Cơ sở dữ liệu đất đai - kết nối quản lý và minh bạch thị trường bất động sản: Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai kết nối Chính phủ số

Tài nguyên - Ngày đăng : 10:34, 16/08/2022

(TN&MT) - Việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai (CSDLĐĐ) đóng vai trò quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hướng đến Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số. Để góp phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tăng tính minh bạch trong quản lý đất đai, Bộ TN&MT đã và đang đôn đốc các địa phương sớm đưa hệ thống CSDLĐĐ vào hoạt động.

Xây dựng CSDLĐĐ với hơn 43 triệu thửa đất

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, Tổng cục đã tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng CSDLĐĐ, phục vụ giải quyết TTHC về đất đai trên môi trường điện tử. Bên cạnh đó, rà soát, đánh giá, xác định TTHC phù hợp triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 và công bố danh mục dịch vụ công tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia nhằm đẩy mạnh việc tiếp nhận hồ sơ TTHC về đất đai trực tuyến để người dân, doanh nghiệp vẫn giải quyết được TTHC nhưng giảm thiểu việc đến nơi nộp hồ sơ.

Tính đến nay, về xây dựng CSDLĐĐ cấp Trung ương, Tổng cục đã xây dựng, hoàn thành 4 khối dữ liệu và bàn giao cho Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu tài nguyên môi trường để chuẩn bị vận hành và kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Tại các địa phương, hiện nay 63/63 tỉnh, thành phố đã và đang triển khai xây dựng CSDLĐĐ, với hơn 43 triệu thửa đất, trong đó, có 217/705 đơn vị hành chính cấp huyện đã hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và đưa vào quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng; 100% Văn phòng Đăng ký đất đai đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai.

anh-bai-truong-giang.jpg

Về kết nối liên thông điện tử trao đổi thông tin dữ liệu đất đai giữa cơ quan đăng ký đất đai và cơ quan thuế: 24/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện; Về thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia: 61/63 tỉnh, thành phố đã thực hiện.

Thời gian tới, hướng tới mục tiêu tạo nền tảng cơ bản cho công tác quản trị đất đai dựa trên hệ thống thông tin đất đai thống nhất trong phạm vi cả nước, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ tham mưu cho Bộ TN&MT để chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện CSDLĐĐ, đồng thời thực hiện tái cấu trúc quy trình TTHC trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia để tiếp tục cải cách, đơn giản hóa TTHC và giảm thiểu hồ sơ, giấy tờ phải nộp nhằm phục vụ người dân thực hiện TTHC về đất đai dưới hình thức áp dụng công nghệ thông tin được nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch trong quá trình thực hiện các TTHC.

Đưa quy định xây dựng vận hành hệ thống thông tin đất đai quốc gia vào Luật Đất đai (sửa đổi)

Để thực hiện nội dung này, Tại chương XI của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang được Bộ TN&MT lấy ý kiến, ngoài các nội dung kế thừa Luật Đất đai năm 2013, căn cứ vào mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương, Bộ TN&MT đề xuất sửa đổi, bổ sung các vấn đề sau: Bổ sung quy định tại khoản 1,2,3 Điều 134 về Hệ thống thông tin Quốc gia về đất đai được thiết kế tổng thể và xây dựng thành một hệ thống tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông trên phạm vi cả nước; quy định CSDLĐĐ được xây dựng, vận hành để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai tại khoản 1,3 Điều 135 tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Đề xuất bổ sung quy định tại Điều 136 Dự thảo Luật về quản lý, kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu Quốc gia về đất đai với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương và quy định về việc khai thác thông tin trong cơ sở dữ liệu Quốc gia về đất đai.

Bổ sung quy định về cung cấp các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực đất đai và trách nhiệm của Bộ TN&MT và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng, tổ chức, hướng dẫn triển khai dịch vụ công trực tuyến về đất đai, bảo đảm tính đồng bộ, kết nối, liên thông tại Điều 137 Dự thảo Luật.

Đề xuất bổ sung quy định tại Điều 138 về việc bảo đảm kinh phí để xây dựng, quản lý, vận hành, khai thác và sử dụng hệ thống thông tin đất đai theo hướng được sử dụng từ nguồn ngân sách Nhà nước, nguồn vốn vay, nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và các nguồn khác theo quy định của pháp luật để đảm bảo mục tiêu hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu vào năm 2025 của Nghị quyết số 18-NQ/TW.

Nghị quyết 18-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin Quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.

Bổ sung quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ TN&MT, các bộ, ngành liên quan và UBND cấp tỉnh trong việc xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tại khoản 1 và khoản 3 Điều 139.

Đây chính là những cơ sở pháp lý cơ bản, quan trọng nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai; kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, địa phương, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số.

Ý kiến từ cơ sở

Ông Hồ Cao Khải - Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai: Giúp quản lý đất chính xác hơn và người dân tìm hiểu nguồn gốc thửa đất dễ dàng hơn

Kết nối chia sẻ, khai thác hệ thống thông tin đất đai bước đầu đã phát huy được tính hiệu quả, cung cấp nhanh thông tin về các thửa đất giúp Nhà nước quản lý và người dân tìm hiểu đất đai thuận lợi hơn. Chẳng hạn, khi người dân muốn tìm hiểu thông tin về mảnh đất mình đầu tư thì chỉ cần vào website của Sở TN&MT tỉnh, vào mục cần tìm, sau đó gõ số thửa đất vào sẽ biết được hiện trạng và tương lai của mảnh đất. Như vậy, người dân sẽ tránh được nhiều rủi ro trong việc đầu tư trên mảnh đất đó. Hiện tỉnh Lào Cai đang thí điểm thực hiện kết nối chia sẻ, khai thác hệ thống thông tin đất đai tại huyện Văn Bàn, huyện Bắc Hà và TP. Lào Cai.

anh-1-7.jpg
Ông Hồ Cao Khải - Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai

Tuy nhiên, quá trình triển khai cho thấy, phần mềm chưa hoàn thiện xây dựng tính năng phân quyền chia sẻ khai thác thông tin dữ liệu cho cơ quan có liên quan phục vụ công tác quản lý Nhà nước và chưa có hướng dẫn về phân quyền chia sẻ khai thác cơ sở dữ liệu, kho lưu trữ dữ liệu TN&MT nên chưa thực hiện chia sẻ liên thông trên hệ thống dữ liệu chung.

Đối với thủ tục liên thông với các cơ quan liên quan như: Phòng TN&MT, Chi cục Thuế, UBND cấp huyện… khi giải quyết hồ sơ bị chậm muộn do lỗi thuộc các cơ quan này, nhưng trên hệ thống phần mềm Igate lại báo thuộc Sở TN&MT (cơ quan tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả) là bất cập, không phản ánh đúng thực tế.

Do đó, tỉnh Lào Cai mong muốn Bộ TN&MT hỗ trợ Sở TN&MT Lào Cai trong việc khắc phục một số hạn chế của phần mềm VNPT-igate. Trường hợp hồ sơ tạm dừng trên phần mềm VNPT-igate tại cơ quan thuế, đề nghị thông báo trên hệ thống cho Trung tâm Phục vụ hành chính công, Văn phòng Đăng ký đất đai để biết lý do.

Ông Phạm Văn Nhiệm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn (Thanh hóa): Đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng đất và nhà đầu tư

Hiện nay, trên địa bàn thị xã Nghi Sơn đã thực hiện thu hồi đất đối với 33 dự án, tổng diện tích thu hồi là 207,14ha. Hoàn thiện hồ sơ trình UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép thực hiện 9 dự án trong năm và bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất năm 2022. Tổ chức xác định giá khởi điểm, phê duyệt phương án đấu giá đất và tổ chức đấu giá thành công tại 6 mặt bằng quy hoạch khu dân cư tại các xã, phường: Hải Nhân, Hải Ninh, Bình Minh, Trường Lâm, Nghi Sơn, Hải Lĩnh với tổng số tiền thu được 292,6 tỷ đồng. Tiếp nhận và xử lý 2.477 hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.

ong-nhiem.jpg
Ông Phạm Văn Nhiệm - Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn (Thanh hóa)

Tuy nhiên, việc xác định nguồn gốc đất trong công tác thu hồi đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn gặp nhiều khó khăn do hồ sơ địa chính không đầy đủ, đặt biệt là các giấy tờ để xác định thời điểm, nguồn gốc sử dụng đất được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013.

Hiện UBND thị xã đã xây dựng và hoàn thiện Kế hoạch sử dụng đất thị xã Nghi Sơn năm 2022; Hoàn thiện việc thống kê đất đai, lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2021 trình UBND tỉnh phê duyệt và cập nhật lên hệ thống phần mềm TK online và cổng thông tin Bộ TN&MT.

Đồng thời, giao phòng TN&MT phối hợp với các ngành hướng dẫn các xã, phường cung cấp đầy đủ thông tin, số liệu, thẩm định nhanh, chính xác hồ sơ cấp quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật. Đồng thời xử lý những vướng mắc, nhất là xác định nguồn gốc, lịch sử về đất đai để đẩy nhanh tiến độ thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhân dân, đảm bảo hài hòa lợi ích của người sử dụng đất và nhà đầu tư.

Ông Phan Châu Tuấn - Công chức Địa chính xã Bảo Thuận (Ba Tri, Bến Tre): Cần đầu tư trang thiết bị công nghệ thông tin cho cán bộ địa chính cấp xã

Trước kia, công chức địa chính xã được trang bị máy vi tính có kết nối phần mềm CSDLĐĐ VLIS. Quá trình sử dụng do chưa được tập huấn thường xuyên nên chưa khai thác được hết chức năng của phần mềm. Ngoài ra, đường truyền đôi khi hoạt động không ổn định, nên chưa thật sự đảm bảo thực hiện tốt công việc.

ong-tuan-dia-chinh-xa-bao-thuan.jpg
Ông Phan Châu Tuấn - Công chức Địa chính xã Bảo Thuận (Ba Tri, Bến Tre)

Vào tháng 5/2022 vừa qua, công chức địa chính cấp xã thuộc các huyện, tỉnh Bến Tre đã được tập huấn phần mềm CSDLĐĐ VBDLIS. Theo Văn bản của Sở TN&MT Bến Tre thì đến ngày 30/9/2022, đường truyền VLIS sẽ ngắt kết nối và được thay thế bởi phần mềm VBDLIS.

Hiện tại, do phần mềm VBDLIS còn khá mới mẻ, tuy đã được tập huấn nhưng vẫn còn khó khăn do mới được khai thác sử dụng bước đầu. Trong khi hệ thống mạng của đường truyền đôi khi còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý vận hành. Ngoài ra, trình độ công nghệ thông tin của cán bộ địa chính trong việc sử dụng và khai thác trên phần mềm VBDLIS còn hạn chế, chưa khai thác hết tối đa chức năng của phần mềm CSDLĐĐ này.

Từ những thực tế và khó khăn trên, góc độ là cán bộ công chức địa chính cấp xã, xin được đề xuất, kiến nghị cấp trên cần có kế hoạch tổ chức đào tạo, tập huấn sử dụng phần mềm quản lý đất đai VBDLIS thường xuyên để cán bộ địa chính cấp xã thành thạo, tổ chức thực hiện việc vận hành và khai thác CSDLĐĐ hiệu quả, chất lượng công việc cao hơn.

Bên cạnh đó, chú trọng đầu tư trang bị thiết bị công nghệ thông tin cho cán bộ địa chính xã để phục vụ khai thác CSDLĐĐ. Đồng thời, phân công cán bộ chuyên môn theo dõi, hỗ trợ và hướng dẫn cho địa phương về chuyên môn, nghiệp vụ, để giúp cấp cơ sở từng bước thực hiện việc khai thác cơ sở dữ liệu về đất đai một cách có hiệu quả nhất.

Bích Hợp - Lê Thủy - Thanh Bạch (lược ghi)

Trường Giang