Quảng Ninh, Hải Phòng sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó bão số 2
Môi trường - Ngày đăng : 20:25, 10/08/2022
Cũng trong chiều 10/8, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đã có văn bản gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình và thành phố Hải Phòng về việc chủ động ứng phó với bão số 2.
Sẵn sàng ứng phó
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Quảng Ninh, ngay từ khi có thông tin về ATNĐ/bão, tỉnh đã thành lập Đoàn công tác do đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Văn Thành làm Trưởng đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống bão trên địa bàn hai huyện Tiên Yên và Vân Đồn. Tiếp đó, UBND tỉnh ban hành Công điện số 02/CĐ-UBND ngày 10/8/2022 về chủ động ứng phó bão số 2.
Các địa phương, lực lượng vũ trang đã huy động 1.010 cán bộ chiến sỹ lực lượng vũ trang và dân quân tự vệ và hiệp đồng 500 cán bộ chiến sỹ lực lượng của Bộ Quốc phòng và Quân khu 3 đóng trên địa bàn; 14 xe ô tô, 6 tàu, 22 xuồng và các loại trang thiết bị, phương tiện khác. Tất cả đều đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Hiện, tỉnh có 398 tàu du lịch, 98 tàu vận chuyển khách tuyến đảo đang hoạt động bình thường và sẵn sàng di chuyển tránh trú khi có lệnh. Toàn tỉnh có 8.736 khách du lịch tuyến biển, đảo (trong đó có 1.607 khách nước ngoài) đã được thông tin về bão. Tỉnh có 6.250 tàu cá các loại, trong đó 210 tàu xa bờ đã nhận được thông tin về bão và về neo đậu tại các bến cá, khu neo đậu, cảng cá trong và ngoài tỉnh; 6.040 chiếc tàu gần bờ hoạt động ven bờ theo phương thức “sáng đi, chiều về” và sẵn sàng về neo đậu tại các nơi tránh trú khi có lệnh.
Toàn tỉnh có 14.502 ô lồng nuôi thủy sản đã được thông tin về bão và đã tiến hành triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn. Dự kiến hoàn thành công việc này trước 17 giờ ngày 10/8. Đến ngày 10/8/2022, dung tích các hồ chứa lớn trên địa bàn đạt khoảng 240/313 triệu m3 (đạt 76,85% dung tích thiết kế), các hồ chứa đang được vận hành bình thường. Căn cứ tình hình thực tế sẽ điều tiết để đảm bảo an toàn công trình nếu xuất hiện tình huống mưa to kéo dài.
Còn tại thành phố Hải Phòng, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố cho biết, ngày 9/8/2022, UBND thành phố đã có Công văn số 4378/UBND-TL chỉ đạo các địa phương, các ngành chủ động ứng phó với bão số 2. Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng thành phố đã chỉ đạo các đơn vị sử dụng hệ thống thông tin tìm kiếm cứu nạn của Bộ đội Biên phòng phối hợp với gia đình các chủ tàu, thuyền trưởng, chủ lồng bè nuôi trồng thủy sản để thông báo, hướng dẫn cho ngư dân và các chủ phương tiện trên địa bàn, đặc biệt các phương tiện đánh bắt xa bờ nắm chắc diễn biến ATNĐ và bão để chủ động di chuyển phòng tránh.
Tất cả các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn thành phố đã ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động ứng phó với ATNĐ, bão. Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng, đến 10h00 ngày 10/8, đơn vị đã phối hợp kiểm đếm, thông báo cho 2.421 phương tiện/7.966 lao động, 344 lồng bè/792 lao động; 193 chòi canh/136 lao động đang hoạt động và neo đậu diễn biến của bão để chủ động phòng tránh.
Quản chặt các phương tiện ra khơi, đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè
Theo nhận định của của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, bão số 2 sẽ đi vào đất liền các tỉnh ven biển Bắc Bộ trong 24 giờ tới. Do ảnh hưởng của Bão, từ đêm nay (10/8) đến sáng mai (11/8), khu vực ven biên từ Quảng Ninh đến Thái Bình có gió cấp 6-7, giật cấp 9. Các đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô có gió cấp 7-8, giật cấp 10; ngoài ra, từ đêm nay đến ngày mai, Bắc Bộ có mưa to, lượng mưa phổ biến từ 100- 150mm, có nơi trên 200mm; triều cường dao động 2,0 - 4,0m.
Để chủ động ứng phó với bão và mưa lớn do ảnh hưởng của bão, trong văn bản gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình và thành phố Hải Phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 24/CĐ-QG ngày 9/8/2022 của Ban Chỉ đạo Quốc gia về Phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và tập trung vào một số nội dung sau:
Thường xuyên theo dõi các bản tin về diễn biến của mưa, bão, thông báo kịp thời đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng để chủ động phòng chống giảm thiểu thiệt hại.
Quản lý chặt chẽ các phương tiện ra khơi, tiếp tục rà soát và bằng mọi biện pháp thông báo, kêu gọi, hướng dẫn các phương tiện, tàu thuyền còn đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão di chuyển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú; đảm bảo an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho người và tài sản đặc biệt các hoạt động du lịch trên các đảo và ven biển. An toàn cho người tham gia giao thông qua các cầu vượt biển, chủ động cấm biển tùy theo tình hình thực tế tại địa phương.
Triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn cho các công trình, bến cảng, khu kinh tế, khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, kho tàng, hầm lò, bãi thải khai thác khoáng sản và các dự án đang thi công ven biển, trên các đảo. Sẵn sàng các biện pháp tiêu nước chống úng ngập đối với các đô thị và tiêu nước đểm bảo vệ sản xuất nông nghiệp, nhất là diện tích lúa để giảm thiểu thiệt hại.
Triển khai lực lượng xung kích kiểm tra rà soát các khu vực có nguy cơ rủi ro cao, hỗ trợ người dân sơ tán đến nơi an toàn cũng như đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham gia giao thông tại các trọng điểm xung yếu. Đồng thời, báo cáo công tác triển khai và kết quả thực hiện về Văn phòng thường trực trước 17h00 hàng ngày để tổng hợp, báo cáo.