Bình Thuận: Nhiều giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:35, 23/08/2022
Đối mặt với hiểm họa
Do tác động của BĐKH, những năm gần đây, thời tiết trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có những biến đổi bất thường, hiện tượng nắng nóng kéo dài trong mùa khô, lượng mưa phân bố không đều theo quy luật, thiên tai bão, lũ… xảy ra ở hầu hết các địa phương. Trong đó, từ ngày 20/5 - 22/5/2022, trên địa bàn huyện Tánh Linh đã có mưa to, làm ngập lụt 50 căn nhà, tốc mái 4 công trình, làm ngập hơn 370ha diện tích sản xuất nông nghiệp, sạt lở gây hư hỏng nhiều công trình cơ sở hạ tầng… BĐKH còn làm gia tăng tình trạng sạt lở bờ biển ở một số địa phương trong tỉnh.
Điều dễ nhận thấy là cứ sau mỗi mùa gió Đông Bắc, đường bờ biển ở một số khu vực trên địa bàn tỉnh lại tiếp tục bị sạt lở nghiêm trọng, đe dọa đến các khu dân cư bờ biển, khu du lịch và bãi tắm, làm ảnh hưởng rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang diễn ra với tốc độ khá nhanh. Khu vực thường xuyên xảy ra sạt lở bờ biển là TP. Phan Thiết, thị xã La Gi và huyện Tuy Phong.
Ngoài ra, BĐKH cũng đã và đang đe dọa đến nguồn nước trong tỉnh. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, các dòng chảy trên các sông, suối suy giảm nhanh sau khi mùa mưa kết thúc, mực nước ngầm hạ thấp, nắng nóng kéo dài. Lượng mưa thấp hơn mức trung bình nhiều năm từ 20% - 90%. Nước tích trữ trong hệ thống thủy lợi cũng thiếu hụt. Nhiều hồ thủy lợi cạn khô, trơ đáy. Tình trạng sa mạc hóa ngày càng trầm trọng hơn ở các huyện ven biển. Tốc độ thoái hóa đất diễn ra ngày càng nhanh, đặc biệt tại các vùng trọng điểm khô hạn như huyện Bắc Bình.
Tăng cường các giải pháp
Nhằm chủ động ứng phó với BĐKH, mới đây, UBND tỉnh Bình Thuận đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan và các địa phương tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do thời tiết cực đoan gây ra. Theo đó, UBND tỉnh Bình Thuận giao cho UBND thành phố, thị xã, các huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp và các sở, ngành liên quan căn cứ vào thẩm quyền, chức năng, tập trung rà soát, bổ sung, xác định rõ các vùng, khu vực, địa bàn xung yếu thường bị ảnh hưởng của thiên tai.
Trong đó, các sở, ngành, các địa phương cần chú ý nhất là các vùng ven biển chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão mạnh, siêu bão; vùng mưa to gây lũ, ngập lụt, vùng trũng; vùng hạ du của các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện khi phải xả lũ; vùng có địa hình cao, đồi dốc để xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực, điều chỉnh phương án ứng phó hợp lý theo phương châm “bốn tại chỗ”, tổ chức phòng ngừa, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai đạt hiệu quả cao nhất.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công công trình chống hạn, cấp nước sinh hoạt, đẩy mạnh áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; chủ động theo dõi tình hình thời tiết, hạn hán, xâm nhập mặn để chỉ đạo sản xuất hiệu quả, hạn chế thiệt hại; tăng cường kiểm tra, sửa chữa, kịp thời khắc phục các sự cố về cầu, cống xung yếu, đoạn đường có nguy cơ sạt lở cao, không bảo đảm an toàn trên các tuyến tỉnh lộ, quốc lộ; có giải pháp khắc phục các công trình gây cản lũ, ngập úng khu dân cư, khu vực sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Song song đó, các sở, ngành liên quan và các địa phương, đơn vị tăng cường kiểm tra, quản lý cấp phép, khai thác tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là khai thác cát, sỏi lòng sông, ven biển, tránh gây sạt lở, tăng rủi ro thiên tai; tổ chức thu thập thông tin nhanh, kịp thời, chính xác các hình thế bất lợi của thời tiết, tình hình bão, áp thấp nhiệt đới, thời tiết nguy hiểm trên biển, sóng mạnh, triều cường, cảnh báo mưa to, lũ lớn để phục vụ tốt công tác chỉ đạo phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, phục vụ tốt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.