Thực thi Nghị định 45 xử phạt vi phạm về môi trường và góc nhìn từ các tỉnh miền Trung: Thách thức từ phát triển kinh tế ven biển

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:34, 23/08/2022

(TN&MT) - Sự phát triển của các khu kinh tế (KKT) biển, cụm công nghiệp ven biển… đã dẫn đến tập trung nhiều nhà máy, gia tăng nước thải, chất thải rắn, tăng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường biển miền Trung. Nghị định 45/2022/NĐ-CP được áp dụng sẽ là công cụ đắc lực để các địa phương tăng hiệu quả bảo vệ môi trường (BVMT) trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

Lo ngại ô nhiễm biển

Tận dụng lợi thế chiều dài bờ biển hơn 135km, có cảng biển nước sâu, những năm qua, sự có mặt của nhiều dự án công nghiệp lớn ở ven biển là cơ hội để Quảng Ngãi hiện thực hóa chiến lược xây dựng KKT Dung Quất thành trung tâm công nghiệp của cả nước. Song, để cân bằng lợi ích của doanh nghiệp, đời sống người dân và môi trường là điều không đơn giản.

Theo ông Nguyễn Đức Trung - Quyền Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, hiện nay, KKT Dung Quất giữ vị trí chủ lực, góp phần ổn định và phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy vậy, có một số nhà máy đã đi vào hoạt động và có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao… do không thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt.

bienmientrung2-2-.jpg

Nếu không kiểm soát chặt, sự phát triển của các khu kinh tế biển, cụm công nghiệp ven biển... có thể sẽ gây áp lực lớn đến môi trường biển.

Ngoài ô nhiễm tiếng ồn, bụi thì hiện tượng cây xanh đồng loạt chết khô, nước biển đổi màu bất thường trong thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân ở khu vực ven biển Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Đồng thời, nhiều tàu bè giao thương đi lại trên vùng biển tại khu vực này cũng tạo sức ép lên môi trường từ tình trạng ô nhiễm hữu cơ, dầu, rác thải nhựa… Cùng với đó, các hoạt động phát triển du lịch, dịch vụ, các vùng nuôi trồng thủy sản ven biển tại khu vực này cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc sử dụng tài nguyên nhiên nhiên, ảnh hưởng chất lượng môi trường biển nơi đây.

Mới đây, người dân thôn Lệ Thủy, xã Bình Trị, huyện Bình Sơn đã gửi đơn đến chính quyền địa phương, tha thiết kiến nghị cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp BVMT khi biết Nhà máy Bột - Giấy VNT19 khi đi vào hoạt động sẽ xả thải ra vịnh Việt Thanh. Mặc dù chủ đầu tư khẳng định việc xả nước thải ra vịnh Việt Thanh đảm bảo an toàn, nhưng từ sự cố môi trường tại một số dự án lớn ở miền Trung thời gian qua, chính quyền địa phương, người dân và các chuyên gia môi trường cũng hết sức lo ngại.

Theo PGS.TS Võ Văn Minh - Chuyên gia về môi trường, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, nước thải từ Nhà máy Bột - Giấy dù đã được xử lí đạt QCVN, nhưng màu sắc và các thành phần “chất lạ” vẫn khó kiểm soát hoàn toàn trước khi xả thải vào môi trường tự nhiên. Khi vận hành thử nghiệm hoặc sản xuất ở giai đoạn đầu, nước thải ra môi trường với số lượng lớn (dù đạt mức cho phép), chắc chắn sẽ gây “sốc” cho hệ sinh thái tự nhiên và có thể sẽ phát sinh “sự cố” ngoài ý muốn.

Khu vực miền Trung trải dài từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận có 11 KKT ven biển là động lực góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất công nghiệp nặng đang đặt ra nhiều thách thức ô nhiễm biển ảnh hưởng đến chất lượng sống và gây lo ngại cho người dân. Có thể kể đến sự cố môi trường ở Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế… đã gây khó khăn cho công tác quản lý và khắc phục hậu quả.

Tăng chủ động phòng ngừa vi phạm

Môi trường biển hiện đang bị suy thoái nghiêm trọng, nhất là hệ sinh thái vùng bờ. Nguyên nhân là do các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội vùng ven bờ diễn ra ồ ạt. Vấn đề đặt ra hiện nay là cần có những giải pháp phòng ngừa, kiểm soát và xử phạt nghiêm khắc để nâng cao ý thức BVMT của các doanh nghiệp ở các KKT, cụm công nghiệp ven biển.

Theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi, mức phạt quy định tại Nghị định số 45/2022/NĐ-CP sẽ có tính răn đe cao và tạo dư luận buộc các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh phải quan tâm, đầu tư cho môi trường, khắc phục ngay các tồn tại, vi phạm và nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật về BVMT. Do vậy, thời gian tới, bên cạnh công tác tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn đầy đủ nội dung Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Nghị định số 45, Sở TN&MT sẽ đẩy mạnh hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT đối với chủ đầu tư các dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm.

“Hiện nay, toàn bộ dữ liệu, thông tin về chất lượng môi trường trên địa bàn đều được cập nhật tự động, thường xuyên về Sở TN&MT. Đây là cơ sở theo dõi, giám sát chất lượng môi trường, để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường phát sinh.” - ông Trung cho hay.

Còn tại Quảng Nam, để đảm bảo an toàn về môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng, tại khu vực KKT biển Chu Lai, Quảng Nam chú trọng áp dụng các công cụ pháp lý xử phạt liên quan đến hệ thống quản lý, kiểm tra, kiểm soát môi trường biển với các tiêu chuẩn môi trường, đánh giá tác động môi trường, quan trắc cảnh báo môi trường, xác định các điểm nóng môi trường,...

Bên cạnh đó, công tác kiểm soát, xử lý các nguồn gây ô nhiễm được quản lý chặt chẽ hơn và đặc biệt, tỉnh Quảng Nam không cho phép các dự án đầu tư xả nước thải sau xử lý trực tiếp ra biển mà phải qua các hệ thống sông trung gian để kiểm soát. Trong tương lai, với xu thế phát triển các KKT ngày càng mạnh, ngành môi trường của tỉnh sẽ tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả kiểm soát môi trường biển để đáp ứng được nhu cầu phát triển theo tinh thần “không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”.

LAN ANH

Tiếng nói từ các địa phương trên lộ trình thực hiện Nghị định 45

hoang-hieu-nghia.jpg

Ông Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: Đề cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp, người dân

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 7/7/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. Trước quy định này, nhiều người dân băn khoăn trước thông tin từ thời điểm 25/8/2022, bất cứ hành vi đổ rác thải mà không phân loại từ nguồn sẽ bị xử phạt với mức tiền ít nhất là 500 ngàn đến cao nhất là 2 tỷ đồng/hành vi.

Vì vậy, theo tôi, các địa phương, ban, ngành cần có một thời gian “thực tập” để người dân làm quen dần, đặc biệt, cần tích cực tuyên truyền để Nghị định đến được với người dân một cách sâu sát nhất, rõ ràng nhất. Nếu tuyên truyền không kỹ, tổ chức thu gom không khoa học, người dân không chấp hành thì tình trạng vứt rác bừa bãi, vứt rác trộm tại nơi công cộng sẽ vẫn diễn ra và tái phát. Quả thật, với điều kiện hạ tầng cơ sở vật chất thu gom rác hiện nay, tỉnh Nghệ An còn nhiều việc phải làm và cần làm sớm, nhanh đến mức tối đa có thể.

Ngoài ra, ngành TN&MT Nghệ An cần đề cao vai trò trách nhiệm của người dân và doanh nghiệp, giao trách nhiệm cho từng công đoạn thu gom để giám sát; đồng thời, có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện để BVMT một cách bền vững. Hiện, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An đang tham mưu cho Sở TN&MT xây dựng đề án và lộ trình thực hiện sớm trình UBND tỉnh. Ngoài ra, để chủ động, ngay từ bây giờ, các địa phương và sở, ngành liên quan phải bắt tay ngay vào chuẩn bị quỹ đất để xây dựng các điểm tập kết tập trung, vì khác với khu vực đô thị, ở khu vực nông thôn, mỗi tuần rác được thu 1 - 2 lần nên không thể để gần các khu dân cư được.

tran-thanh-ha.jpg

Ông Trần Thanh Hà - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, đưa Nghị định 45/2022/NĐ-CP vào cuộc sống

Trong công tác quản lý môi trường, xử lý vi phạm hành chính là công cụ đóng vai trò quan trọng nhằm ngăn chặn, hạn chế các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ có những mức quy định xử phạt nặng đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường với mục đích tăng cường tính “răn đe” của chế tài xử phạt vi phạm hành chính, góp phần giảm thiểu vi phạm về BVMT.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Ngoài ra, còn áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và có thể áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả kèm theo. Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT nhằm răn đe các hành vi vi phạm và có các mức hình phạt tương ứng với từng mức độ hành vi, dựa trên nguyên tắc: vi phạm càng lớn, mức xử phạt càng cao. Đây sẽ là công cụ hỗ trợ cho địa phương trong công tác quản lý, BVMT.

Để quy định xử lý vi phạm hành chính thật sự có hiệu quả, ngăn ngừa ô nhiễm, Sở TN&MT đã đưa Nghị định số 45/2022/NĐ-CP vào chương trình công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của đơn vị đối với xử lý vi phạm hành chính. Việc tuyên truyền này nhằm đưa pháp luật vào cuộc sống, xây dựng ý thức thượng tôn pháp luật, làm cho nhân dân, cán bộ, công chức, doanh nghiệp có thói quen, động cơ tích cực trong thực thi pháp luật.

Đến nay, Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam đã xây dựng kế hoạch triển khai tuyên truyền Luật Bảo vệ môi trường 2020 và các văn bản dưới Luật trong năm 2022. Thời gian tới, Sở sẽ bổ sung nội dung triển khai Nghị định số 45 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT đến các đối tượng là doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, dự kiến tổ chức cuối tháng 8/2022.

ha-thi-thanh-huong.jpg

Hà Thị Thanh Hương - Phó Giám đốc Sở TN&MT Bình Định: Cần sự đồng lòng, chung tay, góp sức

Thời gian qua, công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện nhiệm vụ BVMT trên địa bàn tỉnh Bình Định được tăng cường với nhiều hình thức như: Ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định, Thông tư triển khai chi tiết thi hành Luật; tuyên truyền nâng cao nhận thức BVMT; thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm; quan trắc, giám sát chất lượng môi trường trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở lập hồ sơ, thủ tục môi trường và tuân thủ các quy định của pháp luật về BVMT... Trong đó, chú trọng triển khai thi hành Nghị định số 45/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT.

So với Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT và Nghị định số 55/2021/NĐ-CP ngày 24/5/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155 thì Nghị định 45 tăng nặng mức xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Nội dung của Nghị định còn có một số điểm mới, bổ sung trong việc xử phạt vi phạm hành chính về BVMT như xử lý hành vi không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; các hành vi vi phạm các quy định về đăng ký môi trường, giấy phép môi trường; việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và dữ liệu thu được từ phương tiện, thiết bị kỹ thuật do cá nhân, tổ chức cung cấp để phát hiện vi phạm hành chính trong lĩnh vực BVMT…

Để tăng cường công tác quản lý về BVMT, trong đó có công tác xử lý các hành vi vi phạm hành chính về BVMT, Sở TN&MT đã ban hành văn bản gửi UBND các huyện, thị xã, thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và Công an tỉnh chủ động nghiên cứu và tổ chức thực hiện Nghị định 45/2022/NĐ-CP theo quy định.

Bên cạnh đó, để Nghị định 45 thiết thực đi vào cuộc sống, cùng với các chế tài bắt buộc, theo tôi, rất cần sự đồng lòng, chung tay, góp sức của các địa phương, cơ quan, ban, ngành chức năng, các tổ chức cá nhân thực thi Luật, đặc biệt là vai trò của người dân.

Đình Tiệp - Lan Anh - Mỹ Bình (lược ghi)

Nhóm PV Báo TN&MT