Bài dự thi “Cùng giữ màu xanh của biển”: Bảo tồn hệ sinh thái rạn san hô - Bài 2: Rạn san hô kêu cứu

Biển đảo - Ngày đăng : 08:31, 24/08/2022

(TN&MT) - Theo đánh giá của các cơ quan bảo tồn về sinh vật biển, Việt Nam là một trong những quốc gia sở hữu nhiều loài san hô đa dạng nhất thế giới. Tuy nhiên, đến nay, hệ sinh thái này đang bị suy thoái nghiêm trọng cả về số lượng, chất lượng và rơi vào “báo động đỏ”. Nói một cách khác, rạn san hô kêu cứu khẩn thiết.

Nguyên nhân khách quan

Do nằm trong đới chuyển tiếp giữa lục địa và biển, nên 3 hệ sinh thái tiêu biểu cho biển nhiệt đới là rừng ngập mặn, rạn san hô và cỏ biển có mối quan hệ mật thiết và tương hỗ cho nhau, tạo ra những “dây xích sinh thái” quan trọng. Nếu một mắt xích trong số chúng bị tác động sẽ ảnh hưởng đến các mắt xích còn lại.

Vùng biển Việt Nam hiện đang tập trung khoảng 340 loài san hô trong tổng số 800 loài của thế giới, phân bố rộng rãi từ Bắc tới Nam. Rạn san hô biển tập trung với mật độ cao ở vùng biển Nha Trang, Trường Sa, Hoàng Sa, biển hòn Mun, Khánh Hòa. Ở vịnh Hạ Long, hiện nay các nhà bảo tồn cũng đã phát hiện được 205 loài san hô cứng, 27 loài san hô mềm. Ở Côn Đảo, có 219 loài san hô, tập trung thành khu vực lớn kèm theo 160 loài cá san hô.

b2.a1.jpg
Tàu tuần tra, kiểm soát của Ban quản lý bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Ảnh: Mạnh Bình

Tuy nhiên, theo số liệu thống kê từ Tổng cục Biển đảo Việt Nam, hiện nước ta chỉ còn 1% trong số 1.300km2 rạn san hô dọc bờ biển đang trong tình trạng rất tốt; 26% các rạn san hô trong điều kiện tốt; 41% các rạn san hô trung bình, còn lại 31% là các rạn san hô nghèo. Ðiều đáng lo ngại, hiện có 96% các rạn san hô trên khắp vùng biển cả nước đang hứng chịu tác động tiêu cực từ các hoạt động khai thác của con người, trong đó gần 75% các rạn có mức độ rủi ro cao và rất cao bởi tình trạng khai thác thể hiện sự hủy diệt. Đi cùng với sự suy thoái của san hô là sự biến mất của nhiều loài sinh vật biển quý. Ở Việt Nam, có 36 loài sinh vật thuộc hệ sinh thái rạn san hô có nguy cơ đe dọa tuyệt chủng theo Sách Đỏ Việt Nam: Cá rạn san hô (9 loài), san hô cứng (11 loài), động vật đáy (10 loài), rong biển (5 loài) và thực vật ngập mặn (1 loài).

Một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với san hô chính là hiện tượng nhiệt độ nước biển bề mặt tăng lên sẽ làm bạc màu (mất lớp sắc tố) hay còn gọi là tẩy trắng san hô. Bởi nó sẽ ảnh hưởng tới sự sống của tảo zooxanthellae cộng sinh với san hô, gây ra quá trình tẩy trắng kéo dài giết chết các quần xã san hô hoặc khiến chúng bị tổn tương trước các mối đe dọa khác. Trong những năm gần đây, nhiều rạn san hô nhiệt đới đã bị bạc màu hoặc chết. Ngoài ra, nước biển bị ô nhiễm cũng là nguyên nhân đe dọa sự sống của san hô. Nước thải từ đất liền chảy ra biển mang theo bùn đất, chất dinh dưỡng,… khiến tốc độ tăng trưởng của tảo và một số loài ăn thịt san hô tăng nhanh. Theo Thượng tá, TS Nguyễn Thị Hải Thanh - Trưởng phòng Nghiên cứu Sinh thái biển (Chi nhánh Ven biển, Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc phòng), vào tháng 3/2016, do hiện tượng El Nino làm nước biển nóng lên bất thường đã khiến ¼ rạn san hô Côn Đảo ở độ sâu từ 3-15 mét bị tẩy trắng (vào khoảng 500ha). Tại vùng biển Phú Quốc, diện tích rạn san hô bị tẩy trắng trung bình 56,6% do cả phía con người và tự nhiên.

b2.a2.jpg

Xử lý các trường hợp cào đáy và đánh bắt hủy diệt trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Hoàng Thành

Tham khảo một số địa phương có khu bảo tồn biển, chúng tôi thấy rằng, gần đây, vùng biển Đông Bắc xuất hiện loài ốc Drupella chuyên ăn thịt san hô. Đây cũng là nguyên nhân khiến rạn san hô bị thu hẹp đáng báo động.

Khai thác quá mức đã giết chết san hô

Bên cạnh những nguyên nhân tự nhiên khiến rạn san hô bị tẩy trắng thì con người, với các hoạt động khai thác biển quá mức mới là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới rạn san hô suy thoái trầm trọng.

TS Nguyễn Thị Hải Thanh cho biết, một vết chân người cũng làm mất 10cm2 rạn san hô, một cái neo thả xuống cũng khiến vài chục mét vuông rạn san hô bị hủy hoại phải mất hàng chục năm mới phục hồi được. Những tác động đó đã khiến các rạn san hô biến mất. Đơn cử như ở Đà Nẵng, việc ngư dân sử dụng một số loại lưới tận diệt ở vùng biển ven bờ và khu vực rạn san hô nam bán đảo Sơn Trà đã khiến san hô ở khu vực này bị “đe dọa” và mai một nghiêm trọng. Tại một số tỉnh, thành phố khác như Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, các đối tượng không chỉ khai thác trái phép san hô bằng phương tiện thô sơ, mà còn sử dụng các phương tiện cơ giới, như: Máy đào, máy múc, xe ôtô để "tận diệt" san hô. Trên phạm vi cả nước, mỗi năm nước ta cũng đang mất hơn 50 tấn san hô do việc khai thác hủy diệt và khai thác vì mục đích kinh doanh, chưa kể mất san hô đen ở các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Trị, Quảng Bình. Cá biệt, hiện tượng người dân lặn biển bắt cá bằng bắn độc chất xianua, khiến san hô chết từ từ, đen dần và trắng rồi gẫy vụn.

Trong quá trình đi thực tế tại vịnh Nha Trang, nơi có hệ sinh thái san hô vào loại đa dạng nhất của cả nước và cũng là địa phương đi đầu trong khai thác biển làm du lịch, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng về hiện tượng hệ sinh thái rạn san hô ở đây bị hủy hoại trầm trọng. Chị Trương Thị Ngọc, du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh đến Nha Trang lặn biển rất thất vọng vì san hô đã chết. “Đáy biển quá nhiều trầm tích, rạn san hô suy thoái sẽ khó có thể kéo tôi quay trở lại lặn biển”, chị Ngọc nói.

b2.a3.jpg

Trước đó, trò chuyện với anh Đỗ Văn Bình - huấn luyện viên lặn biển ở Nha Trang, anh cho biết, nếu san hô chết, việc lặn biển sẽ bị Nhà nước cấm, anh và nhiều người theo nghề lặn biển hơn 20 năm sẽ không biết làm gì để sống. Cùng với đó, chị Tạ Hoàng Kim - huấn luyện viên lặn biển gần 20 năm bức xúc vì nhiều lần phát hiện ra những tấm lưới bị rách mắc vào rạn san hô gốc. Chị khẳng định, nhiều tàu đánh cá của ngư dân đã tranh tối tranh sáng vào khu bảo tồn để khai thác hải sản mà không bị lực lượng chức năng xử lý. Việc kéo lưới của họ với các tấm chì nặng, nằm sát đáy biển đã tàn phá các rạn san hô nghiêm trọng. Tuy nhiên, việc phát hiện và xử lý của cơ quan chức năng thì rất hạn chế.

Vào ngày 20/6 vừa qua, sau khi nghe báo cáo của cơ quan chức năng và phân tích, Thường trực Tỉnh ủy Khánh Hòa đã kết luận chỉ rõ nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun, trong đó nguyên nhân chủ quan là do công tác quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương liên quan, hoạt động của Ban Quản lý vịnh Nha Trang còn nhiều bất cập, hạn chế, thiếu sót. Nhiều hoạt động của con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang nói chung và rạn san hô tại khu bảo tồn biển Hòn Mun nói riêng vẫn chưa được xử lý kịp thời (khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định, xả thải từ các hoạt động du lịch…).

Các loài san hô có đặc tính chung là rất nhạy cảm với ánh sáng, tiếng ồn, dòng chảy, độ mặt và nhiều yếu tố khác. Chúng phát triển rất chậm, có loài chỉ tăng được 1-2cm/năm, nhưng cũng có loài dễ thích nghi, tăng trưởng đạt tới 12cm/năm. Hàng triệu năm nằm dưới đáy đại dương, các rạn san hô phát triển yên bình giúp tạo ra sự cộng sinh cho các sinh vật biển. Có một thực tế hiển nhiên là, không có rạn san hô, hệ sinh thái biển sẽ bị phá vỡ và kiệt quệ. Có nhà khoa học đã từng cảnh báo, với tốc độ san hô bị phá hủy như hiện nay, khoảng 20 năm nữa san hô có thể không còn trong vùng biển nước ta.

Bài 3: Các mô hình và giải pháp phục hồi

Thượng tá Nguyễn Mạnh Thắng (Báo Quân đội Nhân dân)