Điện Biên thiếu nước sinh hoạt mùa khô, người dân gặp nhiều khó khăn

Tài nguyên nước - Ngày đăng : 10:18, 24/08/2022

(TN&MT) - Mỗi khi mùa khô đến, người dân vùng cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên lại canh cánh nỗi lo thiếu nước trong sinh hoạt hàng ngày và phục vụ trồng trọt, sản xuất, làm cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn

Có thể thấy, khi mùa khô đến, người dân các xã của huyện Tuần Giáo (Điện Biên) lại vật lộn với cảnh thiếu nước, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và sản xuất. Được đầu tư xây dựng 08 công trình nước sinh hoạt tại các thôn bản của xã Ta Ma, huyện Tuần Giáo để đảm bảo nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân. Tuy nhiên, những năm qua do thiếu nguồn nước tại các đầu mối, đặc biệt là thời tiết diễn biến phức tạp, mưa lớn làm đứt gãy, hư hỏng đường ống dẫn nước; các công trình bị hư hỏng và hiện không thể cấp nước. Tại các bản thiếu nước trầm trọng: Háng Chua, Thớ Tỷ, Kề Cải, Phình Cứ... một bộ phận người dân do không có tiền mua ống dẫn nước sinh hoạt đành phải lấy chậu, xô để hứng nước mưa hoặc ra suối lấy nước về sử dụng dù biết nguồn nước này nhiễm bẩn, không đảm bảo vệ sinh.

anh-nuoc.jpg

Người dân bản Nậm Din, xã Phình Sáng phải dùng can xách nước suối về sinh hoạt.

Cũng tại xã Phình Sáng năm 2013, bản được Nhà nước đầu tư trạm bơm nước sinh hoạt, nhưng từ năm 2018 đến nay do ảnh hưởng của mưa lũ nên trạm bơm đã hư hỏng hoàn toàn, không còn sử dụng. Để có nước sinh hoạt người dân phải lặn lội hàng cây số đường rừng mang can nhựa, gùi... lên khe suối lấy. Những hôm trời mưa, đường trơn trượt không đi được xe máy, người dân phải gánh mang về. Nhiều hộ có điều kiện hơn thì đầu tư ống nhựa, máy bơm, đường dây điện dẫn nước từ khe suối về; tuy nhiên chi phí cao, nguồn nước suối không đảm bảo vệ sinh, bị ô nhiễm do người dân chăn thả trâu, bò ở khu vực này.

Ông Trần Khoa Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo cho biết: Những năm qua, đời sống người dân trên địa bàn huyện Tuần Giáo đang dần được cải thiện nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng việc hỗ trợ, triển khai các chương trình, dự án thiết thực với bà con. Tuy nhiên, đời sống của người dân ở các xã vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp.

tg-2.jpg

Công trình nước sinh hoạt tại xã Pú Nhung, huyện Tuần Giáo.

Hiện trên địa bàn huyện có 140 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung. Nhìn chung các công trình đã cơ bản đáp ứng nhu cầu NSH cho người dân. Tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước tập trung chiếm 21,3%; tỷ lệ người/hộ nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh từ công trình cấp nước quy mô hộ gia đình đạt 71,6%. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho người dân nông thôn chủ yếu là nước mặt (lấy tại các khe, suối) chiếm trên 95%; số còn lại người dân sử dụng nước ngầm tại các vùng thấp có thể khoan được giếng và tích trữ nước mưa để sử dụng sinh hoạt.

Bên cạnh đó, nhiều công trình nước sinh hoạt ở các xã trên địa bàn huyện đã xuống cấp. Công trình có tuyến ống dài đi qua nhiều khe suối, núi đá và cách xa khu dân cư khó khăn cho việc vận hành, bảo quản. Cùng với thời tiết cực đoan, lũ ống, lũ quét xảy ra thường xuyên khiến công trình hư hỏng; công tác quản lý, bảo vệ, vận hành, khai thác công trình sau đầu tư ở một số xã, bản chưa thực sự được quan tâm; các công trình chưa được sửa chữa, khắc phục kịp thời ảnh hưởng đến việc đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt người dân.

tg3.jpg

Công trình cấp nước sinh hoạt tại bản Hú Cang, xã Mùn Chung. huyện Tuần Giáo.

Vì vậy để giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho người dân ở vùng cao, nhất là trong mùa khô hạn; Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu UBND huyện tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước tại đầu mối các công trình cấp nước sinh hoạt. Vận động nhân dân tham gia nạo vét, sửa chữa đường ống, cụm đấu nối, bể lọc nước và nạo vét các giếng đào; giữ vệ sinh khu vực giếng để đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng tiết kiệm nước.

Hoàng Châu