Quảng Nam: Nạo vét trạm bơm Cù Bàn, cả làng nơm nớp nỗi lo?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 12:56, 29/08/2022
Theo một số người dân sống dọc bờ kè cho biết, trước đây khi có thông tin về chủ trương nạo vét tuyến kênh dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn, hầu hết người dân nơi đây đều vui mừng. Vì dự án rất thiết thực, giúp ổn định được nguồn nước tưới tiêu cho hàng chục héc ta ruộng lúa của chính người dân. Thế nhưng, khi nhìn thấy hàng chục phương tiện thủy vận chuyển cát có sức chứa lên tới 70 – 80 m3, cùng với nhiều sà lan, phao có gắn máy hút hì hục bơm hút tại khu vực sông Thu Bồn ngay điểm đầu dự án thì người dân không thể không nghi vấn đến chuyện lợi dụng khai thác khoáng sản lòng sông?.
“Mới ngày đầu triển khai, chúng tôi đã nhận thấy sự việc không đúng với chủ trương nạo vét được đưa ra tại cuộc họp dân. Nhìn quy mô máy móc, thiết bị và phương tiện thủy tại công trường, thấy giống công trường khai thác mỏ cát hơn là nạo vét kênh dẫn. Thực ra, ai nhìn vào cũng thấy rõ được điều này. Vì lẽ đó, mới khiến người dân chúng tôi bức xúc, cùng nhau ra công trường yêu cầu đơn vị thực hiện là Công ty TNHH Xây dựng An Long phải dừng ngay việc khai thác cát”, một người dân khác tiếp lời.
Theo hồ sơ dự án được chủ đầu tư cung cấp tại buổi làm việc với Báo TN&MT, trạm bơm Cù Bàn, xã Duy Châu có nhiệm vụ cấp nước tưới cho hơn 45 ha đất lúa. Trong những năm qua, khu vực kênh dẫn vào bể hút trạm bơm bị bồi lấp với khối lượng lớn, làm ảnh hưởng đến nguồn nước cấp cho trạm bơm. Hàng năm, UBND xã Duy Châu đều phải tổ chức nạo vét kênh mới đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất, chi phí nạo vét rất lớn.
Sau khi được UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất cho phép làm chủ đầu tư tại công văn số 5580/UBND-TKN ngày 24/8/2021. UBND huyện Duy Xuyên đã mời đơn vị tư vấn lập và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công tại Quyết định số 1706/QĐ-UBND ngày 28/3/2022.
Theo phương án nạo vét được phê duyệt tại Quyết định số 383/QĐ-UBND ngày 12/01/2022 của UBND huyện Duy Xuyên, tổng diện tích nạo vét: 2,93 ha; chiều dài nạo vét 377,94 m (chiều dài nạo vét kênh dẫn 340 m, bề rộng 60 m); cao trình nạo vét từ độ cao 0.91 m đến cao độ -1,0 m; chiều sâu luồng nạo vét từ 1,28 m - 3,1m; tổng khối lượng vật liệu nạo vét: 66.189 m3.
Thiết bị thi công nạo vét cho phép sử dụng là tàu hút có công suất < 150 m3, phao, bè có gắn hệ thống bơm hút, máy bơm nước, kết hợp với máy đào nạo vét các khu vực bồi lấp và ô tô vận chuyển đi bằng phương tiện đường bộ đến bãi tập kết.
Qua đó cho thấy, những gì người dân địa phương bức xúc là có cơ sở khi cho rằng đơn vị thi công đã sử dụng phương tiện, máy móc có công suất vượt xa công suất nạo vét cho phép. Đồng thời, phương án vận chuyển cát cũng không đúng với biện pháp thi công được duyệt.
Ông Hồ Khoa, trú tổ 5, thôn Bàn Nam, huyện Duy Xuyên cho biết, người dân không hề chống đối, hoàn toàn ủng hộ dự án nếu đơn vị thực hiện đúng chủ trương, tuân thủ phương án được duyệt. Bà con thật sự rất lo sợ, vì mùa mưa lũ cũng đã cận kề, làng lại nằm đúng họng của 2 ngọn nước đổ về, đó là dòng nước sông Vu Gia và dòng nước sông Thu Bồn. Nay, kênh dẫn mở rộng với quy mô 60 m và ngầm hiểu, để phương tiện khai thác hạng nặng này lưu thông được trong quá trình nạo vét, thì chiều sâu dòng chảy phải đủ sâu, như vậy không khác gì tạo một con sông đâm thẳng vào làng chúng tôi, tiếp sức dẫn dòng cho 2 ngọn nước trong những mùa lũ tới, nguy cơ sụt chân kè, gây sạt lở về sau là khó tránh khỏi.
“Trạm bơm ở đây có 2 máy, hoạt động chỉ 1 máy là đủ, chủ yếu phục vụ tưới cho ruộng lúa của riêng thôn Bàn Nam, ruộng màu đã được người dân đóng giếng để tưới. Hàng năm, đến mùa khô hạn, trạm bơm có bị thiếu nước nhưng cũng rất ít, mỗi lần thiếu nước tầm 2 giờ đồng hồ rồi có lại. Điều khiến người dân chúng tối khó hiểu, diện tích tưới tiêu không tăng, công suất trạm bơm cũng như kênh mương thủy lợi nội đồng vẫn giữ nguyên không nâng cấp. Vậy cơ sở tính toán nào để đưa ra phương án nạo vét mở rộng kênh dẫn nước vào trạm bơm lên gấp 10 lần (từ hiện trạng kênh 6m lên 60 m)?” - ông Hồ Cước – người dân địa phương thắc mắc.
Nguyện vọng của người dân địa phương là vẫn mong muốn dự án nạo vét được thực hiện nhưng cần phù hợp với thực tế, kênh dẫn mở rộng từ 10 - 15 m và sâu từ 1,5 đến 2 m là đạt. Nên sử dụng phương tiện nạo vét bằng xe cơ giới, vận chuyển cát bằng đường bộ vừa an toàn lại thuận lợi cho công tác giám sát nhân dân. Cũng theo kinh nghiệm người dân, sắp tới mùa mưa bão, triển khai nạo vét vào thời điểm này thì không phù hợp, vì có nạo vét xong thì lũ về cũng sẽ bị bồi lấp lại nguyên trạng, nên triển khai nạo vét vào giữa quý II là tốt nhất.
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Nguyễn Dũng, Chủ tịch UBND xã Duy Châu cho biết, dự án nạo vét tuyến kênh dẫn nước vào trạm bơm Cù Bàn được triển khai đúng chủ trương và được thực hiện đúng trình tự các bước, để lấy ý kiến triển khai dự án, UBND xã cũng có tổ chức 2 cuộc họp với người dân có ruộng lúa và người dân sống dọc bờ sông. Khi được hỏi lý do tại sao ngày triển khai dự án người dân ra cắm cọc, giăng dây phản đối, ông Dũng giải thích là có chuyện đó nhưng mang tính cá nhân xã sẽ tiếp tục mời làm việc để vận động.
Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết, dự án được đơn vị tư vấn lập, được phê duyệt và đơn vị thi công đang triển khai đúng phương án được duyệt. Khi phóng viên hỏi tại sao phương án phê duyệt vận chuyển cát bằng đường bộ mà đơn vị thi công lại vận chuyển bằng đường thủy thì ông Đức lý giải là chuyển qua vận chuyển cát bằng đường thủy cho phù hợp. Vậy việc dùng tàu hút dưới nước và vận chuyển cát bằng đường thủy thì giám sát trữ lượng cát bằng cách nào? Ông Đức nói họ đổ đá xuống nước còn kiểm đếm được khối lượng chứ nói gì việc này, với lại việc theo dõi đã có đơn vị giám sát lo.
Như vậy, việc triển khai dự án nạo vét kênh thuỷ lợi nhưng lại tập kết hàng chục ghe tàu hút và không đúng với phương án vận chuyển cát đang khiến dư luận có sự hoài nghi về việc có hay không việc lợi dụng nạo vét để tận thu cát?.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc!