Cập nhật thường xuyên hướng di chuyển, cường độ bão số 3 để chủ động ứng phó

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:14, 24/08/2022

(TN&MT) - Sáng 24/8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành liên quan về ứng phó động đất tại Kon Tum và công tác chuẩn bị ứng phó bão số 3. Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai chủ trì cuộc họp.

Báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, tối 23/8, bão Ma-on đã đi vào Biển Đông, trở thành cơn bão số 3 trong năm 2022. Hồi 7 giờ ngày 24/8, vị trí tâm bão số 3 ở khoảng 19,3 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Đông Bắc Biển Đông, cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 530km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11, giật cấp 14.

6.jpg
Quang cảnh cuộc họp

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km. Đến 7 giờ ngày 25/8, vị trí tâm bão ở khoảng 21,4 độ Vĩ Bắc; 113,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Tây Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), cách Hồng Kông (Trung Quốc) khoảng 180km về phía Tây Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới: phía Bắc vĩ tuyến 17,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 111,5 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.

Dự báo ngày và đêm 24/8, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi trên 50mm (mưa dông tập trung vào chiều và tối). Cảnh báo mưa dông khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có khả năng kéo dài đến ngày 26/8, từ ngày 27/8 mưa dông giảm dần. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng tại các khu vực trũng, thấp. Cấp độ rủi ro thiên tai do lốc, sét: Cấp 1.

Theo Báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 24/8, đơn vị đã hướng dẫn 52.076 tàu/228.460 người chủ động di chuyển phòng tránh bão, trong đó, hoạt động khu vực Bắc Biển Đông và quần đảo Hoàng Sa: 868 tàu/5.912 người; hoạt động tại khu vực khác: 12.567 tàu/59.102 người; neo đậu tại các bến: 38.641 tàu/163.446 người. Các tàu đã nắm được thông tin về diễn biến bão và đã di chuyển thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.

8.jpg
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia Mai Văn Khiêm báo cáo tại cuộc họp

Về tình hình thủy văn, các sông khu vực Bắc Bộ mực nước lúc 7h/24/8 trên sông Hồng tại trạm Hà Nội là 2,52m, trên sông Thái Bình tại trạm Phả Lại là 1,14m. Dự báo mực nước trên sông Hồng tại trạm Hà Nội, sông Thái Bình tại trạm Phả Lại biến đổi chậm. Đến 7h/25/8 mực nước tại trạm Hà Nội có khả năng ở mức 2,50m; đến 19h/24/8, mực nước tại trạm Phả Lại có khả năng ở mức 1,18m.

Tại khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên, mực nước các sông biến đổi chậm, mực nước hạ lưu các sông dao động theo thủy triều và điều tiết hồ chứa.

Các sông Nam Bộ, mực nước lúc 7h/24/8 trên sông Mê Kông tại Kratie (Campuchia) là 18,86m (thấp hơn 0,25m so với 7h/23/8). Mực nước cao nhất ngày 23/8/2022 trên sông Tiền tại Tân Châu 2,24m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 1,96m. Mực nước 7h/24/8 trên sông Tiền tại Tân Châu 2,32m; trên sông Hậu tại Châu Đốc 2,01m. Dự báo đến ngày 27/8 mực nước cao nhất ngày tại Tân Châu ở mức 2,50m; tại Châu Đốc ở mức 2,30m.

Về động đất tại Kon Tum, báo cáo của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai cho biết, theo tin từ Viện Vật lý địa cầu, từ ngày 23 - 24/8, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra 12 trận động đất với cường độ từ 2,5-4,7, trong đó có trận động đất M = 4,7 (rủi ro thiên tai cấp 1) gây rung lắc mạnh, lo lắng cho người dân trong khu vực.

Ông Trần Quang Hoài, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 750/CĐ-TTg ngày 23/8/2022 về việc ứng phó với động đất và Công điện số 26/CĐ-QG ngày 23/8/2022 của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai về việc triển khai ứng phó với bão. Đối với hiện tượng động đất tại Kon Tum, ông Trần Quang Hoài đề nghị Viện Vật lý địa cầu cung cấp cho Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai toàn bộ tài liệu về động đất mà Viện đã xây dựng được để phối hợp tuyên truyền đến nhân dân.

Về ứng phó với bão số 3, ông Trần Quang Hoài đề nghị Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia thường xuyên cung cấp các thông tin về hướng di chuyển, cường độ của bão để chủ động chỉ đạo ứng phó. Đồng thời, lưu ý các địa phương như Quảng Ninh, Hải Phòng, Lào Cai có giải pháp đảm bảo an toàn cho khách du lịch; Bộ đội Biên phòng tiếp tục cho bắn pháo hiệu tại các điểm theo quy định để báo hiệu cho tàu thuyền; các địa phương tuyến biên giới phía Bắc chuẩn bị phương án ứng phó lũ lụt, đảm bảo an toàn hồ chứa, đặc biệt các hồ chứa nhỏ, hồ thủy điện; cảnh báo các địa điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; đảm bảo an toàn cho người dân đi lại qua các ngầm tràn.

Thanh Tùng