Giấc mơ “ tỷ đô” trên đỉnh Ngọc Linh
Xã hội - Ngày đăng : 20:57, 31/08/2022
Về miền “Quốc bảo”
Nằm ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, huyện miền núi Nam Trà My - tỉnh Quảng Nam trải dài trên dãy Ngọc Linh quanh năm mây phủ trắng lưng trời. Nhiều năm trở về trước, Nam Trà My chỉ được nhắc nhớ là một trong những huyện nghèo nhất nước. Nhưng đó là câu chuyện của những năm tháng xưa cũ, nhắc đến Nam Trà My bây giờ, người ta chỉ nghĩ đến nơi có sâm Ngọc Linh - loài biệt dược được ví von là “quốc bảo”. Đồng bào Xơ Đăng trồng sâm lâu năm ở đỉnh Ngọc Linh cũng không ngờ có một ngày, mình lại có thể giàu nhờ giống cây do mẹ rừng ban tặng, được bao thế hệ gìn giữ.
Ông Nguyễn Cao Bằng, trú tại thôn Tăk Lang, xã Trà Linh kể: Ngày trước, khi mà chưa ai biết đến giá trị của sâm, mỗi ký lá chỉ có giá khoảng 30.000 đồng, thậm chí có lúc không bán được, sâm bị úng, bà con bản địa còn đem cho heo ăn. Vậy mà ngoảnh lại, sâm Ngọc Linh tăng chóng mặt, đống lá ngày nào chỉ biết nấu nước uống nay đã hơn 10 triệu đồng mỗi ký lá tươi. “Sâm củ thì đúng là một tấc lên trời, có thời điểm lên đến 15 - 200 triệu/kg. Vậy là tiền thi nhau đổ về, người dân ở đây đổi đời từ đó. Xe mô tô thì nhà nào cũng có, có gia đình còn xây được căn nhà giá cả tỷ đồng, sắm sửa máy vi tính, dụng cụ cho con đi học”. - ông Bằng phấn khởi cho biết.
Hiện tại, sâm từ 5 tuổi trở lên, mỗi kg khoảng 10 đến 15 củ, có giá 90 triệu đồng. Những củ sâm 10 đến 20 năm tuổi, giá cao gấp rưỡi, gấp đôi, còn 30 năm tuổi thì quả thực khó có thể định giá. Với những củ nhặt xô, cũng phải cả hơn trăm triệu/kg, còn những củ có hình thù đẹp, quái dị, ngoài giá trị dược liệu, còn có giá trị thẩm mỹ, thì vô giá. Tại phiên chợ sâm hồi đầu năm nay, một cây sâm Ngọc Linh khoảng 20 năm tuổi, ra 8 nhánh và nặng 0,9 kg, được người dân bán với giá 870 triệu đồng.
Nhận thấy giá trị cao từ cây sâm, giờ đây, khắp các thôn, bản quanh đỉnh núi Ngọc Linh, người dân đều ý thức bảo vệ loài sâm quý này. Đặc điểm cây sâm Ngọc Linh là sống dưới tán rừng, nơi có độ che phủ trên 80% và nhiệt độ dao động ở mức 20oC trở xuống. Vì lẽ đó mà muốn trồng sâm thì phải giữ rừng, phục hồi rừng. Ở đây người dân đều lập chốt giữ rừng để bảo vệ sâm. Rừng già trên dãy Ngọc Linh không những được bảo tồn nguyên vẹn, mà được người dân trông nom chu đáo. Cứ như thế, dưới tán rừng Ngọc Linh quanh năm sương trắng, cây sâm được nhân rộng từng ngày.
Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, hiện nay, tại huyện Nam Trà My, diện tích quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh trên 15.000ha; đã thực hiện bảo tồn được 100ha, tương đương với 2 triệu cây sâm Ngọc Linh và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.500ha với hơn 1.250 hộ tham gia; giá cả cây sâm Ngọc Linh không ngừng tăng lên; các nhà khoa học, các doanh nghiệp đã tập trung vào việc đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng sâm, sản xuất sản phẩm từ sâm. Đồng bào trồng sâm trên địa bàn huyện đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng, vì cây sâm chỉ sống dưới tán rừng nguyên sinh.
Giấc mơ ngành công nghiệp “tỷ đô”
Những năm gần đây, nhất là từ khi Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm núi Ngọc Linh, công tác bảo tồn và phát triển loài sâm quý này càng được chú trọng. Nam Trà My đang phấn đấu đến năm 2025 trồng thêm 2.000ha sâm, những năm tiếp theo sẽ trồng hết diện tích quy hoạch, đưa cây sâm Ngọc Linh không chỉ là cây “xóa nghèo” mà còn trở thành hàng hóa mũi nhọn trong nền kinh tế của tỉnh Quảng Nam.
Điều thuận lợi là thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển cây dược liệu. Cùng với chính sách của tỉnh, huyện Nam Trà My cũng ban hành các cơ chế phù hợp, khuyến khích nhân dân, doanh nghiệp cùng chung tay bảo tồn, phát triển loại sâm quý hiếm.
Tại Hội thảo "Nâng tầm sâm Ngọc Linh thành thương hiệu quốc gia", Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Quảng Nam cần phát triển thương hiệu quốc gia sâm Ngọc Linh, xây dựng ngành công nghiệp “tỷ đô” ngang tầm với các nước trên thế giới.
“Ngoài những giá trị về sức khỏe, sâm Ngọc Linh còn ẩn giấu tiềm năng kinh tế to lớn, đồng thời là cơ hội để khẳng định niềm tự hào dân tộc như Hàn Quốc đã tự hào về nhân sâm của họ. Chúng ta hoàn toàn có cơ sở để phát triển một ngành công nghiệp trồng và chế biến sâm Ngọc Linh thực thụ của Việt Nam với 1 tỷ đô la giá trị sản xuất và xuất khẩu trong thời gian tới” - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Sâm Ngọc Linh không chỉ là “quốc bảo” mà còn phải là “quốc kế dân sinh”. Vấn đề bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh, ưu tiên chất lượng cần được quan tâm hơn, cần học hỏi cách làm của Hàn Quốc, đại chúng hóa sản phẩm, đưa phân khúc từ thấp tới cao, hướng ra toàn cầu. Ngoài ra, cần bảo vệ nguồn gen thuần chủng không lai tạp, nhầm lẫn với các loại sâm khác, làm tốt chỉ dẫn địa lý; làm rõ vấn đề: sâm Ngọc Linh ở núi Ngọc Linh di thực sang các vùng khác có được không? điều kiện nào làm được sâm Ngọc Linh? Bởi bảo hộ hiệu quả giá trị thương hiệu và phát triển thương hiệu sâm Ngọc Linh là bảo hộ thương hiệu quốc gia, không đơn thuần là nhãn hiệu thuần túy của một doanh nghiệp.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, đối với sâm thì yếu tố đất và rừng là không thể thay thế. Vì vậy, người dân, doanh nghiệp và chính quyền cần hợp đồng chặt chẽ để giữ rừng. Người dân địa phương phải được hưởng lợi, chứ không phải sâm Ngọc Linh chỉ rơi vào túi các nhà doanh nghiệp mà cũng phải quan tâm đến đời sống người dân.
Từ sâm, diện mạo đời sống của đồng bào Xơ Đăng nơi đỉnh Ngọc Linh đã rẽ sang một trang mới. Không ít người đổi đời, phất lên thành tỷ phú. Mai đây, chắc chắn đỉnh trời Ngọc Linh sẽ có thêm nhiều tỷ phú khi huyện miền núi này đang đặt những bước chân vững chắc trước ngưỡng cửa của một “thủ phủ” sâm cùng mục tiêu đưa “quốc bảo” của quốc gia dân tộc ngang tầm quốc tế. Giấc mơ ngành công nghiệp “tỷ đô”, giờ đang bắt đầu hiển hiện…