Đà Nẵng: Kiến nghị Bộ TN&MT sớm ban hành thông tư về quản lý môi trường đối với cảng cá, khu neo đậu
Môi trường - Ngày đăng : 15:08, 12/08/2022
Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng vừa phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) chia sẻ kết quả nghiên cứu các nhiệm vụ thuộc Hợp phần Ngăn ngừa ô nhiễm nước tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang thuộc dự án Chung tay hành động bảo vệ nguồn nước do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ.
Theo báo cáo, sau 2 năm thực hiện Quyết định số 2375/QĐ-UBND ngày 6/7/2020 của UBND thành phố Đà Nẵng về ban hành kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đến năm 2025 (kế hoạch xử lý ô nhiễm gồm 4 nhóm giải pháp; 80 nhiệm vụ về quản lý, kỹ thuật; trách nhiệm cụ thể của 20 Sở, ngành, đơn vị liên quan), các đơn vị đã hoàn thành 71/80 nhiệm vụ được giao năm 2021.
Cụ thể, đã triển khai thu gom rác trên tàu cá, mặt nước và khu vực xung quanh. Các Sở, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều đợt ra quân vệ sinh môi trường, tuyên truyền vận động đông đảo bà con ngư dân, tiểu thương, doanh nghiệp tham gia công tác dọn vệ sinh môi trường. Đã lắp đặt 74 camera để giám sát, quản lý và xử lý các hành vi xả rác, nước thải vào khu vực Âu thuyền và Chợ cá Thọ Quang. Triển khai xoá bỏ được 829 lồng bè nuôi cá, nghêu và 43 chòi canh, nhà tạm nuôi trồng trái phép khu vực vịnh Mân Quang.
Đà Nẵng cũng đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng để triển khai các gói thầu xây dựng các hạng mục nâng cấp cảng các, nạo vét âu thuyền (99,7 tỷ đồng), xây dựng hệ thống xử lý nước thải Sơn Trà giai đoạn 2 (1.447 tỷ đồng), nâng cấp, cải các hệ thống thu gom và một số hạng mục bảo vệ môi trường trong khu vực....
Qua đó, chất lượng môi trường tại khu vực âu thuyền và cảng cá Thọ Quang đã được cải thiện đáng kể, kết quả quan trắc môi trường nước và môi trường không khí trong năm 2021 đều đạt quy chuẩn cho phép. Các đơn vị chức năng đề nghị tiếp tục thực hiện hiệu quả Quyết định số 2375/QĐ-UBND của UBND thành phố trên cơ sở cập nhật, điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ phù hợp với tình hình thực tiễn trong thời gian tới.
Tuy nhiên, Âu thuyền là nơi thường xuyên tiếp nhận nước thải từ các khu dịch vụ công nghiệp thủy sản, nước thải sinh hoạt của dân cư trong lưu vực và chất thải sinh hoạt của các ngư dân trên thuyền. Trong thời gian vừa qua các khu vực âu thuyền và cảng cá trên cả nước đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập về quản lý và phát sinh tình trạng ô nhiễm môi trường như: Cảng cá Sa Huỳnh (Thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi), Cảng cá Tịnh Kỳ (Thị xã Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi), Cảng cá Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam)...
Do vậy để giải quyết dứt điểm ô nhiễm cảng cá nói chung và cảng cá Thọ Quang nói riêng, Đà Nẵng, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm xây dựng và ban hành thông tư riêng về quản môi trường đối với loại hình cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão. Trong đó, cần quy định chi tiết về trách nhiệm của từng Sở, ban, ngành; hạ tầng môi trường đối với cảng cá, quy định về thu gom, xử lý chất thải (nước thải, rác thải, nước la canh/dằn tàu, WC,…) trên tàu thuyền và của đơn vị dịch vụ cảng,… và chế tài đối với loại hình trên.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quy định cụ thể đối với đơn vị quản lý cảng cá, khu tránh trú bão về trách nhiệm thực hiện thu gom, xử lý chất thải phát sinh trong khu vực được giao quản lý và đối với các tàu thuyền vào neo đậu; sớm xây dựng khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang trở thành 1 trong 5 trung tâm nghề cá lớn của cả nước.
Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng khẩn trương hoàn thành dự án nạo vét bùn đáy Âu thuyền Thọ Quang; Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng khẩn trương hoàn thành các gói thầu của dự án Nâng cấp, cải tạo cảng cá Thọ Quang để sớm hoàn thiện, khớp nối đồng bộ các công trình xử lý chất thải và đưa vào hoạt động hệ thống xử lý nước thải có công suất 300m3/ngày...