Xảy ra 4 trận động đất liên tiếp tại Kon Tum
Trong nước - Ngày đăng : 21:48, 23/08/2022
Cụ thể, khoảng 14h8' (giờ Hà Nội) ngày 23/8, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đã xảy ra một trận động đất có độ lớn 4,7 độ Richter xảy ra tại vị trí có tọa độ (14,768 độ vĩ Bắc, 108,209 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.
Đây là trận động đất có độ mạnh lớn nhất từ trước đến nay tại tỉnh Kon Tum. Thông tin ban đầu, trận động đất đã gây tiếng động và rung lắc mạnh, ảnh hưởng tới khu vực huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam). Nhiều người dân địa phương ở Quảng Nam, Đà Nẵng đều cảm nhận dư chấn rất rõ, lung và lắc trong khoảng 3 - 5 giây.
Trận động đất thứ 2 xảy ra vào 14h11', với độ sâu khoảng 8,1 km, độ lớn: 3,6. Khoảng 15h2', trận động đất thứ 3 xảy ra, với độ sâu khoảng 8,1 km, độ lớn: 3,7. Đến khoảng 15h27', xảy ra trận động đất thứ 4 với độ sâu khoảng 8,1 km; độ lớn: 2,5 Ba trận động đất này được đánh giá cấp độ rủi ro thiên tai là 0.
Hiện tại, các trận động đất chưa ghi nhận thiệt hại về người. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất tại Kon Tum.
Trước thông tin về các trận động đất, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai vừa có văn bản đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Kon Tum; các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương; Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN); Viện Vật lý Địa cầu chỉ đạo Sở, ngành liên quan, Ban chỉ huy PCTT&TKCN cấp huyện, xã kiểm tra, đánh giá tác động và mức độ ảnh hưởng của các trận động đất đã xảy ra đối với nhà ở của nhân dân, trụ sở làm việc, trường học nội trú và các công trình cơ sở hạ tầng, nhất là các hồ đập thủy điện, thủy lợi. Từ đó, kịp thời phát hiện, khắc phục các sự cố, hư hỏng để bảo đảm an toàn cho người và tài sản; sẵn sàng nhân lực, vật tư, phương tiện để ứng phó và khắc phục hậu quả kịp thời khi có tình huống.
Đồng thời, tiếp tục theo dõi chặt chẽ dư chấn động đất, cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng, chính quyền và người dân biết để phục vụ công tác chỉ đạo, ứng phó.
Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về tình hình động đất, cách nhận biết và kỹ năng ứng phó với động đất để người dân, cộng đồng chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại đồng thời tránh tâm lý hoang mang, bất an trong dư luận (tài liệu hướng dẫn, tờ rơi, clip được Ban chỉ đạo cung cấp và đăng tải trên website: phongchongthientai.mard.gov.vn/Pages/Tai-lieu-truyen-thong-pctt.aspx) …
Tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi sát tình tình diễn biến, báo cáo về Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai và Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
Theo thống kê, trong năm 2021 đã ghi nhận gần 200 trận động đất có độ lớn lớn hơn hoặc bằng 2.5 độ richter xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, trong các ngày 15 -18/4/2022 đã ghi nhận động đất xảy ra liên tục tại khu vực này với tổng số 22 trận động đất với độ lớn từ 2,5 đến 4,5 độ richter. Ngoài việc liên tục xảy ra động đất gây rung lắc dữ dội, những tiếng nổ lớn trong lòng đất cũng khiến người dân nơi đây vô cùng lo lắng.