Thuận Châu (Sơn La): Tác động tích cực từ triển khai chính sách, pháp luật đất đai
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 20:34, 22/08/2022
Nhiều kết quả nổi bật
Ngay sau khi Luật đất đai 2013 có hiệu lực thi hành, UBND huyện Thuận Châu đã tổ chức Hội nghị triển khai Luật đến hơn 250 đại biểu; hàng năm, tiếp tục tập huấn các văn bản có liên quan đến quy hoạch, cấp GCNQSDĐ, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư tới Chủ tịch UBND xã, công chức địa chính 28 xã, thị trấn; công chức các cơ quan, đơn vị có liên quan. Thường xuyên lồng ghép tuyên truyền các nội dung liên quan tới đất đai, các chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư tới trưởng các bản, tiểu khu, nhân dân sinh sống trên địa bàn thông qua các buổi họp bản, tiểu khu.
Xác định rõ vai trò và tầm quan trọng của công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức triển khai thực hiện nghiêm lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đảm bảo đồng bộ, thống nhất với quy hoạch xây dựng, quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới, quy hoạch ngành, lĩnh vực khác có sử dụng đất.
Trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, UBND huyện đã ban hành quyết định thu hồi hơn 4.000ha đất thực hiện 48 dự án; chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp để thực hiện 18 dự án… Ban hành quyết định công nhận và cấp GCNQSDĐ đơn lẻ cho hơn 2.000 hộ gia đình, cá nhân; hoàn thiện hồ sơ gửi Sở TN&MT thẩm định, tham mưu cho UBND tỉnh quyết định cấp GCN cho 163 tổ chức; giao đất thông qua đấu giá cho 45 trường hợp…
Đẩy mạnh cấp GCNQSDĐ lần đầu cho người dân, đến nay, UBND huyện đã ký và trao GCN đất ở lần đầu cho 4.022 hộ, đạt 94,1%; đã ký và trao GCN đất sản xuất nông nghiệp lần đầu cho 10.219 hộ, đạt 97,6%. Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai được tăng cường, đã thực hiện rà soát, bãi bỏ những thủ tục, hồ sơ, các bước không cần thiết; ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính; công bố công khai các thủ tục để cho người dân và doanh nghiệp thuận tiện tra cứu, áp dụng.
Cùng với đó, luôn phấn đấu giảm 10% thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Công tác tiếp nhận hồ sơ, chuyển xử lý hồ sơ lĩnh vực đất đai, trả hồ sơ được thực hiện nhanh gọn, chính xác; 100% văn bản đến, đi đều được quản lý và kiểm tra, 100% văn bản xử lý đúng hạn; văn bản phát hành được chuyển lưu trữ hàng ngày trên mạng và giao hồ sơ, giấy tờ hàng tuần.
Tác động tích cực đến KT-XH
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, đánh giá: Sau hơn 8 năm triển khai thi hành Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho thấy, pháp luật đất đai đã đi vào thực tiễn cuộc sống. Công tác giao đất, cho thuê, thu hồi đất được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định; tình trạng vi phạm các quy định của pháp luật về đất đai đã được ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, có chiều hướng thuyên giảm.
Công tác lập và thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới của các địa phương trên địa bàn huyện, quỹ đất sản xuất nông nghiệp được bố trí một cách hợp lý theo các vùng chuyên canh, giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp được nâng lên. Một số khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp GCNQSDĐ tiếp tục được tháo gỡ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người sử dụng đất. Việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng đất đai ngày càng được tăng cường.
Đặc biệt, triển khai các cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai còn góp phần thực hiện hiệu quả chương trình “xóa đói, giảm nghèo” thông qua các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở cho các hộ dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn; chính sách giao đất không thu tiền với đất sản xuất nông nghiệp; chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất ở, công nhận quyền sử dụng đất và chính sách miễn, giảm các loại thuế liên quan đến đất đai cho các hộ nghèo....
Thời gian qua, huyện Thuận Châu đã quan tâm đẩy mạnh giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; đổi mới công tác tiếp công dân, kiện toàn bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp công dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Qua đó, giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Thuận Châu đã tiếp nhận, xử lý 180 kiến nghị liên quan đến đất đai; 2 vụ khiếu nại, khiếu kiện; 4 đơn tố cáo và 18 vụ tranh chấp đất đai; hạn chế khiếu kiện vượt cấp, góp phần ổn định tình hình chính trị, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình triển khai Luật cũng cho thấy, còn một số tồn tại, hạn chế xuất phát từ thực tiễn địa phương. Kể từ khi có chủ trương quy hoạch, dự án đầu tư đến thu hồi, GPMB để bàn giao đất thực hiện dự án theo quy định kéo dài, trong khi năng lực, tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực quản lý chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Dẫn đến phát sinh các trường hợp tài sản tạo lập trái phép, không đúng mục đích; vi phạm quy định về đất đai, trật tự xây dựng, mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất không đúng quy hoạch, kế hoạch… gây khó khăn cho công tác thu hồi, bồi thường, GPMB.
Việc thực hiện một số quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ GPMB chưa phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương do chưa có hệ thống hồ sơ địa chính, dữ liệu quản lý đất đai đồng bộ như: Quy định về việc xác định tỷ lệ % diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi để hỗ trợ ổn định đời sống đối với hộ dân bị thu hồi đất và xác minh nguồn gốc, công nhận loại đất thu hồi.
Công tác quy hoạch giao đất lâm nghiệp - giao rừng còn nhiều bất cập, dẫn tới sự sai lệch so với thực tế sử dụng của người có đất thu hồi, việc xác minh nguồn gốc đất gặp nhiều khó khăn. Tại nhiều vị trí hiện trạng đã được các hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp trước thời điểm Nhà nước quy hoạch, cấp GCNQSDĐ lâm nghiệp, tuy nhiên trong kết quả rà soát các phần đất trên vẫn chưa được điều chỉnh ra khỏi quy hoạch 3 loại rừng để có cơ sở chuyển mục đích và bồi thường cho các hộ dân bị thu hồi đất…