Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

Xã hội - Ngày đăng : 15:02, 12/08/2022

(TN&MT) - Sáng 12/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, với 64 điểm cầu trên cả nước. Dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.
nvm_1025(1).jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Tiếp tục thực hiện đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đánh giá: Năm học 2021 - 2022 là năm học mà ngành Giáo dục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động giáo dục.

Để ứng phó với dịch Covid-19 bùng phát trở lại, ngành Giáo dục đã tiếp tục chủ động xác định trạng thái thích ứng, chuẩn bị các điều kiện để dạy và học trong mọi hoàn cảnh, kiên trì, tiếp tục theo đuổi và củng cố chất lượng, hoàn thành mục tiêu vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức phấn đấu khắc phục khó khăn hoàn thành các nhiệm vụ lớn của năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục.

Ngành Giáo dục đã tiếp tục thực hiện đổi mới thể chế, nhằm tháo gỡ những “nút thắt”, tạo hành lang pháp lý cho đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo yêu cầu của Nghị quyết số 29 của Trung ương; triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông mới; chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên; tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 đảm bảo nghiêm túc và an toàn; thực hiện tự chủ đại học để mở ra nhiều cơ hội cho giáo dục đại học (GDĐH) phát triển; tăng cường các điều kiện đầu tư để đảm bảo chất lượng cho toàn bộ giáo dục nói chung.

nvm_0986-1-.jpg
Ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao các kết quả của ngành Giáo dục trong năm học 2021 - 2022

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, năm học 2021-2022, chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn tiếp tục nâng lên, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Kết quả thi Olympic khu vực và quốc tế năm 2022, với 37/39 thí sinh đạt giải, trong đó có 1 thí sinh đạt điểm tuyệt đối.

Chất lượng GDĐH có những cải thiện rõ rệt, năm 2021, 5 cơ sở GDĐH lọt vào tốp đại học tốt nhất thế giới theo các bảng xếp hạng quốc tế có uy tín, vượt mục tiêu năm 2025 của Đề án nâng cao chất lượng GDĐH giai đoạn 2019-2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Số lượng các sản phẩm công bố quốc tế của các cơ sở GDĐH gia tăng nhanh chóng. Văn hóa kiểm định gắn với chất lượng đào tạo đã bước đầu hình thành ở các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết: Trên cơ sở những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, tồn tại trong năm học trước, ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022-2023 là “đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.

nvm_0909-1-.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị

Ngành GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện thể chế, tăng cường phân cấp, phân quyền trong quản lý; chủ động phòng, chống và ứng phó hiệu quả với thiên tai, dịch bệnh; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và học sinh, sinh viên; nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp; thu hút các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Đồng thời, ngành Giáo dục sẽ xây dựng quy hoạch mạng lưới và đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính trong toàn ngành; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục; đẩy mạnh thực hiện các phong trào thi đua trong toàn ngành; tăng cường công tác truyền thông giáo dục.

Thúc đẩy phát triển tự chủ đại học

Đánh giá cao các kết quả của ngành Giáo dục trong năm học 2021 - 2022, ông Nguyễn Đắc Vinh - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận, điểm đáng chú ý là Bộ đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Qua đó cho thấy những nỗ lực đổi mới của Bộ trong kỳ thi, nhất là khâu ra đề thi, trong đó có môn Lịch sử. Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT của môn này đã phản ánh thực chất dạy - học. Bộ cần tiếp tục phát huy và cải tiến khâu kiểm tra, đánh giá trong dạy - học.

Ông Vinh cũng đánh giá Bộ GD&ĐT đã triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo đúng kế hoạch, trong đó thực hiện đối với lớp 1, 2, 6. Đội ngũ giáo viên ngày càng chuẩn hóa, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên. Đặc biệt, Bộ Chính trị đã có quyết định bổ sung nguồn lực giáo viên cho ngành. Qua đó, thể hiện những nỗ lực của Bộ trong việc giải quyết tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở nhiều địa phương.

Ông đề nghị, trong năm học tới, Bộ GD&ĐT tiếp tục đổi mới, quan tâm xây dựng thể chế, kịp thời tham mưu với Chính phủ, ban hành những văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến giáo dục. Đồng thời, thể chế hóa chủ trong của Đảng về giáo dục; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển thư viện trường học và tập trung xây dựng văn hóa học đường. Mặt khác, kiên trì đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục từ mầm non đến đại học.

Riêng với lĩnh vực đại học, ông Vinh nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT vừa tổ chức thành công hội nghị tự chủ đại học năm 2022, Bộ nên phát huy để thúc đẩy các trường phát triển. Bộ cũng cần quan tâm, đề xuất Chính phủ để để có giải pháp căn cơ, phát triển giáo dục đại học.

nvm_0916-1-.jpg
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn báo cáo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Ngành giáo dục đã nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ năm học 2021-2022. Đây là năm học vượt khó của ngành Giáo dục do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Chúng ta đã và đang thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa. Chúng ta trân trọng sự đóng góp của đội ngũ giáo viên, học sinh đã tham gia vào công tác giáo dục. Bộ GD&ĐT đã đề xuất rất sớm các giải pháp về hỗ trợ giáo viên, học sinh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Việc tuyển dụng biên chế giáo viên cũng đã được lãnh đạo Đảng, Chính phủ rất quan tâm. Ngành Giáo dục không có thẩm quyền quyết định về biên chế giáo viên, lương giáo viên, việc này liên quan tới nhiều bộ, ngành khác. Nhân dân yêu cầu về giáo dục rất cao. Giáo dục cần gắn với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Giáo dục là lĩnh vực luôn được xã hội quan tâm. Đây vừa là điều may mắn nhưng cũng là áp lực không nhỏ với ngành Giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: Tại sao chúng ta cứ loay hoay các vấn đề về thi cử, không chỉ là thi THPT, mà còn là thi phổ thông, học thêm, dạy thêm, sách tham khảo? Bởi chúng ta chưa trung thực trong giáo dục. Ông cho rằng, trong quá trình đổi mới sang năm thứ 8 thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương, ngành Giáo dục cần nhìn thẳng vào vấn đề.

nvm_08888.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Ngoài ra, ngành Giáo dục cần tiếp tục thực hiện quyết liệt đổi mới quản lý nhà nước. Bộ phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục. Để làm được như vậy, chúng ta phải đổi mới từ quản lý Nhà nước, đổi mới về quản trị trong cả trường phổ thông và trường đại học; xây dựng môi trường văn hóa, dân chủ trong trường học.

Chẳng hạn, khi muốn tuyển giáo viên thì tiếng nói của tập thể giáo viên phải là quyết định thay vì ý kiến của một người ngoài nhà trường. Đây là một điều rất quan trọng thể hiện tính dân chủ trong nhà trường. Ngành Giáo dục cũng cần rà soát để đề xuất cơ chế về học phí, tự chủ trong cơ sở giáo dục...

Mai Đan