Bà Rịa - Vũng Tàu: Quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên biển
Biển đảo - Ngày đăng : 21:48, 23/08/2022
Phát huy thế mạnh về cảng biển
Là địa phương có nguồn tài nguyên biển phong phú, với bờ biển dài 165km, thềm lục địa rộng 100.000km2, thời gian qua, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang tập trung quản lý, khai thác hiệu quả tài nguyên biển nhằm tạo đòn bẩy để thúc đẩy kinh tế của địa phương.
Cụ thể, Bà Rịa - Vũng Tàu đã tận dụng những lợi thế về vị trí gần biển để xây dựng các trung tâm dịch vụ logistic, phát triển mạnh hệ thống cảng. Đến nay, Bà Rịa - Vũng Tàu đã quy hoạch tổng thể với 69 dự án cảng, trong đó đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động 48 dự án với công suất 141,5 triệu tấn/năm. Riêng Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được đánh giá thuộc nhóm cảng có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất - cao thứ 6 trên thế giới và cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, Cái Mép - Thị Vải cũng là cụm cảng duy nhất ở Việt Nam có các chuyến tàu mẹ trực tiếp đi châu Âu, châu Mỹ và có tần suất đi Mỹ cao nhất Đông Nam Á, xếp vào nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hệ thống cảng biển trên địa bàn tỉnh đang có sự chuyển biến mạnh mẽ. Hiện nay, lượng hàng hóa thông qua cảng biển tại Bà Rịa - Vũng Tàu bằng tàu biển chiếm khoảng 67% với hàng tổng hợp và khoảng 80-84% đối với hàng container. Trong đó, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đảm nhận vai trò trung chuyển quốc tế với 43% - 45% lượng hàng cả nước.
Bên cạnh đó, theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lượng hàng thông qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến vào năm 2020 khoảng từ 96-100 triệu tấn/năm; năm 2025 từ 128-141 triệu tấn/năm và năm 2030 khoảng từ 167-198 triệu tấn/năm. Song, đến năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã đạt hơn 113 triệu tấn, vượt dự báo được duyệt.
Đặc biệt, năm 2021, trong điều kiện tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chịu nhiều tác động tiêu cực từ dịch bệnh, giá trị sản xuất và doanh thu đều bị giảm sút, nhưng doanh thu của hoạt động cảng biển vẫn tăng 22,4%, điều đó chứng tỏ sự phát triển cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đẩy nhanh quy hoạch khu vực cảng biển
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, mặc dù đạt được những kết quả tích cực trong tài nguyên biển, tuy nhiên, việc phát triển hệ thống cảng biển cũng như các dịch vụ cảng hiện nay của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có.
Cụ thể là hệ thống cảng biển tuy đã được quy hoạch, nhưng chưa được đầu tư đồng bộ, chưa phát huy được hiệu quả liên kết vùng; việc đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, nạo vét luồng lạch còn chậm, không gian cho dịch vụ logistics còn ít nên ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh và hiệu quả của cụm cảng…
Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2025 đã xác định rõ 9 nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện, trong đó, nhiệm vụ quyết tâm phát triển Bà Rịa - Vũng Tàu thành tỉnh mạnh về cảng biển là 1/9 nhiệm vụ trọng tâm.
Theo đó, UBND tỉnh đã giao cho các Sở, ngành và các đơn vị liên quan rà soát tính toán, làm rõ thêm nhu cầu, định hướng, lộ trình đầu tư phát triển các bến cảng thuộc cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là khu bến hạ lưu Cái Mép Hạ. Đồng thời, đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh để thống nhất phạm vi, nội dung quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển của tỉnh theo hướng bền vững và bảo đảm môi trường sinh thái.
Theo báo cáo của Đơn vị tư vấn (Công ty Cổ Phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển), hiện nay, công tác xây dựng quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh quy hoạch được thực hiện tại các khu: khu bến Cái Mép (trong đó bao gồm bến cảng Cái Mép Hạ lưu); khu bến Thị Vải; khu bến Long Sơn; khu bến sông Dinh; bến cảng Côn Đảo; các bến cảng dầu khí ngoài khơi; các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão.
Trong đó, vùng nước thuộc khu vực cửa sông Cái Mép và có sự điều chỉnh ranh vùng nước khu cảng Phước An. Vùng đất với các khu bến Cái Mép, Thị Vải Long Sơn được điều chỉnh nhiều về công năng. Cụ thể, khu bến Thị Vải sẽ nghiên cứu chuyển đổi một số bến chuyên dụng thành bến tổng hợp, phục vụ chung; Long Sơn điều chỉnh theo hướng phục vụ trung tâm điện lực LNG Long Sơn.
Còn sông Dinh - Bến Đình - Sao Mai đề xuất để tiếp nhận được sà lan lớn, phù hợp điều kiện luồng; Côn Đảo sẽ quy hoạch bến cảng Bến Đầm có chức năng tổng hợp, cho tàu 5.000 DWT, chuyển bến cảng tàu khách trên vịnh Côn Sơn thành cảng biển.