Thừa Thiên – Huế: Xử lý nghiêm các sai phạm trong khai thác khoáng sản
Tài nguyên - Ngày đăng : 14:17, 14/08/2022
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 65 mỏ khoáng sản đang hoạt động khai thác. Tỉnh đã cấp 29 giấy phép thăm dò khoáng sản, 40 giấy phép khai thác khoáng sản với tổng diện tích 294 ha, trữ lượng địa chất khoảng hơn 14 triệu m3.
Trong quá trình thực hiện khai thác, phần lớn các doanh nghiệp chấp hành nghiêm quy định pháp luật về thủ tục về xin giấy phép thăm dò cũng như hoạt động khai thác. Tuy nhiên, do công tác theo dõi, quản lý còn buông lỏng, thiếu chặt chẽ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp khai thác trái phép khoáng sản vẫn còn diễn ra. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra xử lý các hành vi khai thác khoáng sản gặp nhiều khó khăn khi một số đơn vị, cá nhân lợi dụng việc xin phép cải tạo đất trong sản xuất nông nghiệp để khai thác vận chuyển trái phép đất san lấp. Đặc biệt, có một số doanh nghiệp trong quá trình khai thác mỏ đã lợi dụng khai thác ra ngoài phạm vi được cấp phép để tăng thu lợi nhuận.
Sở TN&MT Thừa Thiên – Huế thông tin, từ năm 2016 – 2021 đã thực hiện 42 cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn tỉnh đối với 95 tổ chức, liên danh và 61 cá nhân. Trong đó, đã thanh tra, kiểm tra đối với 51 mỏ được cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Sở đã ban hành 82 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản với tổng số tiền xử phạt 1.311.500.000 đồng. Đồng thời, chuyển Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền trong lĩnh vực khoáng sản đối với 22 tổ chức với tổng số tiền xử phạt 6.880.000.000 đồng; tước 5 giấy phép khai thác khoáng sản đối với 5 mỏ và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tịch thu khoáng sản được quy đổi bằng tiền với tổng số tiền 1.515.224.000 đồng.
Về công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động khai thác khoáng sản, Sở TN&MT đã kiểm tra và phát hiện 10 trường hợp vi phạm quy định về bảo vệ môi trường, ban hành 9 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường đối với 9 tổ chức với tổng số tiền xử phạt 530.000.000 đồng. Đồng thời, chuyển Chủ tịch UBND tỉnh xử phạt theo thẩm quyền đối với 1 tổ chức với tổng số tiền xử phạt 240.000.000 đồng, đình chỉ hoạt động có thời hạn đối với 1 mỏ. Các hành vi vi phạm chủ yếu như không báo cáo kết quả giám sát chất thải định kỳ; không thực hiện một trong các nội dung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; không xây lắp công trình bảo vệ môi trường; tự ý đưa các công trình xử lý chất thải vào vận hành thử nghiệm khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền...
Đặc biệt, tỉnh Thừa Thiên - Huế hiện có 15 khu vực mỏ hết thời gian khai thác nhưng doanh nghiệp chưa lập đề án đóng cửa mỏ trình UBND tỉnh phê duyệt. Một số trường hợp chưa hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, thuê đất nhưng đã tiến hành khai thác khoáng sản.
Ông Hồ Đắc Trường, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, qua công tác kiểm tra thực tế, lực lượng đơn vị đã phát hiện nhiều doanh nghiệp chưa hoàn tất thủ tục thuê đất trước khi thực hiện khai thác mỏ, khai thác vi phạm về độ sâu và phạm vi được cấp phép.
“Ngoài ra, trong quá trình khai thác, các chủ mỏ chưa đáp ứng quy định khai thác mỏ, quá trình vận chuyển để vật liệu rơi vãi, chưa lắp đặt trạm cân, không tưới nước trên quảng đường vận chuyển dẫn đến bụi bặm, ô nhiễm. Tất cả những trường hợp vi phạm này đều đã được xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, ông Trường khẳng định.
Thời gian tới, Sở TN&MT sẽ rà soát, cân đối nhu cầu cung ứng để quy hoạch, cấp phép tránh tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng thông thường, nhất là đất làm vật liệu san lấp. Đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ khoáng sản đến tổ chức, cá nhân đang hoạt động khoáng sản và các tổ chức chính trị xã hội liên quan nhằm đồng hành phối hợp trong quản lý. Đồng thời, đề xuất với Bộ TM&MT xem xét quy định pháp luật về lắp đặt camera, trạm cân đối với mỏ đất làm vật liệu san lấp. Tăng cường kiểm tra, thanh tra hoạt động khoáng sản. Đề xuất bổ sung, điều chỉnh nội dung văn bản quy định của pháp luật đủ sức răn đe, nhất là quy định về xử lý hình sự trong khai thác khoáng sản trái phép.
Không chỉ quản lý trong mỏ, UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng yêu cầu các địa phương, sở ngành tăng cường thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát tải trọng xe trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với lực lượng công an, các địa phương nơi có các mỏ vật liệu đang khai thác, các công trình, dự án đang xây dựng, san lấp mặt bằng... tổ chức họp, mời đại diện các đơn vị, doanh nghiệp khai thác mỏ vật liệu, kinh doanh vận tải trên địa bàn, thực hiện ký cam kết về chấp hành các quy định của pháp luật về xếp, dỡ, vận chuyển hàng đúng tải trọng cho phép khi tham gia giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn quản lý.
Liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh, ông Phan Quý Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh sẽ tiếp tục theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị, địa phương, ngành TN&MT tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình hoạt động tại các mỏ khai thác khoáng sản được cấp phép. Đồng thời chỉ đạo chính quyền các xã, phường nâng cao vai trò, trách nhiệm hơn nữa trong công tác quản lý, giám sát việc khai thác khoáng sản, công tác hoàn thổ sau khai thác và phát huy vai trò giám sát của nhân dân, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân tại các khu vực tiếp giáp, lân cận khu vực khai thác khoáng sản để kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh.