Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải đóng tiền hỗ trợ thu gom, xử lý chất thải
Sức khỏe - Ngày đăng : 16:37, 31/08/2022
Đóng tiền thu gom, xử lý chất thải
Y học đã có nhiều bằng chứng cho thấy, thuốc lá có ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe, việc sử dụng thuốc lá cũng gây ảnh hưởng đến kinh tế gia đình, xã hội và môi trường sống.
Các đầu mẩu thuốc lá và vỏ bao sau khi sử dụng sinh ra một khối lượng rác thải lớn. Không chỉ gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường, rác thải từ thuốc lá còn gây hại cho các sinh vật trên cạn, dưới sông, hồ, biển…
Chính vì vậy, Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật đã quy định, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải có trách nhiệm đến cuối vòng đời của sản phẩm, hay nói cách khác là phải thực hiện xử lý chất thải.
Thực hiện trách nhiệm này, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu phải đóng góp tài chính vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải từ năm 2022.
Điều đó có nghĩa, từ năm 2022, các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá phải thực hiện trách nhiệm xử lý chất thải bằng cách đóng tiền vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ các hoạt động thu gom, xử lý chất thải.
Cũng theo Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, sản phẩm thuốc lá có mức đóng góp là 60 đồng/1 bao (20 điếu).
Phạt đến 1 tỷ đồng đối với doanh nghiệp vi phạm
Để đảm bảo tính hiệu quả và răn đe trong quá trình thực hiện trách nhiệm này, Nghị định số 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực môi trường đã đưa ra mức hình phạt nghiêm khắc đối với các nhà sản xuất, nhập khẩu có hành vi vi phạm trong quá trình thực hiện trách xử lý chất thải.
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu thuốc lá không công khai hoặc công khai không đầy đủ thông tin về sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo quy định sẽ bị phạt từ 50 đến 100 triệu đồng.
Đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu kê khai không đầy đủ, không đúng nội dung, chỉ tiêu, số liệu bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải nhưng không làm giảm số tiền phải nộp sẽ bị phạt từ 150 đến 250 triệu đồng. Nếu thông tin không đúng làm giảm từ 70% trở lên so với số tiền phải nộp thì bị phạt từ 750 đến 1 tỷ đồng.
Trong khi đó, hành vi nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải quá thời hạn quy định có thể bị xử phạt đến 900 triệu đồng. Còn hành vi không nộp tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải hoặc chậm nộp tiền hỗ trợ xử lý chất thải quá thời hạn 91 ngày trở lên hoặc không nộp đủ số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải quá thời hạn 91 ngày trở lên sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.
Ngoài những mức phạt trên, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu bị buộc công khai thông tin về sản phẩm, bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo quy định; buộc gửi bản kê khai số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải theo quy định; buộc nộp số tiền đóng góp hỗ trợ xử lý chất thải còn thiếu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam theo quy định.