Ninh Bình: Sống gần trại lợn, dân khốn khổ vì ô nhiễm
Tiếng dân - Ngày đăng : 15:48, 06/08/2022
“Chúng tôi phải tự cứu sống mình…”
Hơn 30 hộ dân với 130 nhân khẩu tại xóm 1, thôn Hồng Phong, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô (Ninh Bình) phản ánh với phóng viên Báo TN&MT, hơn 5 năm qua, cuộc sống người dân vùng này bị ảnh hưởng nghiêm trọng do ô nhiễm từ trang trại lợn của ông Hoàng Văn Điền. Trang trại này nằm sát khu dân cư (có nhà chỉ cách 25m), những khi có gió, trở trời hoặc lúc chiều tối, mùi hôi thối từ trại lợn bay thẳng vào nhà dân. Đặc biệt, nguồn nước ngầm của các giếng khoan mà các hộ dân đang sử dụng có nguy cơ bị đầu độc do việc xả thải “vô tội vạ” từ trang trại chăn nuôi này.
Nhà chị Nguyễn Thị Hoa, cách trang trại lợn chừng 25m, nhiều năm qua hầu như ngày nào cũng hứng chịu mùi hôi thối, có những thời điểm lúc đi ngủ cũng phải bịt khẩu trang. Dù các hộ dân đã nhiều lần kiến nghị tại các cuộc họp cử tri, gửi hàng chục đơn kêu cứu nhưng vẫn chưa được cơ quan chức năng giải quyết triệt để.
“Có những lúc đã lên ngủ nhưng mùi xốc lên tận mũi, bịt nhiều lớp khẩu trang vẫn không tránh được. Lo ngại hơn là trang trại còn thải phân trực tiếp ra sông dân sinh (sông Bút) liền kề với khu dân cư làm ô nhiễm môi trường trầm trọng, nguồn nước đen đặc, bốc mùi hôi thối cả ngày lẫn đêm”, chị Hoa nói.
Còn nhà bà Nguyễn Thị Dụng cách trại lợn chừng khoảng vài trăm mét, từ khi trang trại đi vào hoạt động đến nay đã hơn 10 năm, gia đình bà phải sống chung với mùi hôi từ trại lợn.
“Những hôm có gió lớn, mùi hôi xốc thẳng vào nhà, ăn cơm cũng không ăn được. Trước đó chúng tôi đã nhiều lần phát hiện trại lợn xả thải ra môi trường, mỗi lần như vậy đều điện báo chính quyền địa phương”, bà Dụng cho hay.
Theo người dân thôn Hồng Phong, họ đã có đơn kiến nghị và ý kiến qua các cuộc tiếp xúc cử tri xã, có đơn kêu cứu đến các cấp có thẩm quyền với mong muốn “đòi lại” một môi trường sống trong lành và cuộc sống an toàn cho nhân dân, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Cực chẳng đã, ngày 1/8, người dân đã đổ đất, đá, dựng hàng rào… phản đối trại lợn. “Nếu không xử lý dứt điểm trại lợn gây ô nhiễm, chúng tôi sẽ tiếp tục “cầu cứu” đến cấp cao hơn vì chúng tôi phải tự cứu sống chính mình”, bà Dụng bức xúc.
Bao giờ xử lý dứt điểm?
Theo tìm hiểu của phóng viên, dự án trang trại chăn nuôi của ông Hoàng Văn Điền được chấp thuận xây dựng từ năm 2009 trên diện tích 1000m2 đất; tuy nhiên hộ ông Điền đã xây dựng và chăn nuôi lợn trên diện tích 1512m2 (trong phần đất của gia đình). Điều khiến người dân bức xúc là trang trại được xây dựng cách khu dân cư chỉ vài chục mét, chưa đảm bảo điều kiện khoảng cách theo quy định nhưng vẫn hoạt động thời gian dài gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.
Trao đổi với phóng viên Báo TN&MT, ông Phạm Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mạc cho biết, ô nhiễm môi trường phát sinh từ trang trại nuôi lợn của ông Hoàng Văn Điền đã diễn ra nhiều năm. Chính quyền xã và huyện đã nhiều lần kiểm tra, xử phạt hành chính và yêu cầu có các biện pháp bảo vệ môi trường.
Gần đây nhất, ngày 19/5/2022, UBND huyện Yên Mô đã có văn bản yêu cầu trang trại chăn nuôi hộ gia đình ông Hoàng Văn Điền, xóm 1 Hồng Phong thực hiện nghiêm các quy định của Luật Chăn nuôi, Luật BVMT trong hoạt động chăn nuôi. Theo đó, yêu cầu hộ ông Điền dừng ngay các hoạt động chăn nuôi và tổ chức tháo dỡ 512m2 diện tích chuồng nuôi lợn vượt quá quy định; cải tạo rãnh thu gom nước thải từ chuồng nuôi về các bể biogas đảm bảo cá rãnh thu gom nước thải được đậy kín thời gian xong trước ngày 30/7/2022. Đồng thời tăng cường các biện pháp thu gom, xử lý chất thải rắn, nước thải.
Mặc dù vậy, theo phản ánh của người dân và thực tế kiểm tra khu vực xung quanh trang trại hiện vẫn có mùi hôi, thối bốc ra từ trang trại ảnh hưởng đến các hộ dân, đặc biệt là vào buổi tối, rạng sáng và ngày nắng nóng. Hộ ông Hoàng Văn Điền cũng chưa thực hiện việc tháo dỡ khu vực chuồng nuôi vượt quá quy định.
“Khu vực trại lợn sát khu dân cư, theo quy định phải cách 500m nhưng đối với trại lợn của ông Điền chưa đáp ứng đủ điều kiện về khoảng cách. Quan điểm địa phương sẽ yêu cầu hoạt động phải đảm bảo vệ sinh môi trường, nước thải trước khi xả ra môi trường phải xử lý. Tuyệt đối phải dừng hoạt động chăn nuôi ở phần chuồng nuôi vượt quá quy định”, ông Việt thông tin.