Đi theo Ngọn cờ Tháng Tám
Xã hội - Ngày đăng : 06:42, 02/09/2022
Từ đây, đất nước, xã hội, dân tộc và con người Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, thời đại mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội và thời đại Hồ Chí Minh - thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Cách mạng cũng đã ghi dấu một sự kiện thiêng liêng và đặc biệt quan trọng: Sự ra đời của lá cờ đỏ sao vàng - Hồng kỳ Tháng Tám - Quốc kỳ thiêng liêng của quốc gia, linh hồn của dân tộc. Ngọn cờ ấy đã và đang được toàn Đảng, toàn dân giương cao rực rỡ và kiêu hãnh trên con đường vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội, vì ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Từ lá hồng kỳ trong kháng chiến...
Kể từ sau sự kiện thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam 3/2/1930, trong các phong trào đấu tranh cách mạng, đã xuất hiện lá cờ đỏ có ngôi sao vàng năm cánh. Tuy nhiên, cờ đỏ sao vàng chưa xuất hiện độc lập mà lồng trong hình cờ búa liềm của Đảng. Phải đến cuối năm 1940, khi phong trào kháng chiến chống thực dân Pháp và phát xít Nhật diễn ra mạnh mẽ tại các tỉnh miền Nam, tại cuộc họp mở rộng bàn kế hoạch khởi nghĩa diễn ra từ ngày 21 đến 23/9/1940, việc cần có một lá cờ để khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh chỉ huy và động viên quần chúng mới được đặt ra.
Cuộc họp đã quyết định chọn ngày 23/11/1940 là ngày phát động khởi nghĩa, đồng thời, truyền đạt huấn thị của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng - đó là, lấy cờ đỏ sao vàng làm biểu tượng hiệu triệu nhân dân.
Ngày 23/11/1940, lá cờ đỏ sao vàng được Ban lãnh đạo khởi nghĩa chuẩn y đã ngạo nghễ tung bay tại đình Long Hưng, trong sự kiện Nam Kỳ khởi nghĩa. Ngọn hồng kỳ đã làm náo nức lòng dân, là biểu tượng gửi gắm ước mơ chiến thắng của đông đảo người dân Việt Nam. Với sức thuyết phục mạnh mẽ ấy, cờ đỏ sao vàng được chọn là hiệu kỳ của Mặt trận Việt Minh giai đoạn 1940 - 1945. Hiệu kỳ lần đầu được Chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng tại buổi mở lớp “Con đường giải phóng” huấn luyện cán bộ chuẩn bị thành lập mặt trận đại đoàn kết dân tộc vào cuối năm1940, và được chính thức treo lần đầu tiên vào ngày 19/5/1941, tại hang Pắc Bó, trong Lễ khai mạc Hội nghị thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh Hội. Ngày 22/12/1944, lá cờ đỏ sao vàng được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp trong Lễ thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.
Tháng 8/1945, Quốc dân Đại hội Tân Trào đã quyết nghị lấy cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ của nước Việt Nam độc lập. Ngày 2/9/1945, cờ đỏ sao vàng chính thức xuất hiện trong lễ Tuyên bố Độc lập tại Quảng trường Ba Đình. Ngày 5/9/1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh quyết định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng. Quốc hội khóa I (ngày 2/3/1946) cũng đã thông qua quy định cụ thể về Quốc kỳ. Trước khoảng 300 đại biểu có mặt và gần 25 triệu đồng bào trên cả nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động khẳng định: "Lá cờ đỏ sao vàng đã thấm máu đồng bào ta trong Nam Kỳ khởi nghĩa 1940. Chính lá cờ này đã cùng phái đoàn Chính phủ đi từ châu Á sang châu Âu, từ châu Âu về châu Á; cờ đã có mặt trên khắp đất nước Việt Nam. Vậy thì trừ 25 triệu đồng bào, còn không ai có quyền thay đổi…".
Tiếp đó, ngày 9/11/1946, Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1946 được thông qua, trong đó, xác nhận lá cờ đỏ sao vàng. Sau năm 1954, Hiến pháp Việt Nam Dân chủ Cộng hòa 1959 cũng xác nhận lại cờ đỏ sao vàng là cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau khi Việt Nam thống nhất, năm 1976, cờ đỏ sao vàng được sử dụng làm Quốc kỳ của chính thể Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tận ngày nay.
…đến ngọn cờ Cách mạng hôm nay
Có thể khẳng định, bàn về Cách mạng Tháng Tám 1945, không thể không nhắc đến sự kiện ra đời lá cờ đỏ sao vàng. Cờ ra đời trong phong trào cách mạng, kết tinh từ tinh hoa văn hóa Việt Nam, được bồi đắp trong dòng chảy lịch sử vĩ đại của dân tộc; thắp lên mạnh mẽ bằng ngọn lửa yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết, ý chí quật cường và đức hy sinh vì độc lập tự do của nhân dân Việt Nam. Ngọn cờ Tháng Tám ấy đã và sẽ trường tồn mãi mãi.
Giương cao ngọn cờ giải phóng dân tộc từ Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân đoàn kết một lòng, phát huy sức mạnh tổng hợp, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, tiếp tục giành được những thắng lợi vĩ đại. Đó là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu; là thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, làm tròn nghĩa vụ quốc tế cao cả. Kể từ đây, đất nước về một mối, non sông liền một dải, toàn Đảng, toàn dân chung sức đồng lòng, hàn lại vết thương chiến tranh, bảo vệ thành quả kháng chiến vĩ đại của dân tộc, thực hiện công cuộc Đổi mới, hướng tới mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, vì một Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, công bằng, văn minh…
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc Đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đạt được những thành quả to lớn có ý nghĩa lịch sử trên các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại… Từ một quốc gia kém phát triển, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng. Bộ mặt đất nước và đời sống của nhân dân có nhiều thay đổi tích cực, tiến bộ. Dân chủ xã hội chủ nghĩa được phát huy và ngày càng mở rộng. Đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố và tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được đẩy mạnh. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu; tiềm lực của đất nước, vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam không ngừng nâng cao...
Những thành tựu to lớn mà chúng ta đạt được đã khẳng định rằng, bất chấp mọi sự xuyên tạc, phủ nhận bằng nhiều thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động cả ở trong và ngoài nước, ngọn cờ Tháng Tám vẫn trường tồn và ngày càng được tô thắm; thành quả của Cách mạng Tháng Tám vẫn được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bảo vệ vững chắc, và những giá trị bất diệt, những bài học kinh nghiệm quý báu của cuộc cách mạng vẫn đồng hành, soi sáng, được vận dụng, phát huy mạnh mẽ, sáng tạo trong tiến trình đổi mới, phát triển đất nước hôm nay.
Và trong mỗi trái tim của người Việt Nam, ngọn cờ Tháng Tám - lá cờ Tổ quốc vẫn mãi mãi là hồn nước thiêng liêng. Ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng cho các tầng lớp sĩ - nông - công - thương - binh mãi mãi là niềm tự hào về một sức mạnh đoàn kết Việt Nam. Màu cờ đỏ mãi mãi là màu máu con tim, nhắc nhớ các thế hệ không được quên bao máu xương của ông cha đã đổ xuống để giành độc lập cho đất nước. Nhìn cờ thấy Tổ quốc, nhìn cờ thấy nhân dân, nhìn cờ thấy lịch sử Việt Nam, thấy cuồn cuộn sóng Tháng Tám, thấy rực rỡ Điện Biên, thấy kiêu hãnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, thấy quá khứ, hiện tại và tương lai hiển hiện trong Quốc kỳ thiêng liêng của dân tộc Việt Nam.
Ngọn cờ Tháng Tám - ngọn cờ tắm trong ánh sáng của cách mạng, trong xúc cảm tự do tươi mới, trong ắp đầy tình yêu Tổ quốc, kiêu hãnh tung bay trong gió độc lập, hòa quyện trong Quốc ca, tự hào mỗi khi ngân lên hai tiếng Việt Nam. Sự thần diệu ấy, chỉ cách mạng mới có thể làm nên!