Bài dự thi: “Cùng giữ màu xanh của biển”: Những người tử tế với đại dương

Biển đảo - Ngày đăng : 09:15, 25/08/2022

(TN&MT) - Tôi biết đến Nguyễn Chiến Thắng và nhóm sinh viên trẻ của Trường Đại học Duy Tân, Khoa Khoa học xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) cùng Dự án “Hãy yêu biển và tử tế với đại dương” thông qua những câu chuyện lan tỏa trên các trang Sống Xanh của các bạn trẻ.

Vì yêu mến và khâm phục, tôi muốn hình ảnh đẹp của các bạn cùng Dự án “Hãy yêu biển và tử tế với đại dương” lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, với mong muốn ngày càng có nhiều những bạn yêu biển và tử tế với đại dương như Thắng…

Trường Đại học Duy Tân đứng chân trên vùng đất mà bao người mơ ước - TP. Đà Nẵng. Có thể nói, Đà Nẵng là địa phương được thế giới gắn cho rất nhiều danh hiệu đẹp, được New York Times tôn vinh là 1 trong những điểm du lịch lý tưởng trên thế giới bởi thành phố nơi đây xanh, sạch, đẹp và con người thì vô cùng tử tế.

Nói đến Đà Nẵng, không thể nào không nhắc tới biển. Không phải ngẫu nhiên mà biển Đà Nẵng được Tạp chí Mỹ Forbes bình chọn là một trong những bãi biển quyến rũ nhất hành tinh. Ở vào vùng duyên hải trải dài trên 90km, hệ bãi biển Đà Nẵng kéo từ chân đèo Hải Vân đến Ngũ Hành Sơn, chạy miên man đến Cửa Đại - Hội An. Các bãi biển du lịch trên địa bàn Đà Nẵng được khách du lịch khắp nơi đánh giá cao về sự an toàn, văn minh và sạch đẹp, là điểm tham quan, thư giãn và tắm biển rất được yêu thích.

nhom-cua-thang-cung-cac-ban-tinh-nguyen-vien-du-an-hay-yeu-bien-va-tu-te-voi-dai-duong-..png

Nhóm của Thắng cùng các bạn tình nguyện viên Dự án “Hãy yêu biển và tử tế với đại dương”

Tuy nhiên, không phải bãi biển nào thuộc TP. Đà Nẵng cũng giữ được màu xanh. Một số bãi biển đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm với nhiều rác thải tràn ngập khắp nơi gây ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái biển, làm mất mỹ quan đô thị.

Là những sinh viên đã và đang sinh sống và học tập tại “thành phố đáng sống”, Thắng và các bạn trẻ cùng nhóm luôn ý thức về trách nhiệm của mình nhằm bồi đắp, giữ gìn và phát huy danh hiệu đẹp này, nhóm các bạn sinh viên trẻ của Khoa KHXH&NV Trường Đại học Duy Tân đã thực hiện Dự án “Hãy yêu biển và tử tế với đại dương” với mong muốn giúp cho biển Đà Nẵng ngày càng xanh - sạch - đẹp, góp phần thay đổi nhận thức của người dân cũng như du khách trong việc bảo vệ môi trường.

Chia sẻ về dự án đang thực hiện, Nhóm trưởng Nguyễn Chiến Thắng cho biết: “Lúc đầu, chúng em chọn địa điểm là bãi biển Phạm Văn Đồng để triển khai Dự án, nhưng qua khảo sát địa hình, em nhận thấy khu vực này đa số đã được dọn dẹp sạch sẽ, một phần do ý thức cao của người dân địa phương đã tác động tới khách du lịch, một phần do đơn vị đảm nhiệm vệ sinh môi trường ở đây rất tích cực dọn dẹp, thu gom và xử lý rác bài bản. Vì vậy, chúng em quyết định đổi sang địa điểm khác là bãi biển Nguyễn Tất Thành. Số lượng rác thải ở đây khá nhiều, thải ra từ con kênh Phú Lộc và các hộ dân sống xung quanh. Có rất nhiều loại rác thải khác nhau như túi nhựa, chai nhựa, đồ ăn thừa,... Tình trạng rác ùn ứ diễn ra trong một thời gian dài khiến bãi biển Nguyễn Tất Thành ngập chìm trong rác thải”.

“Ban đầu, chúng em chỉ dự định đi một nhóm nhỏ khoảng 4, 5 bạn, nhưng sau đó, Dự án đã thu hút khoảng 15 đến 20 bạn cùng tham gia thực hiện, thường xuyên dọn dẹp bãi biển với quãng đường dài 1.4km từ bờ biển đường Yên Khê 1 đến bờ biển đường Nguyễn Sinh Sắc.” - Thắng kể.

Sau một tuần bàn bạc, thống nhất và cùng lên kế hoạch chi tiết, nhóm sinh viên bắt tay vào thực hiện Dự án. Dự án được triển khai với 2 hoạt động chính: Tuyên truyền ý thức bảo vệ, giữ gìn hệ sinh thái biển và duy trì hoạt động dọn dẹp rác thải trên biển tại đây.

Để triển khai truyền thông hiệu quả, nhóm của Thắng đã lập Fanpage “Hội những người yêu biển Đà Nẵng” để đưa những thông điệp, hoạt động tuyên truyền bảo vệ môi trường biển Đà Nẵng. Nội dung đăng tải chủ yếu trên fanpage bao gồm: Hình ảnh khảo sát và tuyên truyền thông điệp bảo vệ môi trường; Những thông điệp tác động đến nhận thức bảo vệ môi trường biển; Hình ảnh, video về những hành động bảo vệ môi trường.

Ban đầu, họ nhờ bạn bè, thầy cô tương tác và chia sẻ các bài viết trên fanpage để có số lượng người xem nhất định. Sau đó, nhóm lập kế hoạch duy trì số lượng bài viết đều đặn hằng tuần với mục tiêu lan tỏa những hoạt động này tới nhiều người dân TP. Đà Nẵng hơn nữa, nhằm thu hút sự tham gia, nâng cao ý thức giữ gìn môi trường, chung tay dọn và phân loại rác. Các hình ảnh/ video đăng tải trên fanpage sẽ do thành viên nhóm chụp, chỉnh sửa và đăng tải. Video cũng ưu tiên truyền tải thực trạng chân thực, gần gũi và văn minh (Chủ yếu sẽ phỏng vấn người dân, khách du lịch trong nước và nước ngoài về trải nghiệm tại đây và suy nghĩ về thực trạng ô nhiễm biển).

hoat-dong-thu-gom-rac-thai.png

Hoạt động thu gom rác thải

Song song với hoạt động truyền thông, nhóm cũng lập bảng dự trù kinh phí chi tiết để việc thực hiện dự án đảm bảo công khai minh bạch. “Sau một thời gian hoạt động, chúng em nhận ra rằng, muốn kêu gọi sự chung tay của mọi người thì chỉ có cách, bản thân nhóm phải gương mẫu làm trước, kể cả trong lĩnh vực tài chính. Vì vậy, Quỹ dự án được tất cả thành viên trong nhóm gây dựng bằng việc kinh doanh nước giải khát “cây nhà lá vườn” như trà bí đao, trà sữa, trà đào và các nước ép trái cây khác. Hình thức bán online trên fanpage nhóm và chia sẻ về facebook cá nhân. Mấy hôm đầu ế quá trời, nhưng cứ bền bỉ đăng, vừa đăng hoạt động vừa đăng bán hàng gây quỹ, sau nhiều lần như vậy, fanpage được nhiều người biết đến và ủng hộ, chắc vì ngon nữa. Sau 1 tháng tự kinh doanh gây quỹ chăm chỉ, nhóm đã thu về được một số tiền đủ để chi trả cho các hoạt động: Mua bao thu gom rác, in băng rôn, mua bao tay,... để phục vụ hoạt động thu gom rác thải trên bờ biển”.

Sau khi việc gây quỹ đã được nhóm thống nhất, các bạn trẻ bắt tay vào hợp thức hóa Dự án bằng việc soạn Thư ngỏ và Giấy xin phép phường - nơi thực hiện dự án để được thông qua việc treo băng rôn và điều động người tham gia hoạt động tại khu vực. Kế hoạch về thời gian được nhóm thống nhất ngày 4/6 diễn ra hoạt động để hưởng ứng Ngày Bảo vệ môi trường thế giới (5/6).

“Vui nhất là khi thực hiện, có rất nhiều người dân hỗ trợ tụi em, từ việc treo băng rôn, dọn dẹp vệ sinh tới cho/ tặng nước uống. Ngoài ra, các lực lượng an ninh, quy tắc đô thị và các cán bộ trên phường cũng rất nhiệt tình và tạo điều kiện để chúng em triển khai hoạt động hiệu quả hơn” - Thắng chia sẻ - “Tuy nhiên, chúng em cũng gặp một số khó khăn. Một trong những khó khăn lớn nhất khi chúng em triển khai là việc thống nhất ý kiến giữa các thành viên và sắp xếp thời gian của các thành viên cùng tham gia thực hiện dự án”.

Kể từ những hoạt động bảo vệ môi trường đầu tiên, đến nay, các bạn trẻ đã trải qua rất nhiều buổi tổ chức nhặt rác, dọn dẹp bãi biển và tuyên truyền, thu hút người dân địa phương cùng du khách tham gia. Mong muốn lớn nhất của cả nhóm là sẽ lan tỏa được hoạt động này tới đông đảo các bạn sinh viên, tình nguyện viên tại các trường học trên địa bàn thành phố để quy mô hoạt động ngày càng lớn hơn, các bãi biển Đà Nẵng sẽ luôn sạch đẹp.

Chia tay các bạn trẻ, trong tôi cứ vấn vít niềm vui khôn tả. Nhất định tôi sẽ kể câu chuyện về các bạn cho thật nhiều người biết đến. Và nhất định, tôi sẽ quay lại Đà Nẵng, tìm gặp lại những người tôi yêu mến, cảm phục, sẽ chung tay nhặt rác, làm những điều tử tế để thể hiện tình yêu với biển.

Vũ Việt Chinh (Công an tỉnh Quảng Ninh)