Điện Biên phát triển kinh tế hiệu quả dưới tán rừng
Môi trường - Ngày đăng : 15:21, 18/08/2022
Những năm gần đây, nhiều mô hình sinh kế gắn với rừng đã mang lại hiệu quả về kinh tế, tăng thu nhập và đặc biệt là nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Từ một xã nghèo, hiện nay xã Tênh Phông, huyện Tuần Giáo (Điện Biên) đã cải thiện đời sống kinh tế đáng kể. Với 2.126,46ha rừng, trong đó rừng tự nhiên 2.105,5ha, là điều kiện thuận lợi để phát triển cây dược liệu đặc biệt là cây thảo quả dưới tán rừng.
Hiện nay, một số mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng trên địa bàn xã Tênh Phông đang được người dân triển khai trồng nhiều loài dược liệu quý như: sâm Lai Châu, sâm Ngọc Linh, lan kim tuyến, hoàng tinh hoa trắng, đẳng sâm, đương quy… Một số loài đang được khai thác với trữ lượng tương đối lớn như: thảo quả, sơn tra. Ngoài ra, Tênh Phông còn có các cây dược liệu tự nhiên bản địa khác như: huyết giác, củ mài, khúc khắc, bình vôi, đẳng sâm, cẩu tích... mọc rải rác trong các cánh rừng. Với diện tích rừng lớn, trong đó có nhiều diện tích là rừng nguyên sinh, khí hậu, thổ nhưỡng của Tênh Phông rất phù hợp với nhiều hình thức nuôi trồng, nhất là trồng cây dược liệu dưới tán rừng.
Trong các loại cây dưới tán rừng, thảo quả đang là cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao nhất đối với người dân địa phương. Ông Mùa Dúa Vàng, hộ trồng cây thảo quả ở bản Ten Hon, xã Tênh Phông chia sẻ, thảo quả là cây trồng cho năng suất tương đối cao, cây dễ trồng, cần rất ít công chăm sóc. Sau khi trồng, các hộ dân chỉ cần thường xuyên phát bỏ cây cỏ xâm lấn, dây leo bụi rậm và xới đất quanh gốc là cây có thể phát triển ổn định.Năm qua, ông thu hoạch được khoảng 1,5 tấn quả tươi. Với giá bán từ 25.000 - 30.000 đồng/kg quả tươi, 110.000 - 120.000 đồng/kg quả khô. Những năm được mùa, năng suất có thể đạt cao hơn, người trồng có thể thu về từ 70 - 80 triệu đồng/năm/hộ.
Nhận thấy tiềm năng, lợi thế của địa phương phù hợp với những loại cây dược liệu, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Tênh Phông đã tập trung chỉ đạo, phổ biến, khuyến khích nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Một số giống cây dược liệu trên địa bàn xã Tênh Phông bước đầu cho thấy tín hiệu tích cực. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, việc trồng và mở rộng diện tích thảo quả, đã giúp người dân xã Tênh Phông biết quý rừng và có ý thức, trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ rừng. Do đó, tình trạng chặt phá rừng cũng hạn chế hơn so với trước.
Có thể khẳng định, phát triển rừng và kinh tế rừng đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh. Từ đó, góp phần nâng cao đời sống kinh tế cho người dân, giảm nghèo bền vững, làm giàu nhờ rừng, bảo vệ môi trường và giữ rừng. Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.