Sơn La: Giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc trong cấp GCNQSDĐ

Đất đai - Ngày đăng : 21:03, 27/08/2022

(TN&MT) - Tỉnh ủy Sơn La vừa tổ chức Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 31/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết dứt điểm các tồn tại vướng mắc trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
a2(1).jpg

Quang cảnh Hội nghị.

Thực hiện Chỉ thị số 09-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chủ động rà soát, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện; xác định trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị có liên quan, đề ra các giải pháp để hoàn thành công tác cấp GCN lần đầu trong năm 2022.

Theo kết quả tổng hợp, hiện nay, các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố đã xây dựng kế hoạch rà soát, lập dự toán đo đạc, lập hồ sơ cấp GCN với các tổ chức, đơn vị, trụ sở cơ quan chưa được cấp GCN. Với trụ sở UBND xã, trạm y tế xã, nhà văn hóa xã và các nhà văn hóa tổ, bản, tiểu khu, UBND các huyện, thành phố đã có chủ trương đo đạc, cấp GCN đồng loạt cho các đơn vị trong năm 2022.

Kết quả, tổng số các trường hợp tổ chức, cộng đồng dân cư còn tồn đọng chưa được cấp GCN lần đầu là 2.549 trường hợp. Đã hoàn thiện hồ sơ 424 trường hợp, đạt 16,6%. Đã đo đạc xong, đang hoàn thiện hồ sơ 679 trường hợp, đạt 42,13%. Chưa lập hồ sơ, đang tiến hành đo đạc 1.446 trường hợp, chiếm 56,72%.

Với hộ gia đình, cá nhân, tổng số trường hợp tồn đọng chưa được cấp GCN lần đầu với đất ở là 10.368 hộ, gồm 8.834 hộ chưa đăng ký lập hồ sơ; 1.534 hộ đủ điều kiện nhưng chưa được cấp GCN. Tổng số trường hợp tồn đọng chưa được cấp GCN lần đầu đối với đất sản xuất nông nghiệp là 4.482 hộ, gồm 3.579 hộ chưa đăng ký lập hồ sơ; 903 hộ đủ điều kiện nhưng chưa được cấp GCN.

Tổng số các trường hợp còn tồn đọng GCN chưa ký, đã ký nhưng chưa trao cho người dân là 9.421 hộ; đã tiến hành khắc phục được 5.171 hộ, đạt 54,89%; còn lại đang tiến hành khắc phục 4.250 hộ, chiếm 45,11%.

a1(1).jpg

Lãnh đạo các huyện, thành phố báo cáo nhanh khó khăn, vướng mắc trên địa bàn liên quan đến công tác cấp GCN.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác cấp GCNQSDĐ còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Việc tuyên truyền chính sách đất đai, đặc biệt là chính sách ưu đãi, hỗ trợ về miễn, giảm, ghi nợ tiền sử dụng đất tại một số địa bàn chưa thường xuyên, liên tục; một số hộ gia đình, cá nhân đã thực hiện xét duyệt hồ sơ, sau khi ban hành thông báo thực hiện nghĩa vụ tài chính nhưng không có khả năng thực hiện nên không có nhu cầu nhận GCN, dẫn đến thuộc trường hợp nợ nghĩa vụ tài chính tại cơ quan thuế.

Còn nhiều hồ sơ đã lập nhưng chưa đủ điều kiện do vướng mắc về quy hoạch, hành lang an toàn giao thông, lưới điện; đất nằm trên khu vực có nguy cơ sạt lở; vướng mắc về đất nông, lâm trường, đất an ninh, quốc phòng; đất đang có tranh chấp; đất 5% do UBND xã quản lý; nguồn gốc sử dụng đất không rõ ràng…

Việc hoàn thành hồ sơ cấp GCN lần đầu với đất xây dựng trụ sở cơ quan, đơn vị, đất xây dựng công trình sự nghiệp, đất nhà văn hóa bản, tiểu khu của cộng đồng dân cư đạt tỷ lệ rất thấp, các trường hợp đã hoàn thành việc lập hồ sơ để thẩm định mới chỉ đạt 16,6%. Các đơn vị chưa chủ động bố trí nguồn kinh phí để tiến hành đo đạc khu đất, hoàn thiện hồ sơ đề nghị giao đất, cấp GCN, nên vẫn còn hơn 56% chưa được đo đạc để lập hồ sơ.

Đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương, diện tích đất giao cho UBND các huyện quản lý, sử dụng có khối lượng rất lớn nhưng không liền khoảnh mà nằm rải rác; việc xác định vị trí, ranh giới đất rất khó khăn do nằm xen kẽ với đất công ty tiếp tục sử dụng, trong khu dân cư đã có nhà ở, đất thuộc quyền sử dụng của người dân được UBND tỉnh cấp GCNQSDĐ trong giai đoạn 1992-1994, nhưng hiện nay hồ sơ lưu trữ tại cấp huyện không có.

Hợp đồng giao khoán thuê thầu đất với các hộ dân chưa được thanh lý; nhiều hộ gia đình chia tách thửa đất cho con, cháu, chuyển nhượng đất nông nghiệp cho người khác sử dụng… gây khó khăn, vướng mắc trong xác định nguồn gốc sử dụng đất, lập phương án sử dụng đất để tiến hành cấp GCN…

a3.jpg

Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông phát biểu kết luận Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Hữu Đông yêu cầu: Ban cán sự đảng UBND tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật về đất đai; chỉ đạo các sở, ngành hướng dẫn về chuyên môn, kiểm tra, đôn đốc UBND các huyện, thành phố tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện; bố trí nguồn kinh phí để hoàn thành công tác đo đạc, lập hồ sơ cấp GCN với các tổ chức, cộng đồng dân cư; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất; các vụ tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đôn đốc các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính khi được cấp GCNQSDĐ.

Giao Đảng ủy Quân sự tỉnh chỉ đạo quản lý, sử dụng đất quốc phòng được giao chặt chẽ, hiệu quả; rà soát, giải quyết những tồn tại trong việc cho thuê, sử dụng đất quốc phòng; chỉ đạo Bộ CHQS tỉnh phối hợp với các huyện ủy, thành ủy và các cơ quan chức năng giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong việc giao đất quốc phòng cho các hộ gia đình và cá nhân.

Ban Thường vụ huyện ủy, thành ủy tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng đất đai, phòng ngừa sai phạm; khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh việc lập và hoàn thiện phương án sử dụng đất; triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch sử dụng đất hàng năm; công khai Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021- 2030 để nhân dân biết và thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất...

Nguyễn Nga