Sắp thay đổi quy định về diện tích tối thiểu để tách thửa?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 14:22, 24/08/2022

(TN&MT) - Bạn đọc Hà Hải Vân (Hà Nội) hỏi: Tôi được biết thành phố Hà Nội đang dự định ban hành quy định mới liên quan đến diện tích tối thiểu để tách thửa. Khi đó, diện tích tối thiểu để tách thửa là 40m2. Xin hỏi, thông tin này có chính xác hay không? Nếu đúng thì bắt đầu từ khi nào thành phố sẽ áp dụng quy định này và thủ tục tách thửa tại Hà Nội sẽ như thế nào?

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Nhằm đảm bảo điều kiện sinh hoạt của người dân cũng như an toàn phòng chống cháy nổ, mỹ quan đô thị, các tỉnh sẽ ban hành quy định liên quan đến diện tích tối thiếu tách thửa cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Tại thành phố Hà Nội, các quy định liên quan đến diện tích tối thiểu, thủ tục tách thửa đã được quy định cụ thể.

Diện tích tách thửa

Theo Khoản 1 và Khoản 2 Điều 5 Quy định ban hành kèm theo Quyết định 20/2017/QĐ-UBND thì diện tích tối thiểu của thủ đô chỉ quy định chung như sau: Có chiều rộng mặt tiền và chiều sâu so với chỉ giới xây dựng(đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên thửa đât) từ 3m trở lên. Và diện tích tối thiểu tách thửa không nhỏ hơn 30m2 đối với các khu vực phường, thị trấn và không nhỏ hơn 50% hạn mới giao đất ở (mức tối thiểu) quy định tại Điều 3 Quyết định 20/2017/QĐ-UBND này đối với các xã còn lại.

Tuy nhiên, đúng như bạn đã biết, thành phố Hà Nội đang xây dựng Dự thảo quy định "Điều kiện tách thửa, hợp thửa và diện tích, kích thước tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn Thành phố Hà Nội" đã có sự thay đổi về điều kiện tách thửa đối với thửa đất ở, thửa đất ở và đất nông nghiệp trong cùng thửa đất.

tach-thua.jpg
Theo Dự thảo quy định mới, diện tích tách thửa tối thiểu tại nhiều quận ở Hà Nội là 40m2

Theo đó, Dự thảo đã có đề xuất diện tích tối thiểu khi tách thử có diện tích năm ngoài chỉ giới đường đỏ không nhỏ hơn 30m2 đối với khu vực các phường thuộc quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng); không nhỏ hơn 40m2 đối với khu vực các phường thuộc Thị xã Sơn Tây và 8 quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ; không nhỏ hơn hạn mức đất ở mới (mức tối thiểu) quy định tại Điều 3 Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND đối với các xã còn lại.

Như vậy, theo như Dự thảo, diện tích tối thiểu để tách thửa ở Thị xã Sơn Tây và 8 quận: Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Tây Hồ là 40m2.

Tuy nhiên, hiện nay, Quy định này đang trong giai đoạn lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ trì soạn thảo chỉnh sửa để hoàn thiện. Khi nào quyết định này được ban hành thì người dân mới biết chính xác ngày có hiệu lực áp dụng.

Thủ tục tách thửa

Vì chưa có quyết định mới nên thủ tục tách thửa tại thành phố Hà Nội vẫn thực hiện theo Quyết định 3542/QĐ-UBND năm 2017 như sau: Người dân nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Nếu hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì tổng thời gian 3 ngày, cơ quan tiếp nhận xử lý hồ sơ thông báo hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh theo quy định.

Sau đó, cơ quan sẽ tiếp nhận hồ sơ ghi đầy đủ thông tin vào sổ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả, trao phiếu nhận hồ sơ và kết quả cho người nộp hồ sơ.

Sau đó, Văn phòng Đăng ký đất đai sẽ tiến hành: Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đât, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sửa dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa; chỉnh lý và cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính cũng như trên cơ sở dữ liệu đất đai; trao trực tiếp Giấy chứng nhận quyền sử đụng dất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi tiếp qua UBND cấp xã với trường hợp nộp hồ sơ tại cơ quan cấp xã.

Thời gian giải quyết tách thửa, hợp thửa: Trong thời gian không quá 15 ngày làm việc, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội có trách nhiệm kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, đô đạc địa chính để chia tách thửa đất, thẩm định hồ sơ, xem sét điều kiện theo quy định trình Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục Cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đăng ký biến động, ký thông báo về việc cấp lại Giấy chứng nhận, đăng ký biến động và thực hiện nghĩa vụ tài chính (nếu có).

*Hồ sơ tách thửa gồm những giấy tờ sau: Đơn đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa theo Mẫu số 11/ĐK - Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính; Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; trường hợp thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà có thay đổi về thông tin pháp nhân, số chứng minh nhân dân, số thẻ căn cước công dân địa chỉ trên giấy chứng nhận đã cấp thì người sử dụng đất nộp thêm bản sao giấy tờ tùy thân: Chứng minh nhân dân; thẻ căn cước công dân của chủ sở hữu đất sau khi tách thửa; Sổ hộ khẩu của chủ sở hữu đất sau khi tách thửa; văn bản thỏa thuận việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của cá nhân hoặc hộ gia đình; bản chính trích đô địa chính do Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội hoặc do Đơn vị có tư cách pháp nhân về đo đạc được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định.

Nếu tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất, do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án: Người nhận chuyển quyền phải nộp giấy tờ do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định việc giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu gia đất, do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (bản sao chứng thực).

Nếu tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa thì tổ chức bị thu hồi đất phải nộp Quyết định thu hồi đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hồ sơ tài liệu liên quan đến việc đền bù, nhận đền bù khi Nhà nước thu hồi đất, hồ sơ kỹ thuật thửa đất khi thực hiện giải phóng mặt bằng (bản sao).

Báo TN&MT