Lâm Đồng: Chấn chỉnh tình trạng “phân lô”, “bán nền” trái quy định - Dự án bất động sản “chết đuối”… trên núi

Bất động sản - Ngày đăng : 10:07, 11/08/2022

(TN&MT) - Để hợp thức hóa việc tách thửa, phong trào “hiến đất làm đường” ở một số địa phương thuộc tỉnh Lâm Đồng những năm gần đây đã biến hàng ngàn ha đất nông nghiệp thành dự án xây dựng các khu bất động sản nghỉ dưỡng chưa được cấp phép, chưa đủ điều kiện mở bán để bán cho khách hàng, nhà đầu tư.

Đua nhau… “xẻ núi bạt đồi”

Hơn hai năm qua, phong trào “hiến đất làm đường” ở một số địa phương thuộc TP. Bảo Lộc “nóng” hơn bao giờ hết. Cụm từ “hiến đất làm đường” mới nghe qua toát lên nghĩa cử cao đẹp rất nhân văn, nhưng thực chất đó là “chiêu trò” lách luật, lợi dụng kẽ hở trong chính sách, pháp luật về đất đai, sự buông lỏng quản lý của một số cán bộ… đã mở đường cho chủ đất, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản tách thửa, sau đó tự ý “phân lô”, “bán nền” đất nông nghiệp để trục lợi, gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai ở địa phương, tạo ra tình trạng sốt đất ảo, làm thay đổi cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp, môi trường bị tác động… làm ảnh hưởng đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

8-1-.jpg

Những đồi chè bị san ủi để nhường cho dự án bất động sản nghỉ dưỡng.

Thực trạng nêu trên có dấu hiệu chững lại vào tháng 12/2021, khi Bộ TN&MT có văn bản             số 7352/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 3/12/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc xử lý các dự án, công trình sử dụng đất có vi phạm pháp luật đất đai; đồng thời, ngày 29/11/2021, Thanh tra Bộ Xây dựng đã có văn bản số 585/TTr TH yêu cầu UBND tỉnh Lâm Đồng tổng hợp tình hình và báo cáo tình trạng phân lô bán nền diễn ra tại

TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm và dừng hẳn khi UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành văn bản số 473/UBND-ĐC ngày 20/1/2022 chỉ đạo các sở ngành về việc tạm dừng tiếp nhận, giải quyết các thủ tục liên quan đến việc phân lô, tách thửa đất, xây dựng nhà ở riêng lẻ tại nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Nhưng khoảng từ tháng 6/2022 đến nay, tình trạng quảng cáo, mời chào khách hàng mua đất nền, biệt thự, khu nghỉ dưỡng… ở TP. Bảo Lộc rầm rộ quay trở lại. Nhiều trang mạng tiếp tục đăng quảng cáo rao bán, tiếp thị dự án rất hấp dẫn như “sắp có đường cao tốc chạy ngang qua; tỉnh xây dựng phát triển lại sân bay Lộc Phát; Bảo Lộc có tiềm năng phát triển lớn hơn Đà Lạt, khí hậu mát mẻ quanh năm; quỹ đất của Bảo Lộc rộng, chưa bị khai phá nhiều, các địa điểm du lịch tại đây đều chưa bị bê tông hóa rất thích hợp phát triển bất động sản nghỉ dưỡng…”.

“Dự án” địa ốc chui hoành hành

Theo ghi nhận của PV, từ khi có thông tin tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương đi qua địa phận TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, tình trạng tách thửa, phân lô, bán nền tiếp tục “sốt ảo” trở lại. Những đồi chè, rẫy cà phê xanh tươi, trù phú bị san phẳng, thay vào đó là các đại công trường xây dựng dự án bất động sản nghỉ dưỡng trái phép, mua bán, giao dịch diễn ra bình thường.

Quy mô lớn và nổi bật phải kể đến đó là Dự án Khu nghỉ dưỡng Sun Valley Bảo Lộc của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản Khải Hưng (Khải Hưng Corp) tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm. “Dự án” này đã hình thành các tuyến đường trải nhựa nội bộ, đường điện, cống thoát nước, hàng rào và nhiều công trình bằng bê tông xây dựng kiên cố. Theo một nhân viên bán hàng cho biết: “Dự án Sun Valley Bảo Lộc có khoảng 600 nền, diện tích từ 170 m2 - 800 m2, giá bán mỗi nền từ 1.7 tỷ đồng trở lên, sản phẩm ở đây được sở hữu lâu dài, sổ đỏ riêng…”.

Một “dự án” khác được các trang mạng rao bán với tên gọi rất sang trọng: khu biệt thự nghỉ dưỡng The Tropicana Garden 2 tại xã B'Lá, huyện Bảo Lâm. “Dự án” này nằm lọt thỏm giữa những cánh rừng thông và đồi trồng cây nông nghiệp, được các trang mạng đăng thông tin rao bán với giá từ 3.5 tỷ đồng/lô tùy diện tích.

Được biết, năm 2020, UBND TP. Bảo Lộc đã công bố quy hoạch hướng đến mục tiêu phát triển Bảo Lộc và vùng phụ cận trở thành đô thị loại II, đô thị loại I vào năm 2035, đô thị sinh thái. Sau khi thông tin được công bố, cơn “sốt đất” bắt đầu “càn quét” các đồi chè, cà phê ở phố núi Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm, rồi biến thành “dự án bất động sản” nghỉ dưỡng trái phép. Hàng loạt dự án bất động sản tung ra chào mời khách hàng đầu tư. Các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ở TP. Bảo Lộc, huyện Bảo Lâm có đặc điểm chung là không có giấy chứng nhận đầu tư dự án bất động sản, không được cấp phép thi công đường, san gạt đất, không phép đấu nối với đường giao thông hiện hữu...

Hầu hết các “dự án bất động sản” tại khu vực này được hình thành theo công thức cá nhân, tổ chức đứng tên khu đất có diện tích lớn rồi làm đơn xin chính quyền địa phương xác nhận việc “hiến đất làm đường”, sau đó tự đầu tư làm đường nhựa, đấu nối với tuyến đường giao thông hiện hữu, phân khu đất thành các lô nhỏ rồi rao bán khách hàng với cái tên mỹ miều là “dự án bất động sản nghĩ dưỡng” đẳng cấp… Hiện nay, rất nhiều các khu đất tại TP. Bảo Lộc và huyện Bảo Lâm của một số cá nhân, tổ chức tự ý phân lô trái phép như nói trên và được các trang mạng rao bán dưới cái mác “dự án bất động sản” vẫn đang diễn ra, bất chấp sự vào cuộc điều tra của chính quyền sở tại.

Buông lỏng quản lý?

Hàng loạt “dự án bất động sản” chưa được phê duyệt, chấp thuận chủ trương, cấp phép xây dựng nhanh chóng hình thành, mọc nhanh như nấm. Người dân bản địa cũng không tin vào mắt mình khi hàng loạt công trình “bạt đồi”, san đất trồng chè lâu năm để xây dựng dự án trong một thời gian ngắn. Còn dân thị thành thì ngày một tràn về càng nhiều “săn” những vị trí đẹp để xây nhà, biệt thự nghỉ dưỡng trong tương lai.

“Chúng tôi không nghĩ nơi “khỉ ho cò gáy” như xã B’lá, huyện Bảo Lâm đường sá đi lại khó khăn như thế này cũng được doanh nghiệp xây dựng dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Khu vực này trước đây là thủ phủ của cây cà phê thì nay dành đất cho các dự án bất động sản thiết kế, xây dựng theo mô hình “bỏ phố về vườn” bán với giá trên trời”, một người dân ở xã B’lá nói.

Theo thông tin của PV, từ năm 2018 - 2021, riêng tại TP. Bảo Lộc, diện tích đất bị tác động để làm đường, phân lô mua bán trái phép đã lên tới 1.200ha. Phần lớn những vị trí người dân xin hiến đất làm đường sau đó đã được tách thành hàng trăm thửa đất mới, rao bán, sang nhượng như một dự án bất động sản hợp pháp. Hàng chục căn nhà đã hình thành trên những dự án bất động sản trái pháp luật này. Nhiều tuyến đường được người dân mở và đổ bê tông, thảm nhựa khi không được cơ quan chức năng cho phép.

Trước tình trạng này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo giao Thanh tra tỉnh thanh tra trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất trên địa bàn. Ngày 30/12/2020, Ủy ban Nhân dân TP. Bảo Lộc đã ban hành văn bản số 2914/UBND-VP tạm thời ngưng việc xác nhận hiến đất hình thành đường giao thông mới; đồng thời tổ chức kiểm điểm các tổ chức, cá nhân có liên quan theo kết luận thanh tra. Sau khi kiểm điểm, thành phố đã có hình thức xử lý kỷ luật theo đúng quy định.

Đình Du - Phạm Hoài