65 năm VICEM làm theo lời Bác: Kiên trì mục tiêu phát triển xanh
Môi trường - Ngày đăng : 11:46, 30/08/2022
Hướng tới xây dựng ngành xi măng hiện đại
Lịch sử ngành xi măng Việt Nam mãi khắc ghi ngày Bác Hồ về thăm Nhà máy Xi măng Hải Phòng (30/5/1957). Nói chuyện với cán bộ, công nhân lao động Nhà máy, Người căn dặn: “Nhà máy Xi măng Hải Phòng trước đây là của thực dân. Bây giờ là của các cô, các chú. Người công nhân trước đây là người làm thuê cho tư bản, bây giờ là người làm chủ đất nước, phải xứng đáng với vai trò của mình… Phải tăng gia sản xuất; phải thực hành tiết kiệm; phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động; phải ra sức học tập, trau dồi văn hóa, chính trị và kỹ thuật; phải luôn luôn đoàn kết, thật thà phê bình và tự phê bình”.
Thời điểm ấy, đất nước vừa bắt tay vào xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước trên chiến trường miền Nam. Thực tiễn đặt ra cho Nhà máy một nhiệm vụ rất quan trọng, đó là, đáp ứng một khối lượng lớn xi măng để xây dựng các nhà máy, các cơ sở hạ tầng, lô cốt chiến hào,… Hòa bình lập lại, với mục tiêu xây dựng đất nước đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, công cuộc tái thiết đất nước cần nhiều hơn nữa xi măng để xây dựng hệ thống hạ tầng quốc gia, các nhà máy, đường sá, cầu cống, thủy điện. Vì vậy, Bác đã dặn dò cán bộ công nhân ngành xi măng “Hãy sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc”.
Thực hiện lời căn dặn của Bác, trong suốt chặng đường cách mạng, ngành Xi măng Việt Nam đã nỗ lực vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước nói chung và ngành xây dựng nói riêng. Trước thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX, ở miền Bắc, chỉ có duy nhất Nhà máy Xi măng Hải Phòng được xây dựng, vận hành sản xuất. Sau thập niên 70 - 80, các nhà máy xi măng như Bỉm Sơn, Hà Tiên, Hoàng Thạch được xây dựng đã tạo bước chuyển mạnh mẽ. Từ việc thiếu xi măng trầm trọng trước năm 1993, đến nay, Việt Nam trở thành nước đứng đầu khối ASEAN về sản lượng xi măng và đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và tiêu thụ xi măng với tổng công suất thiết kế khoảng 100 triệu tấn/năm. Từ nước nhập khẩu xi măng, Việt Nam đã tự sản xuất đủ xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu.
Riêng với VICEM, hiện đang quản lý, vận hành 16 dây chuyền sản xuất clinker, với năng lực sản xuất khoảng 22 triệu tấn clinker/năm và 28 dây chuyền sản xuất xi măng, năng lực sản xuất khoảng 32 triệu tấn/năm, chiếm 34% - 35% thị phần xi măng cả nước; Là nhà sản xuất xi măng lớn nhất Việt Nam, sở hữu nhiều thương hiệu uy tín, lâu đời, được người tiêu dùng cả nước tin dùng như: Hải Phòng, Hoàng Thạch, Bỉm Sơn, Bút Sơn, Hà Tiên, Hoàng Mai...
Đẩy mạnh Đổi mới - Sáng tạo
Học tập và làm theo tấm gương, lời dạy của Bác, cán bộ, đảng viên, người lao động VICEM ngày nay đã và đang lấy đồng tâm hiệp lực làm tiền đề, lấy đổi mới - sáng tạo làm nền tảng căn bản trong mọi hoạt động. Điển hình như Chương trình nâng cấp cải tạo khu vực làm nguội clinker tại xi măng Bỉm Sơn 2 (năm 2019), VICEM Hạ Long (năm 2020), xi măng Bình Phước (năm 2021)… mỗi năm làm lợi cho VICEM khoảng hơn 40 tỷ đồng; Chương trình nghiên cứu, cải tạo chiều sâu các dây chuyền được thực hiện tại Dây chuyền 1 xi măng Bút Sơn năm 2019, đã nâng năng suất từ 4.000 tấn clinker/ngày lên 4.400 tấn clinker/ngày, tiêu hao nhiệt < 800 kcal/kg clk…
Từ thành công đó, VICEM tiếp tục triển khai, nhân rộng các dây chuyền sản xuất xi măng khác như: Dây chuyền 3 xi măng Hoàng Thạch, nâng năng suất từ 3.300 tấn clinker/ngày lên 3.800 tấn
clinker/ngày, tiêu hao nhiệt < 800 kcal/kg clk; Dây chuyền xi măng Hải Phòng, nâng năng suất từ 3.300 tấn clinker/ngày lên 4.000 tấn clinker/ngày, tiêu hao nhiệt < 800 kcal/kg clk.
Đặc biệt, tại dây chuyền xi măng Hoàng Mai, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, không có chuyên gia nước ngoài hỗ trợ, nhưng với ý chí quyết tâm của lãnh đạo VICEM cùng sự đồng lòng của đội ngũ cán bộ kỹ thuật, các giải pháp về công nghệ, phương án thiết kế do lực lượng kỹ thuật VICEM thực hiện đã nội địa hóa 100% thiết bị; quá trình lắp đặt, thử nghiệm, vận hành đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, an toàn tuyệt đối và rút ngắn 2,66 ngày so với kế hoạch, góp phần tiết giảm chi phí, cho kết quả năng suất lò tăng từ 4.000 tấn clinker/ngày lên 4.500 tấn clinker/ngày, tiêu hao nhiệt < 800 kcal/kg clk.
Thách thức lớn nhất hiện nay của VICEM là khó khăn trong cấp phép các mỏ đá, sét, cùng với đó là nguồn tài nguyên khoáng sản này ngày càng khan hiếm, cạn kiệt… Biến thách thức thành hành động cụ thể, năm 2019, VICEM đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ chủ quản và được chấp thuận triển khai các chương trình thử nghiệm “Đồng xử lý chất thải làm nguyên nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker, xi măng”. Việc sử dụng chất thải qua các năm tại VICEM ngày càng tăng, nếu năm 2019 xử lý hơn 26 nghìn tấn thì năm 2020 là hơn 120 nghìn tấn và năm 2021 đã nâng lên 200 nghìn tấn.
Điều đáng ghi nhận đó là VICEM rất chú trọng đầu tư nghiên cứu tìm kiếm các nguồn phụ gia thay thế từ chất thải công nghiệp luyện kim, hóa chất, điện, như: xỉ lò cao của ngành luyện gang thép, xỉ than và tro bay của các nhà máy nhiệt điện, thạch cao nhân tạo của các nhà máy hóa chất… Các năm gần đây, toàn VICEM đã sử dụng trung bình hằng năm hơn 100 nghìn tấn thạch cao nhân tạo, trên 2,5 triệu tấn với tro, xỉ làm nguyên liệu, phụ gia trong sản xuất, mang lại hiệu quả.
Từ đổi mới - sáng tạo trong xử lý nút thắt công nghệ đến tái sử dụng chất thải của xã hội làm nguyên, nhiên liệu thay thế đã góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế tuần hoàn… từng bước hiện thực hóa những cam kết của Thủ tướng Chính phủ tại COP26.
“Sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc”
Khắc ghi và làm theo lời căn dặn của Bác: “Hãy sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc”, từ nay đến năm 2025, VICEM tiếp tục mở rộng tăng quy mô công suất sản xuất clinker, xi măng, đẩy mạnh sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đẩy mạnh sử dụng phế thải các ngành công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng, sinh hoạt, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo… trong sản xuất clinker xi măng phù hợp với định hướng và các mục tiêu trong Chiến lược phát triển Vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 theo Quyết định số 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, tỷ lệ sử dụng clinker trong sản xuất xi măng trung bình toàn VICEM tối đa ở mức 65%; phụ gia cho xi măng sử dụng tối thiểu 35%; Sử dụng công nghệ tiên tiến với mức tự động hóa cao, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất để đạt các chỉ tiêu kỹ thuật như sau: Tiêu hao nhiệt năng < 730 kcal/kg clinker; tiêu hao điện năng < 90 kWh/tấn xi măng; tiêu hao điện năng < 65 kWh/tấn clinker; 100% các dây chuyền sản xuất xi măng có công suất từ 2.500 tấn clinker/ngày trở lên hoàn thành lắp đặt và vận hành hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải và sử dụng tối thiểu 20%; đến năm 2030, sử dụng tối thiểu 30% tro bay nhiệt điện hoặc chất thải công nghiệp khác làm nguyên, nhiên liệu thay thế trong sản xuất clinker và làm phụ gia trong sản xuất xi măng tại những dây chuyền có lợi thế. Đồng thời, mở rộng quy mô công suất các dây chuyền, đổi mới công nghệ, cải tạo chiều sâu nâng công suất sản xuất clinker trên 23 triệu tấn/năm, xi măng trên 35 triệu tấn/năm, giữ vững thị phần là nhà sản xuất xi măng lớn nhất nước.
Học tập và làm theo lời căn dặn của Bác kính yêu, với khí thế Tháng Tám - mùa thu lịch sử của non sông, toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động VICEM phát huy tinh thần “là những người làm chủ đất nước”, nguyện lấy đồng tâm hiệp lực làm nền tảng, lấy đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ làm phương tiện, quyết tâm đổi mới vì một VICEM phát triển xanh bền vững.