Nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm toán trong phát hiện và xử lý tham nhũng
Kinh tế - Ngày đăng : 18:10, 26/08/2022
Tội phạm tham nhũng được phát hiện trong hầu hết các lĩnh vực
Theo các chuyên gia kinh tế, những năm qua, đặc biệt là từ khi thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Kiểm toán nhà nước đã xây dựng kế hoạch kiểm toán, tập trung vào những vấn đề được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, xã hội quan tâm, nhất là các lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí.
Thông tin về kết quả kiến nghị, xử lý tài chính của Kiểm toán nhà nước những năm qua, ông Vũ Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Kiểm toán Nhà nước) cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng, tăng 3,5 lần so với giai đoạn 2011-2015. Kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị được kiểm toán, các đơn vị có liên quan phối hợp triển khai theo dõi và thực hiện kịp thời. Trong đó, kiến nghị về xử lý tài chính của Kiểm toán Nhà nước đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6%.
Cũng trong giai đoạn 2016-2021, từ kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định; 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
Đặc biệt, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.
Báo cáo về thực trạng phòng, chống tham nhũng do các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra, kiểm sát thực hiện, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho biết, trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 6/2021, các cơ quan tố tụng đã khởi tố mới 1.356 vụ án/3.471 bị can về tội tham nhũng, chức vụ; Viện Kiểm sát đã truy tố 1.268 vụ án/3.410 bị can; Tòa án đã xét xử 1.195 vụ án/3.231 bị cáo. Tội phạm tham nhũng được phát hiện trong hầu hết các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát đã tập trung phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng gây hậu quả thất thoát, thiệt hại đặc biệt lớn với số tiền thiệt hại lên đến hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng như các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, đất đai, đầu tư dự án, y tế, giáo dục…
Theo Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước phạm tội bị phát hiện thông qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, sau đó bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Trong đó, có thể kể đến như vụ án như vụ án Đinh La Thăng và đồng phạm cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tham ô tài sản xảy ra tại Công ty xây lắp dầu khí và Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 119 tỷ đồng; các bị can Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND, Văn Hữu Chiến, nguyên Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cùng Phan Văn Anh Vũ và các đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi trái pháp luật trong việc bán nhà công sản, giao đất dự án, tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ thâu tóm đất đai, công sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, thu lợi bất chính, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước với số tiền trên 19.000 tỷ đồng;...
Nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm toán
Phòng, chống tham nhũng là vấn đề lớn luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo thực hiện. Qua các giai đoạn phát triển, Đảng ta đều có đánh giá, chỉ đạo về công tác phòng, chống tham nhũng tại các Nghị quyết, Văn kiện Đại hội. Đặc biệt trong Văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ quyết liệt về phòng, chống tham nhũng: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, lãng phí với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn”.
Nhằm nâng cao chất lượng công tác phòng, chống tham nhũng, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho rằng, các cơ quan chuyên trách đấu tranh phòng, chống tham nhũng và các cơ quan có thẩm quyền trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần chủ động trong công tác phối hợp quản lý, nắm tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán trong phát hiện và xử lý vi phạm, tội phạm tham nhũng; bảo đảm việc phát hiện, kiến nghị xử lý phải kịp thời, nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Với cơ quan Kiểm toán Nhà nước, cùng với sự hoàn thiện của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật củng cố cho hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, hiệu lực và hiệu quả thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng gia tăng đáng kể cả về số lượng và chất lượng kiến nghị được xử lý. Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, việc phát hiện các vụ việc có hành vi tham nhũng, lãng phí cấu thành tội phạm để chuyển cơ quan điều tra, cơ quan có thẩm quyền xử lý còn ít. Sự phối hợp giữa Kiểm toán nhà nước với các cơ quan nhà nước, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc xử lý các vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán trong thời gian qua vẫn chưa được thực hiện thường xuyên.
Để nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong phòng, chống tham nhũng của Kiểm toán nhà nước, ông Đoàn Xuân Tiên, Nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, vấn đề quan trọng nhất là cơ sở pháp lý cho vị trí, vai trò và tổ chức hoạt động của Kiểm toán nhà nước. Tiếp đó, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan liên quan phải giải quyết được vấn đề chồng chéo, trùng lặp, phân công chưa thật rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, công việc được giao, cũng như mối quan hệ phối hợp để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong phòng, chống tham nhũng.
Ông Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh, Kiểm toán Nhà nước phải đảm bảo tính độc lập tương xứng với vị trí, vai trò là một cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập chỉ tuân theo pháp luật. Một mặt, Kiểm toán Nhà nước phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đảm bảo sự phân định, phân công rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, đồng thời, nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm soát, phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực công. Mặt khác, tăng cường đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ và đổi mới phương thức kiểm toán.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Theo dõi công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Nội chính Trung ương), cho rằng, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan nhà nước, trong đó, có Ban Nội chính Trung ương phải nâng cao hơn nữa hiệu quả phối hợp để tham mưu xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật về phòng chống tham nhũng, góp phần bịt kín những khoảng trống, kẽ hở, không để lọt tội phạm và không tạo cơ hội tham nhũng. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước tăng cường phối hợp tham mưu, nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng; phối hợp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là với các vụ việc có dấu hiệu tội phạm do Kiểm toán Nhà nước chuyển cho cơ quan điều tra.