Cần nỗ lực bền bỉ để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá

Xã hội - Ngày đăng : 12:53, 29/08/2022

(TN&MT) - Báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược quốc gia giai đoạn 2013-2020 về phòng, chống tác hại của thuốc lá đã nêu bật những kết quả đã đạt được trong công tác phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) tại Việt Nam sau gần 10 năm thực hiện Quyết định số 229/QĐ-TTg ngày 25/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Chiến lược quốc gia phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020”.
dsc_3466(1).jpg
Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá, Bộ Y tế cùng sinh viên, giảng viên Đại học TN&MT Hà Nội hưởng ứng nói không với thuốc lá

Những kết quả nổi bật

PCTHTL được coi là một trong các nhiệm vụ quan trọng và đã được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật của Đảng và Nhà nước, đặc biệt tăng thuế để giảm tiêu dùng thuốc lá được coi là một trong các biện pháp hiệu quả đã được chứng minh; tỷ lệ sử dụng sản phẩm thuốc lá đã giảm, đặc biệt là trong độ tuổi thanh thiếu niên.

Kết quả điều tra năm 2020 cho thấy tỷ lệ hút thuốc lá ở thanh thiếu niên (15-24 tuổi) đã giảm xuống còn 13%; nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá và tiếp xúc thụ động với khói thuốc ngày càng cao. Đồng thời, tỷ lệ người dân được tư vấn cai nghiện thuốc lá tăng. Cụ thể, trong 5 năm (từ 2015-2020), tỷ lệ người hút thuốc được tư vấn bỏ thuốc khi đến cơ sở y tế tăng từ 40,5% năm 2015 lên 72,2% năm 2020...

Bên cạnh đó, theo kết quả điều tra tình hình sử dụng thuốc lá năm 2020 tại các tỉnh, thành phố do Trường Đại học Y tế Công cộng thực hiện năm 2020 cho thấy so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm 45,3% xuống 42,3%, tỷ lệ hút thuốc lá thụ động tại một số địa điểm cũng giảm so với năm 2015 như nơi làm việc, giảm từ 42,6% xuống 30,9%; tại nhà, giảm từ 59,9% xuống 56%, tại nhà hàng giảm từ 80,7% xuống 78,1%; tại quán bar/ cà phê/ trà giảm từ 89,1% xuống 86,2%.

Ngoài ra, nhận thức về tác hại của thuốc lá năm 2020 phần lớn cao hơn năm 2015, lần lượt 96,2% người tin rằng hút thuốc lá gây ung thư phổi; 81,1% tin rằng hút thuốc lá gây đột quy, 77,8% tin rằng hút thuốc lá gây đau tim và 72,2% tin rằng hút thuốc là gây ra cả 3 bệnh trên. 65,2% người dân đã từng nghe tới Luật phòng, chống tác hại thuốc lá.

Cần nhiều chính sách mạnh mẽ để PCTHTL

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, những khó khăn và hạn chế vẫn còn tồn tại. Tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta tuy đã giảm nhưng vẫn còn rất cao; các sản phẩm thuốc lá mới xuất hiện (thuốc lá điện tử, thuốc lá không đốt nóng, thuốc lá hút Shisha). Tỷ lệ hút thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng. Theo nghiên cứu về Sức khỏe thanh thiếu niên ở nhóm tuổi 13 - 17 tuổi của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỉ lệ hút thuốc lá điện tử chiếm 2,6% năm 2020. Đặc biệt, xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử tập trung cao ở nhóm tuổi 15 - 24 tuổi với tỉ lệ là 7,3% so với các nhóm tuổi 25 - 44 tuổi (3,2%), 45 - 64 tuổi (1,4%).

Thuế thuốc lá của Việt Nam còn rất thấp. Việt Nam là nước có mức thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá thấp gần nhất trong khu vực ASEAN (chỉ cao hơn Cam-pu-chia, Lào và Myanmar) và rất thấp so với các nước phát triển. Theo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, hiện nay, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá của Việt Nam là 75% giá xuất xưởng. Nếu tính trên giá bán lẻ mức thuế này chỉ chiếm 36,1%.

Thuế thuốc lá thấp làm giá thuốc lá rẻ. Theo tính toán của WHO, giá trung bình của một bao thuốc lá 20 điếu có xu hướng giảm (12.101 đồng Việt Nam/bao năm 2015 và 11.848 đồng Việt Nam/bao năm 2020 sau khi đã hiệu chỉnh lạm phát). Giá thuốc là rẻ làm tăng khả năng tiếp cận và mua thuốc lá của thanh thiếu niên và người nghèo, giảm hiệu quả của công tác PCTH của thuốc lá.

Cùng với đó, thông điệp về tác hại của Quỹ PCTHTL đối với sức khỏe con người in trên bao bì thuốc lá đã thực hiện 5 năm nhưng chưa có thay đổi về hình ảnh và nội dung. Các bằng chứng trên thế giới cho thấy tác động của diện tích hình ảnh cảnh báo lớn trên bao bì các sản phẩm thuốc lá lên nhận thức và hành vi sử dụng thuốc lá. Các hình ảnh này cùng với các thông điệp có thể làm tăng mong muốn bỏ thuốc và giảm tỉ lệ bắt đầu hút thuốc. Diện tích cảnh báo bằng hình ảnh trên vỏ bao thuốc hiện nay chỉ là 50%, còn nhỏ so với các nước khác trong khu vực như Lào, Brune và Myanmar là 75%. Một số quốc gia khác trong khu vực như Thái Lan và Singapore đã bắt đầu thực hiện bao trơn cho sản phẩm thuốc lá.

Khả năng tiếp cận với các sản phẩm thuốc lá còn rất dễ dàng, thuốc lá được bày bán khắp nơi. Hiện nay, chúng ta chưa có quy định về việc cấp phép để quản lý các điểm bán thuốc lá lẻ. Việc giảm số lượng các điểm bán lẻ thuốc lá thông qua việc quản lý, cấp phép cho các điểm bán đáp ứng đủ điều kiện theo quy định sẽ là biện pháp hữu hiệu để giảm tiếp cận của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thuốc lá.

Kinh nghiệm của các nước cho thấy, vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nên PCTH của thuốc lá là một chương trình lâu dài và cần có những chính sách mạnh mẽ về tăng thuế, xây dựng môi trường không khói thuốc, truyền thông hiệu quả, cùng với sự can thiệp phù hợp đối với những sản phẩm thuốc lá mới và cấm hoàn toàn các chiêu thức quảng cáo, khuyến mại của ngành công nghiệp thuốc lá... với nỗ lực thường xuyên và bền bỉ mới có thể giảm được tỷ lệ sử dụng thuốc lá và giảm tỷ lệ bệnh tật do sử dụng sản phẩm này.

Lan Chi