Yên Bái: Chủ động ứng phó với thiên tai

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 15:10, 12/08/2022

Những năm qua, tỉnh Yên Bái thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai gây ra, đặc biệt trong mùa mưa bão đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản. Ngay từ đầu năm 2022 tỉnh Yên Bái đã chủ động ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại thấp nhất do thiên tai gây ra.

Ngay từ đầu năm 2022 thời tiết có nhiều diễn biến bất thường, trong mùa mưa thường kèm theo giông lốc, sét đánh cùng với đó gây ra các trận lũ ống, lũ quét và sạt lở đất tại nhiều địa phương trong tỉnh, đặc biệt là những huyện vùng cao của tỉnh. Khi xảy ra thiên tai, các huyện vùng cao thường có địa hình phức tạp như: Đồi núi cao, suối sâu…qua đó rất khó khăn trong công tác tìm cứu cứu hộ, cứu nạn.

fb_img_1654047262979.jpg
Tỉnh Yên Bái thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai gây ra

Huyện Trạm Tấu là huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, thường xuyên chịu ảnh hưởng do thiên tai gây ra. Để nâng cao công tác phòng chống thiên tại, ngay từ đầu năm huyện đã ban hành kế hoạch và kiện toàn Ban chỉ huy và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Từ đó, bám sát tình hình thực tiễn trực tiếp đến các xã, thị trấn chỉ đạo, đôn đốc cơ sở thực hiện nhiệm vụ, thực hiện nghiêm quy chế về chế độ thông tin, báo cáo, họp chỉ đạo triển khai ứng phó với thiên tai.

4_-luc-luong-tai-cho-thon-pho-hop-di-chuyen-tai-san-cua-nguoi-dan-ra-khoi-vung-co-nguy-co-ngap-lut.png
Huyện Trấn Yên chủ động diễn tập phòng chống thiên tai

Đồng thời, tăng cường công tác dự báo, nắm bắt tình hình kiểm tra các điểm xung yếu có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng của người dân. Qua đó, huyện đã rà roát hơn 200 hộ với gần 1.000 khẩu nằm trong vùng nguy hiểm. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, kịp thời thông báo, tuyên truyền người dân để phòng khi có mưa lớn xảy ra…

Ông Mùa A Lồng - Phó Chủ tịch UBND xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu cho biết: Ngay từ đầu năm xã đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, xã đã xây dựng phương án, kế hoạch phòng chống bão lũ và tuyên truyền cho người dân tại các thôn, bản chủ động phòng chống mưa lũ, đảm bảo người dân không ngủ lại trong các lán trại trong những ngày mưa gió và không chăn thả gia xúc tại những nơi có nguy cơ sạt lở.

Để nâng cao năng lực tìm kiếm cứu hộ, ngay từ đầu mùa mưa lũ, các cấp các ngành các địa phương đã sớm xây dựng kế hoạch phòng chống tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm "bốn tại chỗ", trong đó xác định lực lượng vũ trang làm nòng cốt. Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung phương tiện, trang thiết bị bảo đảm ứng phó kịp thời khi có thiên tai xảy ra. Đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng ứng phó xử lý sự cố cho người dân, ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ, hiện đại hóa công cụ hỗ trợ, số hóa cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai.

Ông Nguyễn Đức Mầu - Phó Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên cho biết: Đối với huyện lực lượng dân quân, lực lượng nhân dân đều tham gia vào quá trình diễn tập. Từ đó, giúp cho nhân dân xã Báo Đáp cũng như nhân dân trên địa bàn các xã của huyện Trấn Yên nhận thức được việc khi xảy ra tình huống lụt bão hết sức nguy hiểm, cấp bách. Chính vì vậy, chúng tôi yêu cầu thực hiện một cách nghiêm túc, đảm bảo di chuyển được bà con nhân dân ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có mưa lớn xảy ra.

7_-khu-vuc-so-tan.png
Tích cực tuyên truyền ứng phó khi có thiên tai xảy ra

Hiện nay, đối với các vùng thường xuyên xảy ra bão lũ thiên tai sạt lở đất, tỉnh xây dựng phương án chủ động di dời người và tài sản đến nơi an toàn. Chuẩn bị đầy đủ các vật tư, phương tiện sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn người, tài sản khi có sự cố thiên tai xảy ra. Rà soát lên danh sách các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại các khu vực ven sông, suối. Tích cực tuyên truyền vận động những hộ dân chủ động di dời ra khỏi vùng nguy hiểm theo phương án được duyệt. Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin về thiên tai đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng.

Thanh Ngà