Ngành Xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 14:39, 18/08/2022

Ngày 18/8, tại Thành phố Hải Phòng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Xi măng Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Sự phát triển ngành Xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.

Dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; Đồng chí Thượng tướng Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương; Đồng chí Trần Lưu Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí Thư thành ủy Hải Phòng; Đồng chí Nguyễn Long Hải, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng - Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; Đồng chí Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đồng chí Bùi Hồng Minh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Đồng chí Phạm Minh Đức, Phó Bí thư Phụ trách Đảng ủy Tổng Công ty Xi măng Việt Nam.

Tham dự Hội thảo còn có đại diện lãnh đạo Bộ, Ngành Trung ương, Thành phố Hải Phòng; đại diện lãnh đạo đơn vị phối hợp tổ chức, các nhà khoa học, các phòng, ban, công ty thành viên của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam.

z3652535165194_fe67e331a13b6ab56b3e55a263417bbb.jpg
Hội thảo khoa học "Sự phát triển ngành Xi măng Việt Nam trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước"

65 năm qua, kể từ ngày (30/5/1957), Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm nhà máy Xi măng Hải Phòng, những điều bác căn dặn trong buổi nói chuyện hôm đó vẫn được cán bộ, đảng viên, công nhân Xi măng Hải Phòng và toàn ngành xi măng Việt Nam khắc ghi và nghiêm túc thực hiện. Người đến thăm, nói chuyện và căn dặn: “Phải tăng gia sản xuất; Phải thực hành tiết kiệm; Phải tôn trọng và chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật lao động; Phải ra sức học tập trau dồi văn hóa, chính trị và kỹ thuật;Phải đoàn kết, thật thà phê bình và tự phê bình”.

Hiện thực hóa lời căn dặn của Bác, trong suốt các chặng đường cách mạng, Ngành Xi măng Việt Nam từng bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Trước thập niên 70 - 80 của thế kỷ XX ở miền Bắc chỉ có duy nhất Nhà máy Xi măng Hải Phòng được xây dựng, vận hành sản xuất. Sau thập niên 70 - 80, các nhà máy xi măng như Bỉm Sơn, Hà Tiên, Hoàng Thạch được xây dựng. Từ nước thiếu xi măng trầm trọng trước năm 1993, đến nay Việt Nam trở thành nước đứng đầu khối ASEAN về sản lượng xi măng và đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và tiêu thụ xi măng với tổng công suất thiết kế khoảng 100 triệu tấn/năm. Từ nước nhập khẩu xi măng, Việt Nam tự sản xuất đủ xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu. Riêng Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) – doanh nghiệp xi măng lớn nhất Đông Nam Á có công suất 33 triệu tấn. Có thể nói, với vị thế hiện tại, ngành xi măng Việt Nam được coi là có quy mô và sức ảnh hưởng đáng kể tới các thị trường xi măng trong khu vực.

z3652565405346_a59de2d5447be07e7f899182ac3d88bb.jpg
GS, TS Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại Hội nghị

Ngành Xi măng cùng với các ngành kinh tế động lực, then chốt khác đã thực hiện quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện, thành công mô hình tổ chức quản lý, hoạt động sản xuất kinh doanh thích ứng nhanh nhạy với xu hướng quản trị hiện đại, đa dạng hóa các chủ thể sở hữu cũng như mô hình hoạt động mới; Chuyển đổi mạnh mẽ, đột phá về chất trình độ lực lượng sản xuất từ áp dụng chủ yếu công nghệ, thiết bị cũ sang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ mới, thích ứng nhanh với tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0); đóng góp lớn đối với việc nâng cao chất lượng đời sống của người dân, hướng tới một xã hội vì con người, lấy con người làm trung tâm,…

Thành tựu đạt được của Ngành Xi măng đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu cao quý cho nhiều cá nhân và tập thể, như: Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, GS, TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh: Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ; trong công cuộc khôi phục, cải tạo, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước sau chiến tranh, cũng như trong sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Ngành Xi măng Việt Nam đã ngày càng lớn mạnh và không ngừng trưởng thành, có vai trò quan trọng trong tiến trình cách mạng nước ta.

Bước vào thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng khởi xướng và lãnh đạo (từ năm 1986 đến nay), Ngành Xi măng Việt Nam đã quán triệt và thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Đảng, nhận thức rõ vai trò, sứ mệnh cao cả của mình có những đóng vai trò quan trọng vào quá trình phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của nền kinh tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới đất nước trong hơn 35 năm qua.

Tại Hội thảo, với gần 40 báo cáo, tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học, đến từ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương; Trường Đại học Công đoàn; Viện Công nhân và Công đoàn - Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; Hiệp hội Xi măng Việt Nam; các đồng chí nguyên là lãnh đạo Tổng công ty Xi măng Việt Nam qua các thời kỳ; một số phòng, ban, các cấp ủy đảng, đơn vị thành viên trực thuộc Tổng công ty Xi măng Việt Nam.

Các đại biểu đã tập trung làm rõ những cơ hội, thách thức của ngành xi măng Việt Nam nói chung của Tổng công ty xi măng Việt Nam trong thời kỳ đổi mới nói riêng. 

Trước những khó khăn thách thức như giá nguyên, nhiên liệu đầu vào tăng, các mỏ ngày càng khai thác xuống sâu... đòi hỏi ngành xi măng Việt Nam/ Tổng công ty xi măng Việt Nam cần nỗ lực khắc phục khó khăn và phải có giải pháp đồng bộ theo hướng xanh - bền vững.

Theo đó, ngành Xi  măng nói chung và VICEM nói riêng cần chuyển trọng tâm từ tăng trưởng quy mô sang tái cấu trúc ngành, đổi mới công nghệ và quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển các doanh nghiệp có quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Đẩy mạnh áp dụng khoa học - công nghệ tiên tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm định mức tiêu hao, khai thác và sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên, giảm thiểu tác động đến môi trường.

Đặc biệt, nghiên cứu đẩy mạnh việc sử dụng tro, xỉ, thạch cao nhân tạo, than phẩm cấp thấp trong sản xuất clinker, xi măng.  Đồng thời triển khai  mạnh mẽ và hiêu quả chương trình kinh tế tuần hoàn, xử lý đốt rác thải, sử dụng bùn thải thay thế nguyên, nhiên liệu trong sản xuất xi măng nhằm đem lại hiệu quả kinh tế. xã hội và môi trường.

Hằng Thương