Hà Tĩnh sau 12 năm thực hiện Luật Khoáng sản 2010: Phát huy lợi thế khoáng sản làm vật liệu xây dựng để phát triển kinh tế - xã hội

Khoáng sản - Ngày đăng : 10:32, 16/08/2022

Luật Khoáng sản 2010 đi vào thực tiễn cuộc sống đã giúp địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, đặc biệt, nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng, từng bước đáp ứng nhu cầu thực tiễn, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý

Hà Tĩnh được đánh giá là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khá phong phú và đa dạng, phân bố ở hầu khắp các huyện. Theo khảo sát của Sở TN&MT, trên địa bàn tỉnh có 121 khu vực mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng diện tích 6.193ha.

Với việc thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, ngành TN&MT Hà Tĩnh đã từng bước đưa lĩnh vực này đi vào nền nếp, tăng nguồn thu cho ngân sách, đáp ứng nhu cầu xây dựng các công trình trọng điểm. Tỉnh xác định đây là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thực hiện Luật Khoáng sản 2010 và các quy định pháp luật có liên quan, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường triển khai đầy đủ, toàn diện các công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản theo quy định. Chính vì lẽ đó, bước đầu ngăn chặn tình trạng vi phạm, tham nhũng trong lĩnh vực khoáng sản, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

hoat-dong-khai-thac-khoang-san..jpg

Hoạt động khai thác đá đang góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên thời gian qua, số lượng mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác còn khá hạn chế. Điều này ít nhiều khiến nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, dẫn tới tình trạng khai thác khoáng sản trái phép ở một số địa phương.

Trước thực trạng này, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Sở TN&MT phối hợp với công ty đấu giá tổ chức đấu giá thành công 15 mỏ khoáng sản (1 mỏ đất sét, 3 mỏ cát, 11 mỏ đất san lấp) vào đầu năm 2021.

Trên thực tế, Hà Tĩnh hiện có 76 mỏ khai thác vật liệu xây dựng thông thường phân bố ở 12 huyện, thị xã. Trong quá trình thẩm định, cấp phép, Sở TN&MT đã rà soát kỹ các vấn đề liên quan tới quốc phòng - an ninh, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, cảnh quan môi trường.

Hằng năm, để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản, tỉnh đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các quy định trong khai thác, sử dụng khoáng sản, đặc biệt là nghĩa vụ tài chính của các chủ Giấy phép khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, hiện nhiều doanh nghiệp đang nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, nhất là các đơn vị khai thác đá xây dựng trên địa bàn phía Nam huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh.

Khai thác giá trị nguồn lực

Báo cáo nhiệm vụ, triển khai công tác của ngành TN&MT Hà Tĩnh cho thấy: Dựa vào dự thảo quy hoạch tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030 trên địa bàn sẽ đầu tư xây dựng nhiều công trình, khu đô thị, khu công nghiệp, khu kinh tế nên nhu cầu về nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong những năm tới rất lớn, lên tới 85 triệu m3.

Để đáp ứng nguồn cung vật liệu xây dựng, trên cơ sở đề xuất của các địa phương và qua rà soát sơ bộ, Sở TN&MT Hà Tĩnh đã bổ sung thêm 3 khu vực đá xây dựng, diện tích 73,2ha, tài nguyên dự báo 10,9 triệu m3; đất san lấp 34 khu vực, diện tích 495,9ha, tài nguyên dự báo 59,2 triệu m3; cát, sỏi xây dựng 7 khu vực, diện tích 29ha, tài nguyên dự báo 1 triệu m3.

Hà Tĩnh được Bộ TN&MT đánh giá là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác đấu giá khoáng sản trong cả nước. Việc đấu giá mỏ khoáng sản không chỉ góp phần tăng thu ngân sách, hoạt động đấu giá còn tạo “sân chơi” bình đẳng, công bằng, minh bạch giữa các doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Thành - Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN&MT Hà Tĩnh

Sở TN&MT Hà Tĩnh cũng khuyến khích các đơn vị tận dụng các loại vật chất nạo vét của các bến cảng, nhà máy nhiệt điện (4,8 triệu m3/năm); các loại chất thải rắn (tro bay, tro đáy, xỉ thép với 2,4 triệu m3/năm) trong khu kinh tế Vũng Áng, đã được các ngành chức năng công bố hợp quy, hợp chuẩn, đảm bảo làm sản phẩm hàng hóa, thay thế dần cho vật liệu san lấp truyền thống, góp phần bảo vệ môi trường.

Với việc chủ động nguồn cung vật liệu xây dựng thông thường trước khi triển khai thi công sẽ tránh tình trạng khan hiếm, làm chậm tiến độ các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn Hà Tĩnh. Điều này là hết sức quan trọng, thu hút thêm các nhà đầu tư, doanh nghiệp, đơn vị có năng lực tìm kiếm cơ hội đầu tư dự án, công trình, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Hà Tĩnh.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh): Nhu cầu khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường rất lớn

Nhu cầu vật liệu trên địa bàn rất lớn, đặc biệt xây dựng các công trình nông thôn mới, các dự án cần đất san lấp, cát đá… Trước tình hình đó, địa phương đã triển khai, phối hợp với các đơn vị có liên quan đưa vào quy hoạch, đấu giá nhằm đáp ứng nhu cầu.

anh-4-ong-nguyen-trong-nghia-truong-phong-tai-nguyen-va-moi-truong-huyen-vu-quang-ha-tinh-.jpg
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng Phòng TN&MT huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh)

Đặc biệt đất san lấp, cát với lợi thế địa bàn có 30km đường sông, nhiều đồi núi có thể đưa vào quy hoạch các mỏ đất đạt chất lượng. Phát huy lợi thế đó, năm 2021, Hà Tĩnh đã đưa vào đấu giá thành công 1 mỏ đất, 3 mỏ cát trên địa bàn huyện Vũ Quang và đến thời điểm này đã hoàn thành các thủ tục cấp phép, chuẩn bị cho đi vào hoạt động. Các mỏ đất, cát khi đi vào hoạt động không những đáp ứng nhu cầu xây dựng trên địa bàn huyện cũng như các huyện lân cận mà còn góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Tuy rằng nhu cầu lớn, nguồn lực dồi dào nhưng về công tác quản lý Nhà nước, huyện Vũ Quang luôn thực hiện nghiêm ngặt Luật Khoáng sản 2010, không để các doanh nghiệp tự do thực hiện không đúng quy trình. Thời gian qua, chúng tôi cũng đã vào cuộc quyết liệt, yêu cầu các mỏ chấp hành quy định, quy trình khai thác, trường hợp không chấp hành sẽ tạm đình chỉ khai thác. Quan điểm không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế.

Mặt khác, qua 12 năm thực hiện Luật Khoáng sản, hiện nay địa phương gặp một số khó khăn. Đơn cử như, xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ nguồn đóng góp của người dân, bên cạnh đó nguồn vật liệu sẵn có trên địa bàn rất lớn. Nhưng Luật Khoáng sản không cho phép, tuy rằng rất nhỏ. Chính vì thế huyện cũng kiến nghị các cấp chính quyền nên tháo gỡ vấn đề này.

Ông Nguyễn Ngọc Lân - Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Can Lộc (Hà Tĩnh): Xóa bỏ cơ chế “xin - cho” để tạo nguồn thu cho ngân sách

Can Lộc là địa phương có tài nguyên khoáng sản khá lớn, tập trung chủ yếu ở vùng ven chân núi Hồng Lĩnh và vùng Trà Sơn. Từ năm 2011 đến nay, UBND tỉnh cấp giấy phép cho 11 doanh nghiệp vào đầu tư khai thác, chế biến khoáng sản tại 11 mỏ khoáng sản với tổng diện tích 44,75ha. Các khu vực khai thác, chế biến khoáng sản tập trung chủ yếu ở các xã: Thiên Lộc, Vượng Lộc, Thuần Thiện, Phú Lộc và Thượng Lộc.

anh-5-ong-nguyen-ngoc-lan-pho-phong-tai-nguyen-va-moi-truong-huyen-can-loc-ha-tinh.jpg
Ông Nguyễn Ngọc Lân - Phó Trưởng Phòng TN&MT huyện Can Lộc (Hà Tĩnh)

Theo Luật Khoáng sản 2010, nhằm quản lý tốt tài nguyên khoáng sản ở địa phương, có hai điểm nổi bật đó là quy định cấp giấy phép khai thác khoáng sản qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Trên cơ sở này, cơ bản xóa bỏ cơ chế “xin - cho” vốn đã tồn tại nhiều năm, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.

Dù vậy, vẫn còn một số hạn chế như, người dân có đất vườn nằm ở ven đồi, chân núi, quá trình làm nhà gặp khó khăn khi có nhu cầu cải tạo, vận chuyển đất dư thừa với số lượng ít để làm nhà. Vậy nhưng, Luật Khoáng sản 2010 chưa quy định cụ thể đối với những đối tượng này, dẫn đến quá trình quản lý khoáng sản đất san lấp ở địa phương gặp nhiều trở ngại.

Mặt khác, một số mỏ khai thác khoáng sản đã hết thời hạn giấy phép nhưng chưa thực hiện các hồ sơ, thủ tục đóng cửa mỏ, phục hồi môi trường theo quy định. Thực tế đang gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và mất an toàn cho người và gia súc tại khu vực mỏ nhưng hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý các doanh nghiệp này.

Ông Mai Quốc Quân - Giám đốc Công ty CP Hồng Vượng: Cần nhìn nhận khách quan để bảo vệ quyền lợi cho doanh nghiệp khai thác

Công ty Cổ phần (CP) Hồng Vượng hoạt động trong lĩnh vực khai thác khoáng sản trên 10 năm nay, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho khoảng 100 lao động, thu nhập bình quân đầu người bình quân 8 triệu đồng/tháng, đóng nộp ngân sách hàng năm 3 - 4 tỷ đồng cho địa phương. Công ty cũng không ngừng cải tiến dây chuyền hiện đại để đáp ứng chế biến sâu.

anh-6-mai-quoc-quan-giam-doc-cong-ty-cp-hong-vuong.jpg
Ông Mai Quốc Quân - Giám đốc Công ty CP Hồng Vượng

Trong hoạt động, Công ty CP Hồng Vượng luôn đề cao đảm bảo an toàn lao động một cách tuyệt đối, đảm bảo công tác bảo vệ môi trường, thực hiện theo cam kết đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, Công ty luôn ý thức việc phối với địa phương để vấn đề hoạt động không ảnh hưởng đến môi sinh, môi trường.

Hiện nay thực trạng chung, doanh nghiệp khai thác khoáng sản đang bị ảnh hưởng trực tiếp của tải trọng. Đáng lẽ, vấn đề này thuộc phạm trù của khách hàng, nếu áp dụng cho các đơn vị mỏ gây ảnh hưởng rất lớn về hiệu quả, doanh nghiệp rất khó quản lý, được lợi cho khách hàng thì không đúng theo quy định quản lý Nhà nước, được Nhà nước thì mất khách hàng. Do vậy, cần có sự nhìn nhận khách quan hơn về vấn đề này.

Mặt khác, trong vấn đề thanh, kiểm tra, đơn vị luôn hợp tác chặt chẽ, không những vậy, chúng tôi còn chấp hành nghiêm suốt quá trình hoạt động. Thế nhưng, thực tế công tác thanh tra, kiểm tra hiện nay còn chồng chéo. Chúng tôi cũng mong rằng trong thời gian tới, các cấp chính quyền, sở, ngành cần có những đổi mới trong quản lý, một năm thanh tra, kiểm tra không quá 1 - 2 lần để đảm bảo cho doanh nghiệp dành thời gian điều hành sản xuất, phát triển, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu quy định của pháp luật và quản lý của Nhà nước.

Nguyễn Đức