Người dân và doanh nghiệp là nguồn lực quan trọng để Hậu Giang triển khai cam kết của Việt Nam tại COP26

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 10:37, 16/08/2022

(TN&MT) - Tỉnh Hậu Giang đã và đang tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp nhằm góp phần thực hiện hiệu quả các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (BĐKH) của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26).

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang.

PV: Ông có thể cho biết, tỉnh Hậu Giang đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nào để góp phần thực hiện hiệu quả các nội dung mà Việt Nam đã cam kết tại COP26?

Ông Trương Cảnh Tuyên: Thời gian qua, để tham gia lộ trình theo cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về “0” vào năm 2050, tỉnh Hậu Giang đã chủ động chỉ đạo tổ chức thực hiện Công văn số 9289/VPCP-QHQT ngày 21/12/2021 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai kết quả tham dự Hội nghị Thượng đỉnh COP26. Theo đó, tỉnh Hậu Giang đã cập nhật nội dung và ban hành Kế hoạch điều chỉnh, bổ sung Kế hoạch thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2030; tổ chức các lớp tập huấn, hội thi, hội thảo nhằm mục đích đưa nội dung Hội nghị COP26 đến với cộng đồng doanh nghiệp, dân cư trên địa bàn tỉnh.

a1.-ong-truong-canh-tuyen.jpg
Ông Trương Cảnh Tuyên - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang

Đồng thời, tập trung huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội để phổ biến sâu rộng kết quả Hội nghị COP26; cập nhật của Việt Nam trong cộng đồng doanh nghiệp và người dân địa phương cùng tham gia thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; thực hiện rà soát, điều chỉnh quy hoạch, chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho phù hợp với mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; lồng ghép thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 và Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Song song đó, tỉnh Hậu Giang cũng đã triển khai lựa chọn, áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong triển khai thực hiện nhiệm vụ của các lĩnh vực về năng lượng; nông nghiệp; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp; quản lý chất thải; công nghiệp. Riêng ngành nông nghiệp, tỉnh Hậu Giang đã và đang thực hiện các chương trình, dự án, mô hình phát triển sản xuất theo hướng giảm phát thải khí nhà kính như: Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững, dự án gieo trồng đa dạng và thu hoạch an toàn để thích ứng với BĐKH; chuyển đổi lúa 3 vụ sang trồng cây ăn trái, rau màu và nuôi thủy sản; triển khai thí điểm mô hình kinh tế tuần hoàn…

PV: Ông đánh giá như thế nào về vai trò của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thực hiện các nội dung mà Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị COP26?

Ông Trương Cảnh Tuyên: Để góp phần thực hiện được cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26 trên địa bàn tỉnh Hậu Giang thì người dân, doanh nghiệp là một trong những nguồn lực quan trọng. Vì vậy, tỉnh Hậu Giang xác định cần huy động được các nguồn lực này tham gia trong quá trình triển khai thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH cũng như thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong đó, nội dung tuyên truyền Hội nghị COP26 đã được giao cụ thể cho các sở, ban, ngành, địa phương, các cơ quan đoàn thể để triển khai thực hiện và lồng ghép nội dung tuyên truyền ứng phó với BĐKH trong thực hiện “Đề án Hậu Giang Xanh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Tỉnh Hậu Giang sẽ tập trung đổi mới phương pháp thông tin, tuyên truyền, vận động hiệu quả; các ngành, các cấp, cơ quan đoàn thể, cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức xã hội, nghề nghiệp nhất là Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cần đưa nội dung thực hiện cam kết Việt Nam tại Hội nghị COP26 trong kế hoạch thông tin, tuyên truyền và thực hiện nhiệm vụ của đơn vị, tổ chức; đồng thời, thực hiện nhiệm vụ, đề án truyền thông đối với các tổ chức doanh nghiệp, người dân, hội viên các tổ chức hội, đoàn thể để đưa những nội dung cam kết của Việt Nam tại COP26 vào thực tiễn cuộc sống.

Ngoài ra, tỉnh Hậu Giang cũng sẽ rà soát lại các chính sách hiện hành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới công nghệ sản xuất, đầu tư các dự án xanh, năng lượng sạch, thực hiện các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon, phát triển thị trường carbon trong nước để tiếp tục thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia và kiến nghị bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi theo yêu cầu thực tế.

a2.-hau-giang-tap-trung.jpg

Tỉnh Hậu Giang đang tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp góp phần thực hiện hiệu quả các nội dung mà Việt Nam đã cam kết tại COP26.

PV: Thời gian tới, ngoài tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp, Hậu Giang sẽ có những đề xuất, kiến nghị gì đối với các bộ, ngành Trung ương?

Ông Trương Cảnh Tuyên: Thời gian tới, tỉnh Hậu Giang tiếp tục lựa chọn, áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính trong triển khai thực hiện nhiệm vụ các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, quản lý chất thải, công nghiệp; tiếp tục tổ chức lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực tổ chức thực hiện Thỏa thuận Paris về BĐKH; đồng thời, rà soát, đề xuất bổ sung những cơ chế chính sách tạo động lực thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, tận dụng các cơ hội đầu tư do BĐKH mang lại đối với phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; chủ động tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính triển khai Thỏa thuận Paris và các cam kết tại Hội nghị COP26.

Để triển khai thực hiện hiệu quả cam kết của Việt Nam tại COP26, tỉnh Hậu Giang đề xuất, kiến nghị các bộ, ngành Trung ương sớm hoàn thiện các văn bản pháp lý về BĐKH; ưu tiên xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, khu vực tư nhân đối với lĩnh vực có tiềm năng trong giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện nhiệm vụ kiểm kê khí nhà kính và đề xuất giải pháp quản lý phát thải trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

LÊ HÙNG (thực hiện)