Mai Sơn (Sơn La): Tạo chuyển biến trong quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 10:07, 11/08/2022
Khơi thông nguồn lực tài nguyên tạo đà cho phát triển
Thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước lĩnh vực tài nguyên môi trường, huyện Mai Sơn đã triển khai các giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực, trọng tâm là thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giao đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), chuyển mục đích sử dụng đất, khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu, BVMT, tài nguyên khoáng sản chưa khai thác... Xây dựng Kế hoạch khắc phục hạn chế, khuyết điểm trong quản lý trật tự xây dựng, đô thị, đất đai, BVMT, khoáng sản; kiện toàn Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT, tài nguyên nước, khoáng sản và đất đai của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện. Tổ chức ký cam kết về tăng cường vai trò, trách nhiệm của Chủ tịch UBND 22 xã, thị trấn với Chủ tịch UBND huyện trong công tác quản lý tài nguyên và BVMT.
Đến nay, Mai Sơn đã hoàn thành quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 - 2030, định hướng 2050; kế hoạch sử dụng đất năm 2022 cấp huyện; thống kê đất đai năm 2021. Hoàn thành đo đạc lập bản đồ địa chính 8/22 cấp xã, 14/22 xã cơ bản hoàn thành đo đạc, lập bản đồ trích đo địa chính. Triển khai kế hoạch khai thác quỹ đất để tạo nguồn thu gồm 12 khu đất; tổ chức đấu giá thành công 14 thửa đất tại 4 khu quy hoạch với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng. Công tác giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được thực hiện nghiêm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội địa phương.
Đẩy mạnh rà soát, xây dựng, bổ sung, sửa đổi bộ thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực TN&MT để giảm thời gian thực hiện. Thực hiện công bố công khai niêm yết danh mục TTHC các lĩnh vực thuộc phạm vi, chức năng quản lý Nhà nước cấp huyện tại Trụ sở Bộ phận tiếp nhận hồ sơ và Trả kết quả cấp huyện với 29 thủ tục lĩnh vực TN&MT.
Trong lĩnh vực khoáng sản, tích cực chỉ đạo rà soát, khoanh vùng, theo dõi, giám sát để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Công tác bảo vệ tài nguyên nước được quan tâm thực hiện, đã thực hiện cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đối với Nhà máy cấp nước số 1, số 2 TP. Sơn La (nguồn nước suối Nậm La) và Nhà máy cấp nước Mai Sơn (nguồn nước suối Nậm Pàn) với tổng số 472/472 điểm mốc tại 8 xã. Đã rà soát danh mục giếng khoan không sử dụng phải trám lấp; hoàn thành hướng dẫn 54 hộ gia đình, cá nhân trám lấp giếng khoan không sử dụng.
Nâng cao vai trò từ cơ sở
Trong công tác BVMT, UBND huyện đã ban hành các văn bản thực hiện quản lý, BVMT, trọng tâm là BVMT khu vực đầu nguồn nước trong phạm vi hành lang bảo vệ nguồn nước, môi trường trong khu dân cư; đôn đốc, hưởng ứng đầy đủ các ngày lễ về môi trường; hướng dẫn các xã tổ chức, thực hiện tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm trong xây dựng Nông thôn mới (NTM), tiêu chí 15 về cảnh quan môi trường và an toàn thực phẩm của Bộ tiêu chí NTM nâng cao. Ban hành quy chế phối hợp trong quản lý Nhà nước về TN&MT.
Các xã, thị trấn đã quan tâm hơn tới công tác quản lý Nhà nước về BVMT. Ngay từ đầu năm, các địa phương đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác BVMT; thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BVMT, tài nguyên nước và khoáng sản của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.
Tuyên truyền, hướng dẫn các bản, tiểu khu triển khai các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và huyện về BVMT trong sản xuất, kinh doanh và trong khu dân cư tại các buổi họp giao ban với ban quản lý các bản, tiểu khu. Đến nay, 100% các hộ gia đình đã ký cam kết với UBND xã về chấp hành Luật Bảo vệ môi trường; 327/327 thôn, bản, tiểu khu đã xây dựng hương ước, quy ước về BVMT; duy trì Ngày về cơ sở xây dựng NTM vào thứ 7 hằng tuần để hướng dẫn người dân thực hiện tiêu chí 17 và 15.2 về xây dựng cảnh quan môi trường và an toàn thực phẩm…
Đẩy mạnh bảo vệ môi trường trong giai đoạn mới
Ông Phạm Duy Hùng - Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Mai Sơn cho biết: Là địa phương có sản lượng cà phê lớn với nhiều cơ sở sơ chế quy mô hộ gia đình, từ năm 2021 tới nay, huyện Mai Sơn đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do sơ chế cà phê. Niên vụ 2021 - 2022, hầu hết các hộ dân có hoạt động sơ chế cà phê quả tươi quy mô nông hộ đã đào hố, lót bạt chống thấm HDPE, lắp đặt biogas để xử lý nước thải sơ chế. Công tác phối hợp kiểm tra về BVMT đối với các tổ chức, cá nhân được tăng cường nên mức độ ô nhiễm được hạn chế.
Từ năm 2021 tới nay, Đoàn liên ngành của UBND huyện Mai Sơn đã tăng cường kiểm tra nắm bắt địa bàn, tập trung vào các điểm tiềm ẩn nguy cơ khai thác khoáng sản trái phép; kiểm tra các cơ sở sơ chế nông sản, chăn nuôi; các trường hợp hành nghề khoan giếng trên địa bàn. Qua đó, đã phát hiện, lập hồ sơ, trình Chủ tịch UBND huyện xử lý vi phạm hành chính với 20 trường hợp, tổng số tiền phạt trên 600 triệu đồng.
Đồng thời, phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính 8 trường hợp vi phạm về BVMT, tài nguyên nước với tổng số tiền phạt 425 triệu đồng; phối hợp với Tổng cục Cảnh sát môi trường thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 1 trường hợp, số tiền xử phạt trên 1,2 tỷ đồng.
Cùng với đó, công tác thu gom, xử lý rác thải từng bước chuyển biến; việc giải quyết đơn thư, ý kiến cử tri và dư luận xã hội được xem xét, kiểm tra, xử lý kịp thời đã hạn chế được “điểm nóng”, bức xúc về môi trường trên địa bàn.
Thời gian tới, huyện Mai Sơn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về BVMT, chú trọng tập trung vào Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thông qua lồng ghép chuyên đề trong các hội nghị, lớp tập huấn, nhằm tạo chuyển biến căn bản về ý thức trách nhiệm và sự chủ động trong công tác BVMT.
Rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước trên địa bàn để có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải; phòng ngừa ô nhiễm môi trường, nguồn nước ngay từ ban đầu; xác định các dự án, cơ sở cần ưu tiên quản lý, kiểm tra, giám sát trong quá trình hoạt động. Đẩy mạnh phong trào toàn dân BVMT thông qua các phong trào Ngày về cơ sở xây dựng NTM do Huyện ủy phát động; Ngày Chủ nhật xanh của tuổi trẻ Mai Sơn…
Chỉ đạo UBND các xã, thị trấn hướng dẫn các thôn, bản, tiểu khu xây dựng hương ước, quy ước gắn với BVMT. Tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện phân loại chất thải rắn tại nguồn, phòng chống rác thải nhựa; thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt, bao bì hóa chất bảo vệ thực vật; tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi, chế biến trong khu dân cư di dời ra khỏi khu dân cư. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về BVMT với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đặc biệt là kiểm tra đột xuất, phát hiện, xử lý và kiến nghị xử lý vi phạm ngay từ khi các cơ sở mới có hành vi vi phạm.