Kon Tum thực hiện chi trả DVMTR: Đưa chính sách đi vào cuộc sống của người dân thôn, làng

Môi trường - Ngày đăng : 10:35, 16/08/2022

(TN&MT) - Bằng nhiều hình thức tuyên truyền như: băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, sổ tay hay tuyên truyền trực tiếp tại các hội nghị cấp xã…, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thu hút hàng nghìn hộ gia đình và cộng đồng dân cư là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR).

Chi trả DVMTR được xem là một chính sách đột phá ở Việt Nam và được áp dụng rộng rãi trên cả nước. Từ chính sách này, hàng nghìn hộ dân và cộng đồng dân cư sống gần rừng đã tham gia công tác làm nghề rừng, hưởng tiền DVMTR tương ứng với chất lượng rừng được giao bảo vệ.

Tại Kon Tum, chính sách chi trả DVMTR đã được triển khai thực hiện từ năm 2011 đến nay. Nhiều thôn làng ở Kon Tum đã tham gia quản lý, bảo vệ rừng từ những ngày đầu triển khai chính sách này. Đến nay, chính sách chi trả DVMTR đã dần đi vào cuộc sống của người dân và khẳng định được hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng tại tỉnh.

Cùng với đó, nhờ nguồn tiền chi trả DVMTR, đời sống của các hộ dân, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn đã được cải thiện rõ rệt. Không những vậy, các thôn làng, cộng đồng dân cư tham gia quản lý, bảo vệ rừng cũng mang về một nguồn thu ổn định, phát triển kinh tế, góp phần thay đổi bộ mặt thôn làng, cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

mot-buoi-tuyen-truyen.jpg

Một buổi tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR cho người dân tộc thiểu số tham gia quản lý, bảo vệ rừng

Là một trong những cộng đồng dân cư thôn đầu tiên tham gia quản lý, bảo vệ rừng theo chính sách chi trả DVMTR, ngoài 257,12ha rừng được Nhà nước giao đất, giao rừng, thôn Xốp Dùi (xã Xốp, huyện Đăk Glei, Kon Tum) còn nhận khoán bảo vệ hơn 1.762ha rừng (từ năm 2022 nhận khoán hơn 873ha rừng) từ Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh. Từ năm 2016 - 2020, mỗi năm, thôn Xốp Dùi nhận được hơn 730 triệu đồng tiền DVMTR và trở thành nguồn thu ổn định để bà con thêm gắn bó với nghề làm rừng.

Anh A Đoan - Trưởng thôn Xốp Dùi cho biết: “Thôn đã thành lập 15 tổ, trung bình mỗi tổ khoảng 15 - 18 hộ để thay phiên nhau đi tuần tra rừng. Trung bình mỗi tháng, các tổ sẽ đi kiểm tra 3 lần, nếu phát hiện rừng bị xâm hại thì báo cáo ngay cho UBND xã, kiểm lâm địa bàn và chủ rừng. Nguồn tiền DVMTR thu được sẽ chi 30% cho công tác tuần tra, bảo vệ rừng, 15% chi cho các hoạt động chung của thôn, 55% còn lại để làm quỹ cho bà con vay phát triển kinh tế. Nhờ vậy, trách nhiệm của bà con trong quản lý, bảo vệ rừng cũng ngày càng tốt hơn”.

Bằng nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và liên tục được đổi mới, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum đã giúp người dân trên địa bàn hiểu được chính sách chi trả DVMTR, tầm quan trọng của rừng, nhận thức sâu sắc hơn về trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ, phát triển rừng.

Ngoài tuyên truyền bằng pa nô, áp phích treo ở nơi công cộng, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum còn dựng các bảng tuyên truyền ở gần rừng, in tờ rơi về tác dụng của rừng đối với cuộc sống để phát đến tay từng hộ dân, từng người dân; tổ chức nhiều buổi truyền thông trực tiếp, phát sổ tay cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số dễ dàng theo dõi, tìm hiểu.

Ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum cho biết: Để có được kết quả giữ rừng tốt như hiện nay, có phần không nhỏ từ các thôn làng, cộng đồng người dân cùng chung sức, đồng lòng tham gia bảo vệ rừng; nguồn tiền chi trả DVMTR trở thành nguồn thu nhập ổn định, tạo động lực cho bà con giữ rừng.

“Đến nay, nhận thức của người dân về bảo vệ rừng đã tăng lên rõ rệt, diện tích rừng được bảo vệ ngày càng cao. Toàn tỉnh Kon Tum đã có 62 cộng đồng dân cư thôn được Nhà nước giao đất, giao rừng. Tỉnh Kon Tum vẫn đang tiếp tục mở rộng giao rừng cho các thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số để phát huy tính cộng đồng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững” - ông Hồ Thanh Hoàng cho hay.

Quế Mai