Quảng Ngãi: Bảo vệ môi trường sống của san hô

Môi trường - Ngày đăng : 10:35, 16/08/2022

(TN&MT) - Thời gian qua, ô nhiễm môi trường biển cùng với sự khai thác trái phép của con người đã gây suy giảm nghiêm trọng hệ sinh thái rạn san hô trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Bên cạnh các biện pháp, chế tài quản lý, việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển là yếu tố tiên quyết để bảo vệ bền vững hệ sinh thái biển.

Suy giảm rạn san hô

Tại vùng biển Lý Sơn, theo khảo sát đã xác định được 157 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 18 họ. San hô bao phủ hầu như khắp xung quanh đảo. Thế nhưng, những năm gần đây, do sự phát triển đô thị hóa, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nên các công trình, cầu cảng phục vụ phát triển kinh tế du lịch tập trung xây dựng ở khu vực phía Nam, nên một số khu vực san hô ở phía Nam bị tàn phá như khu vực trước, xung quanh cảng Bến Đình, khu vực trước và xung quanh cầu cập An Bình.

San hô khu vực đảo Lý Sơn bị hủy hoại nhiều, diện tích suy giảm đáng kể bởi các tác động từ khai thác cá bằng thuốc nổ, chất độc, neo đậu tàu thuyền,… bên cạnh đó, người dân còn khai thác san hô chết (là chân giá thể để san hô sống bám vào) để bán phục vụ cho nung vôi, làm cảnh. Ngoài ra, hiện nay tại huyện đảo Lý Sơn còn có hiện tượng khai thác cát biển để phục vụ cho trồng tỏi và hành. Đây là nguyên nhân làm cho rạn san hô và cỏ biển bị suy giảm khá nhanh.

sanho.jpg

Quảng Ngãi có hệ sinh thái san hô đa dạng nhưng đang dần suy giảm do tác động của con người.

Tại khu vực thắng cảnh Gành Yến, thôn Thanh Thủy, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, vào năm 2020, khu vực này là điểm nóng về tàn phá san hô. Thời điểm đó, lượng du khách kéo về khu vực này ngày một đông khiến Gành Yến chịu áp lực lớn từ những tác động tiêu cực của con người. Dưới biển, nhiều mảng đá san hô tươi bị dẫm đạp, bẻ gãy không thương tiếc, có nhiều cây san hô không còn cành nào. Trên bờ, rác thải tràn lan, nhiều mảng đá núi lửa triệu năm bị đốt cháy đen, hàng quán nhếch nhác…

Ông Võ Thanh Tùng - Tổ trưởng Tổ bảo vệ san hô Gành Yến, Trưởng thôn Thanh Thủy cho biết, nguyên nhân rạn san hô không còn nguyên vẹn là do tác hại môi trường, du khách đến tham quan, có khi người dân đi lặn nhum, rong mơ, đạp chân vào san hô cũng làm san hô bị gãy, không còn đẹp.

“Hiện tại, trong quá trình trực, nếu phát hiện có người bẻ san hô hoặc hành động gây tổn hại san hô thì chúng tôi vận động trả về chỗ cũ vì hiện tại chưa có hành lang pháp lý, chế tài xử phạt nên giải pháp cũng chỉ dừng lại ở vận động, tuyên truyền”, ông Tùng bày tỏ.

Bảo vệ hệ sinh thái rạn san hô

Trước thực trạng san hô bị suy giảm ngày càng nghiêm trọng đáng báo động như hiện nay, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tăng cường tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến bảo vệ, bảo tồn biển, về ý nghĩa của việc bảo vệ, giữ gìn môi trường sinh thái nói chung, rạn san hô nói riêng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát các hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường biển và các hệ sinh thái rạn san hô trong khu bảo tồn.

“Hiện nay, hai khu vực được giữ gìn bảo vệ và phát huy là khu bảo vệ nghiêm ngặt phía Bắc và phía Nam, khu vực lặn ngắm san hô phía Bắc đảo Bé - An Bình được đội tuần tra của đơn vị và đội chèo thúng, cứu hộ cứu nạn An Bình thường xuyên tuần tra, bảo vệ, giữ gìn và nếu có trường hợp xâm phạm sẽ phối hơp cơ quan chức năng xử lý theo quy định pháp luật”, ông Huỳnh Ngọc Dũng - Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn cho biết.

Được biết, cuối năm 2021, Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) thực hiện chương trình “Giám sát rác thải ngầm trên hệ sinh thái rạn san hô Khu Bảo tồn biển Lý Sơn”. Chương trình đã tiến hành làm sạch rác với hơn 600m chiều dài tại 3 bãi rạn san hô gồm trạm Trố Hòn, trạm cảng Bến Đình, trạm Đình làng An Hải. Đội thợ lặn đã lặn xuống các bãi rạn để vớt rác bị kẹt ở các rạn san hô như lưới, dây ống thở, vỏ lon nước ngọt, dây cước câu, lưỡi câu,… được thải ra từ các nghề khai thác, đánh bắt hải sản và các hoạt động vận tải trên biển.

Hiện nay, rạn san hô ở vùng biển Lý Sơn nằm trong khu vực được bảo tồn. Đối với rạn san hô ở khu vực thắng cảnh Gành Yến, mới chỉ được cộng đồng địa phương tự bảo vệ và đang được khảo sát, định hướng xây dựng phát triển điểm du lịch Gành Yến, trong đó gắn với bảo tồn Gành Yến.

Ông Nguyễn Văn Mười - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi

Qua đó, nhằm tuyên truyền ngư dân, các thuyền viên đi biển ý thức hơn trong sinh hoạt, khai thác, đánh bắt, để môi trường biển không bị ô nhiễm bởi rạn san hô sống đóng vai trò như một khu rừng nhiệt đới dưới biển, nó vừa đóng vai trò điều hòa nhiệt độ, lượng oxy trong nước; chúng là giá thể, là nơi để các sinh vật khác đến trú ngụ, sinh sản, là nơi cung cấp thức ăn và bãi đẻ cho một số loại sinh vật đến định cư.

Khu vực nào có rạn san hô phát triển tươi tốt, độ phủ cao, nơi đó sẽ thu hút nguồn hải sản về định cư, giúp cung cấp nguồn đánh bắt và thực phẩm dồi dào, phong phú, tăng thu nhập cho ngư dân trên đảo sống bằng nghề khai thác thủy sản; cung cấp sinh cảnh đẹp để du khách, tham quan trải nghiệm lặn ngắm san hô và các sinh vật sống trong rạn.

Việc bảo vệ san hô chính là bảo vệ sự sống của các loài sinh vật biển, hạn chế được tác động của biến đổi khí hậu cũng như tạo nguồn sinh kế bền vững cho người dân thông qua các hoạt động khai thác thủy sản hợp lý và khai thác du lịch như lặn ngắm san hô theo đúng pháp luật.

Võ Hà