Kon Tum: Nhiều khó khăn trong cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 14:25, 24/08/2022

(TN&MT) - Thực hiện Luật Đất đai năm 2013, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh công tác đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) trên địa bàn tỉnh. Tuy vậy, việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ còn gặp nhiều khó khăn nên khối lượng cấp Giấy chứng nhận lần đầu đạt thấp.
anh-1-.jpg
Cán bộ Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Kon Tum nhập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho người dân

Theo ông A Byot - Phó Giám đốc Sở TN&MT Kon Tum, thực hiện theo Quyết định số 300/QĐ-UBND ngày 26/3/2013 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt điều chỉnh Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tỉnh Kon Tum, Sở TN&MT đã tham mưu triển khai công tác lập hồ sơ địa chính của 10/10 huyện, thành phố.

Đến nay, đã hoàn thành và đưa vào vận hành cơ sở dữ liệu của 06/10 huyện, thành phố; 04/10 huyện đang triển khai và hoàn thiện. Công đoạn đo đạc lập bản đồ địa chính, các đơn vị tư vấn thi công đang phối hợp với tư vấn giám sát hoàn thiện đưa vào nghiệm thu sản phẩm để chuyển sang công đoạn đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính, xét cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.

Cũng theo ông A Byot, trong 6 tháng đầu năm 2022, ngành chức năng tỉnh Kon Tum đã cấp 663 Giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu/656 hồ sơ, với tổng diện tích 1.287,45 ha cho các tổ chức và cá nhân. Trong đó, 46 Giấy chứng nhận của tổ chức và 617 Giấy chứng nhận của cá nhân. Song, việc cấp Giấy chứng nhận QSDĐ tại Kon Tum vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Cụ thể, nhiều khu vực dự án người sử dụng đất là người đồng bào dân tộc thiểu số đã canh tác, sử dụng đất lâu đời, nhưng nằm chồng trong diện tích quy hoạch 3 loại rừng nên không đủ điều kiện cấp Giấy; bản đồ địa chính không còn nguyên trạng, đất đai biến động có sự sai lệch lớn, công tác kê khai đăng ký cấp đổi Giấy chứng nhận mất nhiều thời gian, tiến độ thực hiện chậm.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đất đai chưa được chú trọng nên người dân chưa nhận thức được quyền và lợi ích của người sử dụng đất khi đăng ký cấp Giấy chứng nhận; bản đồ địa chính chưa được đo đạc khép kín trên toàn tỉnh, một số nơi bản đồ đo đạc địa chính từ lâu đã có sự biến động lớn dẫn đến việc kiểm tra, quản lý gặp nhiều khó khăn.

“Sở TN&MT Kon Tum đã chủ trì tổ chức nhiều cuộc họp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh việc xây dựng hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu về đất đai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nhân dân hiểu và chấp hành đúng các quy định pháp luật về đất đai, quy hoạch; bố trí kinh phí đo đạc bản đồ địa chính khép kín trên toàn tỉnh, đẩy mạnh công tác cấp Giấy chứng nhận QSDĐ” - ông A Byot cho hay.

Quế Mai