Sơn La: Yêu cầu cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ lắp camera giám sát khu vực xử lý chất thải

Môi trường - Ngày đăng : 16:06, 30/08/2022

(TN&MT) - Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh Sơn La tại Công văn 3295/UBND-KT, về việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh niên vụ 2022-2023.

Theo đó, để chủ động phòng ngừa, kiểm soát, tăng cường công tác bảo vệ môi trường với hoạt động chế biến nông sản, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, các đơn vị cấp nước tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về bảo vệ môi trường, nguồn nước với hoạt động chế biến nông sản.

a1.jpeg

Niên vụ 2021-2022, công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh Sơn La có nhiều chuyển biến tích cực.

Duy trì các Tổ công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các cơ sở có xả nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất sơ chế, chế biến nông sản chưa xử lý đạt quy chuẩn ra môi trường. Yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ lắp đặt camera giám sát khu vực xử lý chất thải; truyền hình ảnh về cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường để theo dõi, giám sát.

Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất của các cơ sở chế biến nông sản có phát sinh nước thải nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt với Nhà máy cấp nước số 1, 2 thành phố Sơn La và Nhà máy cấp nước Mai Sơn. Các cơ sở chỉ được phép hoạt động khi thực hiện đầy đủ điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường, nguồn nước, có hệ thống thu gom, xử lý chất thải đạt quy chuẩn. Có phương án, lộ trình di chuyển các cơ sở chế biến nông sản nằm trong hành lang bảo vệ nguồn nước vào các Cụm công nghiệp (CCN).

Về các nhiệm vụ cụ thể, UBND tỉnh giao Sở TN&MT đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc tương đương) thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước trong hoạt động sản xuất. Tổ chức ký cam kết với các cơ sở chế biến cà phê, tinh bột sắn, mía đường quy mô tập trung về thực hiện các quy định bảo vệ môi trường, tài nguyên nước niên vụ 2022-2023.

Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác thực hiện giám sát việc chấp hành quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước với các cơ sở chế biến nông sản thuộc đối tượng lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường, thời gian giám sát từ khi bắt đầu niên vụ đến hết tháng 5/2023. Trên cơ sở báo cáo của UBND cấp huyện và kết quả giám sát của Tổ công tác, định kỳ tổng hợp báo cáo kết quả với UBND tỉnh trước ngày 30 hàng tháng (từ tháng 9/2022 đến hết tháng 5/2023).

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, rà soát, tổng hợp đánh giá số liệu về diện tích, sản lượng, tình hình chế biến nông sản. Báo cáo kết quả với UBND tỉnh, đồng thời gửi Sở TN&MT trước ngày 10/8 hàng năm. Chủ trì triển khai thực hiện hiệu quả Đề án phát triển vùng nguyên liệu cà phê gắn với chế biến, bảo vệ môi trường…

Sở Công thương chủ trì, thực hiện thẩm định, trình UBND tỉnh điều chỉnh bổ sung quy hoạch CCN, thành lập và lựa chọn Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN Hoàng Văn Thụ thành phố Sơn La và CCN Tông Cọ huyện Thuận Châu.

Ban Quản lý các KCN tỉnh phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong bồi thường, giải phóng mặt bằng KCN Mai Sơn. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đi vào vận hành chính thức Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung KCN Mai Sơn, để tăng cường kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư sản xuất chế biến sâu cà phê và chế biến phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê... gắn với xử lý chất thải, bảo vệ môi trường.

a2.jpeg

Sơn La giao các địa phương tiếp tục siết chặt kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường, nguồn nước với các cơ sở chế biến quy mô nhỏ lẻ.

UBND các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, tuyên truyền các cơ sở chế biến nông sản hộ gia đình, hộ kinh doanh quy mô nhỏ thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước. Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tăng cường quản lý, đôn đốc, giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, UBND huyện Mai Sơn, Thuận Châu, thành phố Sơn La, rà soát tất các cơ sở chế biến nông sản trong hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt; kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động sản xuất của các cơ sở.

Rà soát, lập danh sách số lượng các cơ sở, hộ kinh doanh dự kiến tiến hành chế biến nông sản niên vụ 2022- 2023; tổ chức kiểm tra hiện trạng, đánh giá các điều kiện phục vụ hoạt động sản xuất, chỉ được phép hoạt động khi có đầy đủ các hồ sơ pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và phải có các công trình thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải, công trình bảo vệ môi trường đảm bảo xử lý đạt chuẩn.

Yêu cầu các cơ sở phải đăng ký quy mô, công suất hoạt động chế biến trong niên vụ 2022-2023 với UBND cấp xã, quá trình hoạt động phải thực hiện đúng quy mô, công suất, vận hành hệ thống xử lý chất thải đảm bảo quy định.

Tổ chức ký cam kết về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước giữa Chủ tịch UBND cấp huyện với Chủ tịch UBND cấp xã và các cơ sở chế biến nông sản; trường hợp để xảy ra ô nhiễm, Chủ cơ sở và Chủ tịch UBND cấp xã phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Chủ tịch UBND cấp huyện.

Thành lập Đoàn kiểm tra giám sát hoặc tiếp tục duy trì hoạt động các Đoàn kiểm tra để giám sát hoạt động sản xuất và bảo vệ môi trường, tài nguyên nước của các cơ sở chế biến nông sản quy mô nhỏ thuộc thẩm quyền quản lý. Thời gian kiểm tra, giám sát từ khi bắt đầu niên vụ đến hết tháng 5/2023.

Theo lãnh đạo Sở TN&MT Sơn La, niên vụ nông sản 2021-2022, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Sở ngành có liên quan, UBND các huyện thành phố kiên quyết kiểm tra, giám sát chặt chẽ và yêu cầu các cơ sở chế biến nông sản thực hiện nghiêm quy định về bảo vệ môi trường, nguồn nước. Đã đổi mới phương thức giám sát qua hình thức trực tuyến, liên tục - camera giám sát truyền trực tiếp qua App điện thoại về các thiết bị di động thông minh để cập nhật, không phân biệt không gian và thời gian giám sát, sẵn sàng kiểm tra, lấy mẫu đối chứng để kịp thời phát hiện các dấu hiệu vi phạm, từ đó góp phần thực hiện tốt công tác môi trường trên địa bàn.

Quá trình giám sát toàn niên vụ, cho thấy: Các cơ sở chế biến nông sản quy mô tập trung đã có ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong kiểm tra giám sát. Đã thu gom xử lý chất thải phát sinh trong hoạt động sản xuất theo đúng quy trình, lắp đặt hệ thống đồng hồ kiểm soát lưu lượng, hệ thống camera giám sát tại khu vực xử lý chất thải, cài đặt phần mềm xem camera giám sát tại các cơ quan quản lý nhà nước. Với 2 cơ sở chế biến tinh bột sắn và 1 cơ sở mía đường, đã hoàn thành lắp đặt hệ thống quan trắc chất thải tự động, liên tục truyền dữ liệu về Sở TN&MT.

Các cơ sở chế biến nông sản nhỏ lẻ, UBND cấp huyện đã quyết liệt tổ chức kiểm tra giám sát, giao trách nhiệm cho Chủ tịch UBND cấp xã thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để phát sinh các cơ sở tự phát quy mô nhỏ, không có công trình xử lý chất thải, hoạt động gây ô nhiễm. Ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường đã được nâng cao, các cơ sở cơ bản đã đầu tư xây dựng các hồ chứa chất thải và bể biogas để lưu giữ, xử lý chất thải phát sinh…

Nguyễn Nga