Tiết kiệm điện hiệu quả góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 14:00, 15/08/2022

(TN&MT) - Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025, cả nước phấn đấu đạt mức tiết kiệm tối thiểu từ 2% tổng điện năng tiêu thụ quốc gia. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an ninh cung ứng điện quốc gia, bảo vệ môi trường và đóng góp cho mục tiêu phát thải ròng khí nhà kính về 0 của Việt Nam.

Chính sách tiết kiệm điện phát huy hiệu quả

Số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, giai đoạn 2010 – 2021, cả nước tiết kiệm được 37,1 tỷ kWh điện, tương ứng với gần 67 tỷ đồng tiền điện. Kết quả tiết kiệm điện năm sau cao hơn năm trước, với mức tiết kiệm bình quân/năm tương ứng 2% điện thương phẩm. Điều này cho thấy, các chính sách về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nói chung, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả nói riêng đã đi vào cuộc sống. Người dân, doanh nghiệp đã ý thức tốt hơn và thực thi được nhiều giải pháp hiệu quả hơn. Đây cũng là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 - 2025 (Chương trình Tiết kiệm điện), mục tiêu hàng năm tiết kiệm tối thiểu 2% tổng điện năng tiêu thụ toàn quốc.

Theo dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Kết quả đánh giá của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về kế hoạch cung cấp điện giai đoạn 2020-2025, việc đảm bảo cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chỉ tính riêng tháng 6/2022, công suất tiêu thụ điện toàn quốc lần đầu tiên vượt 45.000MW và thiết lập mức đỉnh kỷ lục mới với con số là 45.528MW. Sản lượng điện ngày toàn hệ thống điện quốc gia lần đầu tiên vượt 900 triệu kWh, vượt xa mức đỉnh năm 2021 là 880 triệu kWh. Trong bối cảnh tốc độ xây dựng các nhà máy điện đang bị chậm tiến độ, chi phí nhập khẩu năng lượng gia tăng, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

dien_copy.jpg
Dự báo trong 5 năm tới, nhu cầu điện năng vẫn tăng trưởng ở mức khoảng 8,5%/năm. Ảnh minh họa

Mặc dù vậy, nhìn nhận những khó khăn qua hơn 2 năm thực hiện Chương trình Tiết kiệm điện theo Chỉ thị 20, Bộ Công Thương nhận định, do giá điện hiện hiện tại của nước ta còn thấp, chi phí điện năng trong cơ cấu giá thành sản xuất còn thấp dẫn đến nhận thức của người dân và doanh nghiệp về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả còn chưa đồng đều. Công tác quản lý, giám sát sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại nhiều đơn vị, cơ quan, tổ chức còn chưa được quan tâm đúng mức, chưa sát sao trong tổ chức thực hiện Chỉ thị số 20. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch còn chậm và chưa thực sự theo hướng sử dụng năng lượng có hiệu quả.

Cụ thể hơn, theo EVN, việc chậm ban hành các quy định, hướng dẫn về định mức tiêu hao năng lượng, danh mục và lộ trình phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng phải loại bỏ dẫn tới thiếu các rào cản kỹ thuật để hạn chế các công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu vào Việt Nam. Thực tế, ở Việt Nam, vẫn còn nhiều doanh nghiệp sử dụng dây chuyền, công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, điển hình là các nhà máy xi măng, nhà máy thép…

Bên cạnh đó, doanh nghiệp mong đợi các cơ chế khuyến khích của Nhà nước để thúc đẩy SDNLTK&HQ như giảm/miễn/khấu trừ thuế cho các thiết bị tiết kiệm năng lượng hiện nhưng chưa được cụ thể hóa, chưa có văn bản hướng dẫn từ cơ quan quản lý Nhà nước; chưa cụ thể hóa cơ chế ưu đãi vay vốn cho các doanh nghiệp sản xuất - công nghiệp và thương mại để thực hiện các giải pháp SDNLTK&HQ.

Huy động toàn dân tham gia tiết kiệm điện

Để đạt được các mục tiêu tiết kiệm điện, Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 20 trong thời gian tới hướng tới huy động toàn thể người dân, các tổ chức, cá nhân sử dụng điện phải có trách nhiệm trong việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Các hoạt động tiết kiệm điện phải được thực hiện thường xuyên, liên tục tại các cơ quan, công sở, tòa nhà văn phòng, trường học, bệnh viện...; trong chiếu sáng công cộng, chiếu sáng cho mục đích quảng cáo, trang trí ngoài trời, chiếu sáng giao thông; thực hiện tiết kiệm điện tại các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh thương mại và dịch vụ, cơ sở sản xuất... Từ đó, tạo nên ý thức tự giác trong mọi hoạt động của xã hội, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng phát triển bền vững.

pc_lam_dong_2.jpg
Hoạt động tuyên truyền tiết kiệm điện cần được triển khai sâu rộng trên phạm vi cả nước trong thời gian tới. Ảnh minh hoạ

Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; tăng cường quản lý Nhà nước về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; xây dựng chương trình chuyển đổi thị trường cho sản phẩm tiết kiệm điện và hỗ trợ xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình tiết kiệm điện hiệu quả trong lĩnh vực chiếu sáng nông nghiệp, trường học, thủy sản, thương mại và dịch vụ...

Để triển khai tốt các mục tiêu tiết kiệm điện nói riêng, tiết kiệm năng lượng nói chung trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác kiểm tra, đôn đốc, thực hiện thành công các mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 20/CT-TTg. Đồng thời, định kỳ tổ chức họp rà soát, đánh giá triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030 và chương trình tiết kiệm điện.

Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sớm ban hành hướng dẫn về cơ chế tài chính để các Bộ, ban, ngành và các địa phương có căn cứ trong việc lập kế hoạch, bố trí kinh phí và triển khai thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030; giao Bộ Khoa học và Công nghệ có chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan rà soát bổ sung, xây dựng và ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về hiệu suất năng lượng đối với các thiết bị tiêu thụ điện.

Bên cạnh đó, Bộ cũng kiến nghị phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các Đài phát thanh, truyền hình và các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương xây dựng và thực hiện liên tục các chương trình phát thanh và truyền hình về tiết kiệm điện, áp dụng đơn giá phù hợp cho việc tuyên truyền, phổ biến về tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phối hợp cùng UBND các tỉnh, thành phố xây dựng mục tiêu Chương trình Tiết kiệm điện cho địa phương và gắn trách nhiệm hành chính của người đứng đầu cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương trong việc thực hiện mục tiêu đó…

Để đạt được mục tiêu chung, trong giai đoạn 2020-2025, hàng năm các lĩnh vực phải đạt mục tiêu cụ thể:

- Giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6,5% trong giai đoạn 2020-2025.

- Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tiết kiệm điện trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng phải đảm bảo tối thiểu tiết kiệm 20% tổng điện năng tiêu thụ trong giai đoạn 2020 – 2025. Triển khai các giải pháp công nghệ tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, sử dụng thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm điện cho 100% công trình chiếu sáng công cộng chuẩn bị đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp

- Lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch tiết kiệm tối thiểu 2 % tổng điện năng tiêu thụ của lĩnh vực.

- Lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp tiết kiệm tối thiểu 2 % tổng điện năng tiêu thụ của lĩnh vực.

- Lĩnh vực dân dụng tiết kiệm tối thiểu 2,5% tổng điện năng tiêu thụ

Khánh Ly