Sơn La: Chủ động ứng phó BĐKH, tăng cường quản lý tài nguyên, BVMT

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 19:37, 15/08/2022

(TN&MT) - Thực hiện Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị về chủ động ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, những năm qua, tỉnh Sơn La đã xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh triển khai thực hiện trên nhiều lĩnh vực. Bước đầu, ghi nhận một số kết quả tích cực.

Lồng ghép mục tiêu ứng phó BĐKH vào quy hoạch phát triển

Theo Sở TN&MT Sơn La, thời gian qua, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường, nhận thức, hành động trước tác động của BĐKH với đời sống, sự phát triển KT-XH đất nước. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực, các địa phương đã quan tâm đến BĐKH, các tác động của BĐKH, hình thành ý thức bảo vệ tài nguyên, môi trường, khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên. Các tầng lớp nhân dân có có ý thức hơn trong sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

a1.jpg

Thời gian qua, tỉnh Sơn La đã bố trí vốn đầu tư thực hiện nhiều dự án kè suối để phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó BĐKH.

Chủ động thích ứng BĐKH, tỉnh đã tiếp tục triển khai rà soát, hỗ trợ di dời dân cư ra khỏi các vùng có nguy cơ cao khi xảy ra lũ quét, sạt lở bờ sông, suối; sạt lở núi, đất và các nguy cơ thiên tai. Từ năm 2021 đến nay, các huyện, thành phố đã rà soát, cập nhật 20 dự án sắp xếp ổn định dân cư vùng thiên tai để bố trí đất ở, đất sản xuất cho người dân vào Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 và được UBND tỉnh phê duyệt.

Các đồ án quy hoạch xây dựng đã lồng ghép các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể về tăng trưởng xanh, ứng phó BĐKH, phòng chống thiên tai, bảo vệ môi trường vào quy hoạch đảm bảo phát triển đô thị, nông thôn một cách hài hòa, bền vững. Nâng cao tỷ lệ phủ kín quy hoạch, phù hợp chương trình phát triển đô thị của tỉnh. Đến nay, 12/12 huyện, thành phố đã có quy hoạch chung xây dựng đô thị, tỷ lệ phủ kín quy hoạch phân khu đạt khoảng 52,2%; tỷ lệ phủ kín quy hoạch chi tiết đạt khoảng 34,93%.

Công tác thu hút đầu tư được thực hiện trên quan điểm sàng lọc, lựa chọn đầu tư phát triển dựa trên các tiêu chí về môi trường trong cấp chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư các dự án. Chú trọng các giải pháp ứng dụng khoa học, công nghệ, quy trình sản xuất tiên tiến, thích ứng BĐKH, giảm nhẹ thiên tai, giảm ô nhiễm. Kiên quyết không trình, cấp chủ trương đầu tư các dự án có công nghệ thấp, nguy cơ gây ô nhiễm.

UBND tỉnh đã chỉ đạo thẩm định chủ trương đầu tư, bố trí vốn đầu tư thực hiện các dự án hồ đập, kè suối thuộc các chương trình phòng chống bão lũ, giảm nhẹ thiên tai giai đoạn 2021-2025, gồm: Kè suối Nậm La thành phố Sơn La; kè chống lũ, sạt lở đất và hạ tầng kỹ thuật khu dân cư dọc suối Muội, huyện Thuận Châu giai đoạn II; kè sạt lở, ngập úng trung tâm hành chính huyện Vân Hồ…

Cùng với đó, tiếp tục tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, chủ động phòng chống và giảm nhẹ thiên tai. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 179 trạm quan trắc KTTV, trong đó, có 49 trạm do Đài KTTV Tây Bắc quản lý; 35 trạm đo mưa tự động, 5 trạm thủy văn phục vụ PCTT; 6 trạm khí tượng cảnh báo cháy rừng…

Đến nay, tỉnh Sơn La đã ban hành các kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính, tăng cường hấp thụ khí nhà kính của các hệ sinh thái. Xây dựng các phương án bảo vệ rừng từ cấp tỉnh đến huyện, xã; củng cố, duy trì hoạt động của 2.789 tổ đội quần chúng bảo vệ rừng, PCCCR ở cơ sở. Thực hiện bảo tồn đa dạng sinh học các khu rừng đặc dụng, phòng hộ trên toàn tỉnh…

a2.jpg

Sơn La triển khai rà soát, bổ sung quy hoạch các điểm mỏ cát trên sông Đà.

Quản lý hiệu quả các nguồn lực tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường

Song song với nhiệm vụ ứng phó BĐKH, công tác quản lý, sử dụng đất đai ngày càng hiệu quả, tiết kiệm hơn. Nguồn lực đất đai được huy động khá hợp lý, đã chuyển đổi diện tích đất nương rẫy hiệu quả kinh tế thấp sang đất trồng cây lâu năm, tạo ra những vùng cây ăn quả, chè, cafe, cao su có hiệu quả kinh tế cao. Hoàn thành điều tra thoái hóa đất kỳ đầu; điều tra, đánh giá chất lượng, tiềm năng đất đai; đang thực hiện điều tra, đánh giá ô nhiễm đất, phân hạng đất nông nghiệp lần đầu… Thực hiện nghiêm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, công bố công khai theo quy định. Đẩy mạnh cấp GCNQSDĐ, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai; kiểm tra, xử lý vi phạm về đất đai...

Công tác quản lý tài nguyên nước, toàn tỉnh có 175 giấy phép tài nguyên nước còn hiệu lực. Đã thực hiện khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước; phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt tại 72 công trình; lập, công bố danh mục hồ ao không được san lấp; rà soát, trám lấp 61 giếng không sử dụng...

Công tác quy hoạch khoáng sản được triển khai đồng bộ, hiệu quả, ưu tiên phát triển mỏ với các vùng nguyên liệu tập trung gắn với nhu cầu sử dụng VLXD thông thường để phát triển KT-XH. Toàn tỉnh đã quy hoạch trên 150 mỏ khoáng sản, chủ yếu làm VLXD thông thường. Công tác quản lý cấp phép hoạt động khoáng sản được tăng cường, chất lượng thẩm định được nâng cao; kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô công nghệ khai thác, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, tiên tiến, thu hồi tối đa khoáng sản, tránh thất thoát, lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hoàn thành khoanh định các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản. Kịp thời ngăn chặn khai thác khoáng sản trái phép, nâng cao vai trò, trách nhiệm các cấp về bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

a3.jpg

Tăng cường các giải pháp phòng ngừa, kiểm soát, bảo vệ môi trường trong sản xuất, kinh doanh.

Công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, Sở TN&MT đã rà soát, phân loại các cơ sở được phê duyệt Báo cáo ĐTM, đề án bảo vệ môi trường theo 3 loại, gồm: Cơ sở đảm bảo điều kiện hoạt động, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm, cơ sở có vi phạm quy định về bảo vệ môi trường để tổ chức kiểm tra, hậu kiểm, kiểm soát ô nhiễm. 

Triển khai đồng bộ các giải pháp để chủ động phòng ngừa, kiểm soát, bảo vệ môi trường trong chế biến nông sản, chăn nuôi. Đã phê duyệt, triển khai thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường, chương trình kiểm soát ô nhiễm; duy trì quan trắc chất lượng môi trường hàng năm. Tăng cường thu gom, xử lý chất thải sinh hoạt; quản lý chất thải nguy hại; xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Xây dựng nhà máy xử lý, chế biến rác thải ở một số huyện, thành phố. Thông tin, dữ liệu về chất lượng môi trường được thu thập, cập nhật, cung cấp kịp thời, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ môi trường, phát triển KT-XH của tỉnh….

Nguyễn Nga