Thừa Thiên - Huế: Các khu tái định cư tiền tỷ hoạt động kém hiệu quả

Tài nguyên - Ngày đăng : 14:18, 17/08/2022

Nhiều khu tái định cư (TĐC) tại huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên- Huế) đang không hiệu quả khi có rất ít người ở, gây lãng phí.

Ban quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, hiện nay trên địa bàn Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đã đầu tư hoàn thành 4 dự án tái định cư với tổng diện tích là 118,4 ha, tổng số lô được đầu tư xây dựng là 1.959 lô. Các khu tái định cư lập nên nhằm xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu nhằm phục vụ nhu cầu tái định cư, ổn định cuộc sống của người dân bị giải tỏa do nhà nước thu hồi đất để xây dựng Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô; ngoài ra hình thành khu dân cư tập trung với hạ tầng Kỹ thuật đồng bộ, khang trang, từng bước xây dựng và hình thành đô thị Chân Mây... Tuy nhiên đến nay đã trải qua một thời gian dài nhưng các khu tái định cư vẫn hoạt động chưa hiệu quả.

Khu TĐC Lộc Vĩnh thuộc xã Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc) được đưa vào sử dụng năm 2012 với diện tích hơn 38 ha, kinh phí xây dựng hơn 117 tỷ đồng. Tọa lạc tại vị trí đắc địa trên trục đường ra cảng biển Chân Mây, khu TĐC này được đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, đường bê tông nhựa, thoát nước, nước sạch… rất khang trang. Sau 10 năm hoàn thành, hiện nơi đây chỉ có khoảng hơn 20% hộ dân sinh sống. Diện tích khu TĐC còn lại đã được phân lô vẫn bỏ hoang.

289594290_1665217287189019_4794581171441219100_n.jpg

Các khu tái định cư ở Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô thưa thớt nhà ở

Ông Lê Công Minh - Chủ tịch UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, khu TĐC Lộc Vĩnh có tổng cộng là 689 lô để bố trí cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án trên địa bàn xã. Tính đến nay, hiện khu TĐC đã cấp cho 205 hộ dân và do có một số dự án chậm triển khai nên tại khu TĐC vẫn còn nhiều lô đất bỏ trống.

Được biết, xã Lộc Vĩnh được quy hoạch là 1 trong 4 xã, thị trấn thuộc Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Gần 20 năm nay, xã Lộc Vĩnh không được quy hoạch sử dụng đất ở. Nhiều gia đình có đất nông nghiệp xin được chuyển đổi qua đất ở cũng không được phép. Hiện người dân trên địa bàn xã không thể tách thửa được, không có đất ở để xây dựng nhà; trong khi đó nhu cầu của người dân ngày càng lớn.

Trong khi đó, khu TĐC Lập An thuộc thị trấn Lăng Cô đưa vào sử dụng năm 2014, với diện tích quy hoạch khoảng 30 ha, tổng kinh phí đầu tư hạ tầng giai đoạn 1 khoảng 43 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng được xây dựng khang trang cũng như khu TĐC Lộc Vĩnh, ở đây được đầu tư xây dựng hoàn thành 315 lô, đến nay chỉ mới bàn giao thực địa 65 lô, còn lại 250 lô.

Theo lãnh đạo UBND thị trấn Lăng Cô, khu TĐC Lập An được xây dựng với mục đích để bố trí TĐC cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi các dự án triển khai trên địa bàn. Qua nắm tình hình, một số hộ dân sau khi được cấp đất TĐC Lăng Cô nhưng vì nhiều lý do, họ đã chuyển nhượng lại cho người khác. Ngoài ra, do một số dự án không triển khai đã bị thu hồi hoặc chậm triển khai nên kéo theo các khu TĐC chưa lấp đầy.

Cùng chung cảnh ngộ, khu TĐC xã Lộc Tiến, Lộc Thủy gần đó cũng được đầu tư nhiều năm nay, tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại chỉ chiếm khoảng 15% hộ dân đến ở, còn lại đang bị bỏ hoang.

294492811_785706999108395_4264882947415375361_n.jpg

Hàng trăm lô đất bỏ hoang trở thành bãi chăn thả trâu, bò

Cụ thể khu TĐC Lộc Tiến có tổng mức đầu tư là khoảng 48 tỷ đồng, đưa vào sử dụng giai đoạn 1 năm 2010, tổng diện tích 21,9 ha, đã được đầu tư xây dựng hoàn thành 395 lô, bàn giao thực địa 59 lô, còn lại 336 lô. Khu TĐC Lộc Thủy đưa vào sử dụng năm 2015, tổng mức đầu tư khoảng 155 tỷ đồng, tổng diện tích 35 ha, đã được đầu tư xây dựng hoàn thành 551 lô, bàn giao thực địa 84 lô, còn lại 467 lô.

Ghi nhận thêm của PV, nhiều khu TĐC sử dụng không hết công suất, không có người ở khiến hàng trăm lô đất bỏ hoang trở thành bãi chăn thả trâu, bò... phá hỏng hạ tầng.

Trước thực trạng các khu TĐC vẫn thưa thớt người dân sinh sống, thậm chí một số khu hiện vẫn để trống trong khi đó nhiều gia đình trên địa bàn một số xã, thị trấn tại Phú Lộc có nhu cầu xin tách hộ, mua đất TĐC để làm nhà nhưng không được đồng ý.

Tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần đề xuất, có nguyện vọng được giải quyết mua đất tại khu TĐC để có chỗ ở ổn định nhưng chưa được giải quyết. Vì vậy, chính quyền các cấp nơi đây mong muốn, cấp trên và chủ đầu tư xem xét bố trí đất TĐC cho những hộ có nhu cầu đất ở...

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc (đơn vị thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trong địa bàn Khu kinh tế Chân Mây- Lăng Cô) cho biết, các khu tái định cư được định hướng lâu dài và việc thừa lô ở các khu tái định cư là không bất ngờ vì vẫn còn nhiều dự án ở địa bàn chưa triển khai. Dự kiến trong thời gian tới, địa bàn Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô khi thực hiện các dự án lớn như Hạ tầng Khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, Khu liên hợp sản xuất, lắp ráp Kim Long Motors Huế, các khu du lịch, nghỉ dưỡng và các dự án tại khu vực cảng Chân Mây... sẽ thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng và phải bố trí tái định cư cho khoảng hơn 2.900 hộ dân. Nếu các hộ có nhu cầu về tái định cư thì đề nghị Ban Quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh giao đất cho UBND huyện Phú Lộc để bố trí cho các hộ dân phải di dời chỗ ở nhằm ổn định cuộc sống.

Văn Dinh