Trại hè thanh niên cập nhật Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” năm 2022

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:50, 20/08/2022

(TN&MT) - Từ ngày 18 – 20/8, tại Sơn Tây (Hà Nội), Cục Biến đổi khí hậu phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức Trại hè thanh niên cập nhật Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” 2022.

Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với UNDP xây dựng và công bố năm 2021. Báo cáo đã nêu lên hiện trạng, nút thắt về BĐKH; vai trò của thanh niên trong giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, các giải pháp thích ứng dựa vào tự nhiên, các chính sách BĐKH, tài chính khí hậu… Báo cáo cũng kiến nghị lộ trình hành động khí hậu của thanh niên trong 5 năm tới. Báo cáo đã được gửi tới Chủ tịch COP26 nhân dịp ngài Chủ tịch COP26 đến thăm và làm việc tại Việt Nam năm 2021.

anh1.jpg
Ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu phát biểu tại Trại hè thanh niên cập nhật Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” 2022

Phát biểu khai mạc Trại hè thanh niên cập nhật Báo cáo đặc biệt năm 2022, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu đánh giá cao nỗ lực của các bạn thanh niên với nhiệt huyết, sự sáng tạo trong xây dựng báo cáo năm 2020. Báo cáo mới cập nhật năm nay cần được cập nhật toàn diện hơn trên cơ sở các diễn biến mới về ứng phó với BĐKH, các báo cáo khoa học của IPCC mới công bố, mục tiêu của thế giới đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, những cam kết của Việt Nam Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26); đặc biệt là lộ trình thanh niên hành động vì khí hậu phải dài hạn hơn, không chỉ đến năm 2025.

Ông Tăng Thế Cường đã giới thiệu cập nhật các chính sách mới về biến đổi khí hậu như Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải KNK và bảo vệ tầng ô-dôn; danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải KNK phải thực hiện kiểm kê KNK đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với BĐKH cấp quốc gia, Thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường về ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó quy định chi tiết về đánh giá tác động, tính dễ bị tổn thương, rủi ro, tổn thất và thiệt hại do BĐKH.

anh-3(1).jpg
Các đại biểu tham dự Trại hè thanh niên cập nhật Báo cáo đặc biệt “Thanh niên Việt Nam hành động vì khí hậu” 2022

Báo cáo đặc biệt công bố năm 2021 đã cho thấy, thanh niên còn gặp trở ngại về kỹ năng, rào cản trong tiếp cận chính sách, ứng dụng công nghệ, hợp tác với các bên liên quan, hoạt động còn mang tính hình thức, chưa hiệu quả… Cục trưởng khuyến khích các bạn thanh niên cần cập nhật thông tin sâu rộng hơn, có những ví dụ điển hình thực tiễn của thanh niên ở các vùng, miền trên cả nước; đưa ra những khuyến nghị của thanh niên cần làm gì để góp phần cho việc xây dựng chính sách ứng phó với BĐKH. Báo cáo cần mang tính toàn diện hơn để UNDP và Bộ TN&MT có thể sẽ chuyển tới Hội nghị COP27 vào cuối năm nay. Các bạn thanh niên cần phát huy vai trò xung kích, tình nguyện, năng động và sáng tạo, phát huy tại diễn đàn về ứng phó với biến đổi khí hậu, để đóng góp chung cho công cuộc ứng phó với BĐKH của Việt Nam, tăng cường hợp tác với thanh niên khu vực ASEAN và tham gia các diễn đàn thanh niên toàn cầu.

Ông Patrick Harveman, Phó trưởng đại diện UNDP Việt Nam cho biết: Trại viết diễn ra trong bối cảnh các quốc gia đang chuẩn bị cho Hội nghị COP27. Hội nghị sẽ đưa ra giải pháp cho những cảnh báo thảm khốc trong Báo cáo đánh giá lần thứ sáu của Ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), mà Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres gọi là “mã màu đỏ cho nhân loại”. Các hoạt động thường ngày sẽ làm đảo ngược lại bất kỳ lợi ích phát triển nào đối với việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững và sẽ ảnh hưởng đến khả năng được sống trong một thế giới bền vững của các thế hệ tương lai trong vài thập kỷ tới.

Lần đầu tiên, sự kiện thanh niên được tổ chức tại Milan, Ý vào năm ngoái đã gửi một tín hiệu mạnh mẽ đến thế giới với tuyên bố của 400 đại biểu thanh niên từ hơn 190 quốc gia: “Kể từ bây giờ, các cuộc đàm phán về khí hậu sẽ bao gồm cả thanh niên, có nghĩa là tiếng nói của thanh niên sẽ được lắng nghe bởi các lãnh đạo chính trị cao nhất” đã được đệ trình lên các Bộ trưởng tham dự COP26 tại Glasgow.

z3654434965912_80a4a76a53d1c09f9b4d796fe2a012d6.jpg
Quang cảnh sự kiện

Chúng ta đều thấy rõ, nếu chỉ có Chính phủ hành động sẽ không thể chiến thắng trong cuộc đua ứng phó với biến đổi khí hậu. Họ cần sự hỗ trợ của toàn xã hội, bao gồm cả thanh niên, hiện đang đại diện cho trên 50% dân số ở Việt Nam. Tuổi trẻ là sức mạnh để đổi mới và hành động. Cùng với các đối tác của mình, đặc biệt là Bộ Tài nguyên và Môi trường, UNDP quyết tâm thúc đẩy một môi trường thuận lợi cho các công dân trẻ tham gia vào quá trình chuyển đổi sang một tương lai xanh và sạch hơn. Ông Patrick Harveman kêu gọi các bạn thanh niên cùng nhau bắt tay vào cuộc đua đưa mức phát thải ròng về “0”.

Cùng với báo cáo này, mỗi hành động của các đoàn viên thanh niên dù là nhỏ nhất nhưng nếu có sức lan tỏa mạnh mẽ, sẽ góp phần thay đổi nhận thức và tạo động lực cho mục tiêu chuyển đổi kinh tế theo hướng kinh tế các-bon thấp có sức chống chịu cao. Chúng tôi mong rằng, thanh niên sẽ có thêm nhiều hành động thiết thực để giúp lan tỏa kiến thức cũng như các hành động cụ thể nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu vì sự phát triển bền vững của đất nước - ông Tăng Thế Cường cho biết.

                             

Chu Thanh Hương