậc khác nhau. Có gì đó chới với bộn bề tâm trạng. Bởi nếu lắng nghe, sẽ thấy vừa rơi trong cảm giác “thương nhớ âm thầm”, thì ngay lập tức, âm vực của câu hát tiếp theo lại vút trỗi lên: “Có phải em là mùa thu Hà Nội/ Tuổi phong sương anh vẫn gắng đi tìm”.

Chắp cánh âm nhạc cho một bài thơ vốn đã rất hay về Hà Nội của Tô Như Châu, nhưng đưa tâm trạng yên bằng của thơ thành khuất khúc qua âm thanh thì quả là một thành công đáng trân trọng của nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Người nghe khi bị tung trên sự chất vấn, lúc trầm mặc trong nỗi nhớ nhung, khi da diết chờ một tiếng trả lời, lúc điềm tĩnh trở lại là mình với một rì rầm khát vọng: “Ôi mùa thu của ước mơ”.

Thu Hà Nội trong ký ức của những người xa Hà Nội có lẽ đều có những điểm chung để nhớ, lá vàng nôn nao dọc phố, sương như khói mênh mông Dâm Đàm Lãng Bạc, nét buồn kiêu sa ấy chỉ có thể là Hà Nội, nó khiến lòng người tha hương day dứt và khôn nguôi ý nghĩ một ngày trở về.

Như vậy là, theo suy diễn câu chữ bày ra trên khuông nhạc, người nghe hiểu rằng có một mùa thu Hà Nội trong nỗi nhớ của nhạc sĩ, có thể nhạc sĩ ấy là “người đi” được nhắc đến trong bài hát. Và người em trong bài hát ấy cũng chính là mùa thu như tác giả từng vấn trở mình. Năm tháng đã trôi qua kể từ ngày bài hát ra đời, nhà thơ Tô Như Châu và nhạc sĩ Trần Quang Lộc cũng đã về cõi thiên thu, và người con gái trong bài hát vẫn mãi mãi là những giả thiết, giả định. Trước nhà thơ Tô Như Châu từng trải lòng rằng, bài thơ “Có phải em mùa thu Hà Nội” được ông sáng tác vào tháng 8/1970, khi đó, ông 36 tuổi. Con phố nơi ông ở có những gia đình Hà Nội gốc sơ tán vào sinh sống, ông đôi khi bắt gặp một bóng dáng thướt tha trong nắng Thừa Thiên, cả giọng nói cũng nhẹ như gió thoảng len trong thanh âm ngọt ngào xứ Huế, và rồi có những đêm khuya, tiếng dương cầm thánh thót rót vào không gian nỗi nhớ, nỗi buồn, nỗi khắc khoải âm thầm diệu vợi, ông như đọc được cốt cách Hà thành ẩn trong những gương mặt xa quê hương. Và bài thơ đã hình thành.

mua-thu-ho-guom.jpg
Hồ Gươm Hà Nội khi thu về

Thơ Tô Như Châu dàn trải, dài như con phố hun hút gió thu chạy dọc, chầm chậm như Cổ Ngư, nhưng khi gặp Trần Quang Lộc, nhạc sĩ đã chắt lọc ý tứ, sắp đặt lại một số ca từ, để bài hát bỗng trở thành một ẩn số thú vị. Bài hát được phổ nhạc năm 1972 khi hai tâm hồn đồng điệu gặp nhau và được ca sĩ Thái Thanh thể hiện lần đầu. Ngay sau đó, bài hát lập tức bị cấm vì “thân Bắc”, “có hơi hướng cộng sản”. Bẵng đi 20 năm sau, khi Tô Như Châu vừa sáng tác vừa đi bỏ báo, ông đã nghe những ca từ quen thuộc trong bài thơ của mình qua bài hát “Có phải em mùa thu Hà Nội” trên sóng phát thanh:

Có bóng mùa thu thức ta lòng sang mùa

Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn

Có phải em là mùa thu Hà Nội

Ngày sang thu anh lót lá em nằm

Bên trời xa sương tóc bay

Vâng, như hồi ức của Tô Như Châu, thì người em trong thơ ông là những cô gái hình hài, nhưng so đo ca từ trong bài hát, có lẽ không phải vậy. Chút hư ảnh chỉ là liên tưởng ví von mà nhạc sĩ Trần Quang Lộc muốn làm khuất mờ đường nét để thi vị hóa mà thôi. Có gì đó lắng yên trong trái tim, nén lại trong lồng ngực, bật ra sau một từ “thức” “Có bóng mùa thu thức ta lòng sang mùa/ Một ngày về xuôi chân ghé Thăng Long buồn” để liên tưởng với lời hát ở khổ đầu “Tuổi phong sương anh cũng gắng đi tìm”. Đôi lúc, người ta vẫn nhầm hát thành “nhắc”, sự nhầm lẫn ấy vô tình làm giảm giá trị của câu hát. “Nhắc” là khi người ta đã quên, nhưng “thức” thì không, chỉ là tạm nén vào trong vì một lý do nào đó mà thôi.

Thu Hà Nội hiện lên trong bài hát đẹp tựa thiếu nữ Hà thành, phiêu bồng trên thảm vàng, tóc xe vào sương bay, môi mềm như khói, và lá ướt này mi xanh… Khó có thể mường tượng để vẽ thành đường nét cái đẹp hư ảo ấy. Bức tranh mà nhạc sĩ Trần Quang Lộc vẽ ra và người nghe cảm được, tất thảy đều trong tưởng tượng, giọt lệ mừng đoàn tụ cũng chỉ là trong mơ ước mà thôi, kể cả một chi tiết rất thực, là tiếng dương cầm: “Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi/ Lệ mừng gặp nhau xôn xao tiếng dương cầm”. Nhưng tiếng dương cầm cũng không phải là nét vẽ thành hình khối trong bức tranh Hà Nội. Cả nhà thơ và nhạc sĩ, lắng nghe trong tiếng dương cầm, khát vọng, niềm vui ngày đoàn tụ. Tiếng dương cầm đã rẽ sương khói để mở ra câu hát - có lẽ cũng là câu hát khiến nhiều “băn khoăn” nhất: “Nghe đâu đây hồn Trưng Vương sông Hát”.

Có một số tài liệu dẫn giải rằng: lý do tác giả gắn “hồn Trưng Vương” với “sông Hát”, có thể do bắt nguồn từ chi tiết lịch sử có thật, đó là Hai Bà Trưng tự vẫn ở sông Hát, mà sông Hát là một nhánh sông đầu nguồn, đổ về sông Nhuệ (Hà Nội). Có lẽ, nhạc sĩ Trần Quang Lộc không đến nỗi bí từ, cũng không muốn dẫn chuyện dài dòng như thế. Cái sâu xa trong hàm ý của nhạc sĩ là khắc họa nên một mùa thu Hà Nội đẹp thẳm sâu, trong sáng, mong manh, một Hà Nội thủy chung, khí tiết trung trinh dẫu trong chiến tranh hay dâu bể thăng trầm, một Hà Nội là tình yêu, là ước mơ, là niềm hy vọng, là niềm tự hào, là trái tim của cả nước, để “Nghìn năm sau anh níu bóng quay về”. Anh ở đây có thể là nhạc sĩ, có thể là nhà thơ, có thể là bất cứ một ai đó, gửi lòng mình vào hồn cốt Thăng Long, mơ một ngày được hân hoan đoàn tụ, gọi tên nhau, mắt cười mà lệ mừng “xôn xao tiếng dương cầm”. Từ đó, quay trở lại câu hát: “Từ độ người đi thương nhớ âm thầm”, để thấy rằng “người đi” trong câu hát cũng không định chỉ riêng ai, đó là một cuộc chia xa do chiến tranh, chia cắt. Bài hát lấy cái tình riêng mà gửi gắm tình chung, lấy cái chi tiết để nói về bối cảnh, lấy một hình bóng cụ thể để hình tượng hóa một hồn cốt Thăng Long. Và sẽ là không ngạc nhiên khi nhạc sĩ Đức Trí “thức” lại bài hát trong làng âm nhạc, thì một chuỗi kỷ lục được lập nên, đó là album có bài hát được bán 3 vạn bản trong một tuần, làm nên tên tuổi những Hồng Nhung, Thu Phương. Năm 1998, “Có phải em mùa thu Hà Nội” được trao giải Nhất của Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, bài hát được chọn hát trong nhiều chương trình lớn của đất nước, trong đó có chương trình Lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội.

“Em” là ai trong bóng dáng mùa thu? Đâu cần phải đi tìm! Cả nhà thơ Tô Như Châu và nhạc sĩ Trần Quang Lộc chỉ mới được chiêm ngưỡng Hà Nội qua những giấc mơ. Yêu Hà Nội đến mức làm nên những tác phẩm để đời như vậy, thì tình yêu ấy khó mà đo đếm.

Nguyễn Dương Mộc Hương