Phân loại rác tại nguồn: Giấc mơ không xa vời

Xã hội - Ngày đăng : 11:18, 31/08/2022

(TN&MT) - Phân loại rác tại nguồn - một việc làm đơn giản nhưng đem lại lợi ích lớn. Dù đã được nhắc tới khá lâu, nhưng thực tế, đây vẫn là một vấn đề “ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng làm”.

“Thành phố của chúng ta đang gặp vấn đề gì vậy?”

Đó có lẽ là câu hỏi của rất nhiều người. Những con đường vốn phải được giữ sạch sẽ, nhưng lại ngổn ngang rác thải chưa được thu gom, xử lý. Những bãi tập kết rác tự phát xuất hiện ngày càng nhiều với đủ loại thành phần, nào là rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng, thậm chí cả rác thải nguy hại… Liệu có phải các bãi xử lý rác lại quá tải? Hay các công nhân vệ sinh môi trường đang nghỉ ngơi, đang bỏ quên công việc của mình?...

Nhưng không, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn đang miệt mài dọn dẹp, vẫn đang “đánh vật” với những chiếc xe đẩy chất đầy rác cao quá đầu. Thực ra, vấn đề không phải do họ, mà vấn đề chính là số chất thải khổng lồ mà chúng ta đang thải ra môi trường.

anh-.1-min.jpg

Các chương trình “đổi rác lấy quà” nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân.

Câu chuyện “cũ người mới ta”

Không phân loại tại nguồn là một trong những nguyên nhân khiến cho việc quản lý chất thải trở nên khó khăn. Mặc dù chính quyền đã có sự đầu tư vào hệ thống thùng rác công cộng đủ tiêu chuẩn để thực hiện việc phân loại rác, nhưng số lượng rác thải thu gom được từ các thùng này rất “khiêm tốn”. Việc phân loại rác tại nguồn chưa thực sự được quan tâm đúng mức, quan niệm phân loại rác là do đơn vị quản lý rác thải thực hiện khiến cho việc phân loại cuối nguồn càng trở nên bất cập, nan giải. Tại thời điểm các nước trên thế giới đã bắt đầu siết chặt việc quản lý rác thải, thì tại Việt Nam, có lẽ chỉ dám “nằm mơ” khi nhắc đến vấn đề này.

Phân loại chất thải đã trở thành “văn hóa” ăn sâu vào nếp sống của người dân tại một số nước. Điển hình trong số đó là Na Uy với 97% chai nhựa được tái chế. Việc bố trí các máy thu gom tự động và áp dụng phương pháp “đặt cọc tiền” đã khuyến khích người dân thu gom, đem đổi các sản phẩm nhựa để nhận lại tiền hoặc tích điểm cho lần mua sắm tiếp theo… Đức với 70% tổng lượng rác thải được tái chế, thành công nhờ mô hình Green Dot và thực hiện tuyên truyền, giáo dục tốt. Các công ty tại Đức sẽ phải trả một khoản phí khi sử dụng thêm bao bì, đồng thời, chịu trách nhiệm thu hồi sản phẩm thải bỏ của chính công ty đó; ngoài ra, người dân sẽ phân loại rác vào những thùng có màu sắc khác nhau theo quy định... Nhật Bản - nổi tiếng với văn hóa “gói quà” - sử dụng bao bì quá mức cần thiết, nhưng chỉ có khoảng 1% rác thải bị thải ra môi trường nhờ thực hiện việc tái sử dụng tối đa và phân loại nghiêm ngặt trước khi đem thiêu hủy bằng công nghệ hiện đại…

Trong khi đó, chúng ta nằm trong số 20 quốc gia có lượng rác thải lớn nhất và cao hơn mức trung bình của thế giới. Phân loại chất thải vẫn chỉ dừng lại ở việc thí điểm, mang tính phong trào, nhỏ lẻ; nhiều người khi được hỏi về cách phân loại rác vẫn còn tỏ ra lúng túng. Tính riêng tại Hà Nội, khối lượng rác phát sinh hằng ngày lên đến 6.500 tấn, trong đó, chất thải nhựa chiếm 17,14% nhưng chỉ có 2% được tái chế, còn lại bị thải ra môi trường, 80% khối lượng chất thải có thể tái chế bị chôn lấp cùng rác sinh hoạt. Thật đáng suy ngẫm! Những con số đó liệu có đủ làm “lung lay” suy nghĩ của chúng ta, để cùng bắt tay vào công cuộc hiện thực hóa giấc mơ phân loại rác này?

Giấc mơ không còn xa…

Thời gian gần đây, số lượng cá nhân, hộ gia đình thực hiện phân loại rác thải tại nhà đã tăng lên đáng kể. Những hội, nhóm online gồm những người “đam mê” môi trường được tạo ra để cùng chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi kiến thức nhằm đưa ra những cách thức xử lý, phân loại rác hiệu quả… ngày càng thu hút nhiều người tham gia. Những chương trình như Đổi rác lấy quà, Ngày hội tái chế… tạo thói quen phân loại rác, được tổ chức thường xuyên hơn và nhận được nhiều sự quan tâm, hưởng ứng của người dân. “Đội quân phân loại rác” - các cô chú ve chai - những người “chuyên nghiệp” trong công việc phân loại chất thải vẫn ngày đêm làm việc miệt mài...

anh-2-min.jpg

Một điểm thu gom rác tái chế trong chương trình tuyên truyền về phân loại chất thải tại nguồn.

Các nhà sản xuất cũng đã quan tâm hơn tới vòng đời của sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn đã triển khai việc thu hồi sản phẩm thải bỏ do mình sản xuất bằng những chương trình khuyến khích người dân thu gom, đổi bao bì như giảm giá sản phẩm hay tặng những phần quà ý nghĩa…

Việc ban hành Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 45/2022/NĐ-CP có các quy định về việc xử phạt các cá nhân, tổ chức không phân loại chất thải tại nguồn và các Thông tư, Nghị định khác của Quốc hội, Chính phủ và Nhà nước đã thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt trong việc quản lý rác thải, bảo vệ môi trường…

Với sự chung tay của cả cộng đồng, cùng sự hỗ trợ từ các tổ chức trong nước và quốc tế, chúng ta có quyền tin vào một tương lai mà phân loại rác không còn là giấc mơ; những con đường thay vì xuất hiện những bãi rác ngổn ngang, sẽ xuất hiện những thùng rác đã được phân loại; và những công nhân môi trường của chúng ta sẽ thực sự được nghỉ ngơi.

Hoàng Hiền