Các đơn vị ngành Dầu khí tiếp tục được vinh danh trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2022

Doanh nghiệp - doanh nhân - Ngày đăng : 14:22, 05/08/2022

Vừa qua, tại TP Hồ Chí Minh, Forbes Việt Nam long trọng tổ chức Lễ vinh danh 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2022. Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có bốn đơn vị được tôn vinh gồm Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PV GAS, mã GAS), Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí - CTCP (PVFCCo, mã DPM), Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC, mã DCM) và Tổng công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO, mã PET).

Đây là giải thưởng uy tín thường niên do Forbes Việt Nam thực hiện nhằm tôn vinh những doanh nghiệp không chỉ dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động của mình mà còn xác lập được vị thế cạnh tranh trên thị trường. Lễ tôn vinh của Forbes ghi nhận kết quả của quá trình liên tục đổi mới, sáng tạo để kiến tạo nên những giá trị thịnh vượng và bền vững của doanh nghiệp, khẳng định những đóng góp to lớn mà các đơn vị này đã, đang và sẽ đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, khu vực và cả nước.

Trong các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), Tổng công ty Khí Việt Nam nổi bật với vị trí thứ 9 trong bảng danh sách. Đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp PV GAS được Forbes tôn vinh.

7ae81049d619410328ab2c2dcb490474.jpg
Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2022

Theo thống kê của Forbes Việt Nam, tổng lợi nhuận sau thuế của các công ty trong danh sách đạt 193.183 tỉ đồng, tăng 10,7% so với danh sách năm ngoái. Tổng doanh thu các công ty trong danh sách đạt 1.192.754 tỉ đồng. PV GAS đứng trong Top5 các công ty có doanh thu và lợi nhuận ấn tượng nhất.

Vừa qua, PV GAS tiếp tục ghi nhận mức doanh thu và lợi nhuận kỷ lục trong quý II và nửa đầu năm nay: lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần đạt 54.342 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 8.637 tỷ đồng, tăng 98%; trong đó, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ hơn 8.500 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2022, Tổng công ty đã sản xuất và cung cấp 1,01 tỷ tấn LPG (xuất khẩu và kinh doanh quốc tế 260.900 tấn), vượt 23% kế hoạch 6 tháng và bằng 99% so với cùng kỳ, chiếm khoảng 70% thị phần bán buôn cả nước.

8a3c62ee1ec17670bb3e0e9440afda6d.jpg
Tổng giám đốc PETROSETCO Vũ Tiến Dương nhận kỷ niệm chương Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2022

Đơn vị nổi bật thứ hai là PETROSETCO khi lần đầu tiên và là một trong bốn doanh nghiệp hàng đầu ngành bán lẻ có mặt trong bảng danh sách.

Trong bức tranh toàn cảnh nền kinh tế ảm đạm từ sự ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 với mức tăng trưởng trong nước giảm sâu nhất trong vòng 20 năm qua, hoạt động kinh doanh của PETROSETCO trong năm 2021 đã cho thấy nhiều điểm sáng nổi bật với doanh thu hợp nhất đạt 17.598 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, vượt 17% kế hoạch 2021 và tăng trưởng 31% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế đạt 415.3 tỷ đồng, vượt 66% kế hoạch năm 2021 và tăng trưởng 201% (gấp 2 lần) so với cùng kỳ năm 2020. Sau 6 tháng đầu năm 2022, PETROSETCO đạt doanh thu 8.700 - 9.000 tỷ đồng, lợi nhuận gộp của 6 tháng đầu năm ước khoảng 160 tỷ đồng, tăng trưởng 6-7% so với cùng kỳ.

8282acac6012afe5ab2fec06c075c775.jpg
Đại diện PVFCCo nhận kỷ niệm chương Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2022

Năm 2021, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng bất lợi đến nền kinh tế, lĩnh vực phân bón cũng bị ảnh hưởng rõ rệt. Chuỗi cung ứng bị đứt gãy, chi phí sản xuất kinh doanh tăng. Ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu tiêu thụ phân bón. Bên cạnh đó, những bất cập về thuế VAT đầu vào không được khấu trừ theo quy định của Luật số 71/2014/QH13 tiếp tục khiến giá thành sản xuất phân bón trong nước khó cạnh tranh bình đẳng với phân bón nhập ngoại. Tuy nhiên, với việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhất là các giải pháp về thị trường, phân phối và tiết giảm chi phí, cả hai doanh nghiệp phân bón của Petrovietnam đã có kết quả kinh doanh ấn tượng với biên lợi nhuận gộp tăng mạnh.

Hiện PVFCCo chiếm 10% thị phần phân bón trong nước và 37% thị phần phân đạm urê nội địa. Các chỉ số về khả năng sinh lời của Tổng công ty này như lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA) năm 2021 đều tăng mạnh so với năm 2020, lần lượt tăng 291% và 308%. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm về về doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2017-2021 của PVCFC lần lượt ở mức 11,42% và 23,28%.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, tình hình thị trường, địa chính trị thế giới có nhiều biến động, phức tạp, khó lường. Tuy nhiên do PVFCCo đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dự báo chính xác, tận dụng tối đa cơ hội thị trường để tối ưu hiệu quả sản xuất kinh doanh, đạt doanh thu khoảng 10.000 tỷ đồng và lợi nhuận vượt kế hoạch đề ra. Về kinh doanh, tổng sản lượng kinh doanh các sản phẩm phân bón và hóa chất của PVFCCo đạt gần 700 nghìn tấn, tăng hơn 8% so với cùng kỳ 2021.

6e74c0ba46ca0674c96179708a4333fc.jpg
Bà Nguyễn Thị Hiền - Phó Tổng giám đốc PVCFC nhận kỷ niệm chương Top 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất Việt Nam năm 2022

Với PVCFC, đây là doanh nghiệp duy nhất sản xuất phân đạm urê hạt đục tại Việt Nam, hiện đang vận hành hai nhà máy gồm Đạm Cà Mau công suất 800.000 tấn ure/năm và nhà máy NPK Cà Mau công suất 300.000 tấn/năm. Hiện hơn 70% doanh số của PVCFC đến từ thị trường Đồng bằng sông Cửu Long nhờ lợi thế chiếm hơn 60% thị phần cung ứng phân đạm urê tại khu vực được sử dụng nhiều phân bón nhất nước.

Năm 2021, PVCFC xuất sang Campuchia khoảng 150 nghìn tấn urê trong tổng lượng xuất khẩu 200-250 ngàn tấn urê, thị trường xuất khẩu quan trọng này đã góp phần cải thiện doanh số bán hàng, gia tăng lợi nhuận cho công ty. Trong 6 tháng đầu năm 2022, PVCFC đạt sản lượng sản xuất urê quy đổi 474.350 tấn (105% so với kế hoạch); sản lượng tiêu thụ urê ước đạt 432.380 tấn (115% so với KH 6 tháng, 56% KH năm và bằng 103% so cùng kỳ 2021); tổng doanh thu ước đạt 8.247,24 tỷ đồng, vượt 82% so với KH 6 tháng và đạt 91% KH năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 2.451,09 tỷ đồng, vượt hơn nhiều so với KH và cùng kỳ năm 2021; nộp NSNN ước đạt 297,85 tỷ đồng, đạt 440% so với KH 2022...

Để được lọt vào Danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất 2022 của Forbes, các công ty niêm yết trên HSX và HNX được đánh giá qua nhiều bước. Ở vòng sơ loại, phải đáp ứng các điều kiện: có lãi trong năm 2021, doanh thu và vốn hóa tối thiểu 500 tỷ đồng, công ty con hoạt động phụ thuộc vào công ty mẹ hoặc có vị thế kinh doanh quá thấp sẽ không được xem xét. Kế tiếp, các công ty được chấm điểm định lượng trên năm tiêu chí: Tỉ lệ tăng trưởng kép về doanh thu, lợi nhuận, tỉ lệ ROE, chỉ báo tốc độ thay đổi (ROC) và tăng trưởng lợi nhuận sau thuế EPS giai đoạn 2017 — 2021; và cuối cùng là đánh giá mức phát triển bền vững của doanh nghiệp như vị thế công ty trong ngành, nguồn gốc lợi nhuận, chất lượng quản trị doanh nghiệp, triển vọng ngành…

Từ những kết quả đã đạt được, 04 đơn vị ngành dầu khí hoàn toàn đáp ứng được những tiêu chí khắt khe của Forbes với mức phát triển bền vững, nguồn gốc lợi nhuận minh bạch, rõ ràng và có hệ thống, chất lượng quản trị không ngừng được cải cách nâng cao nhờ ứng dụng thành tựu công nghệ và đổi mới tư duy… Bên cạnh đó, các đơn vị còn được tờ tạp chí danh tiếng nhìn nhận về vai trò của doanh nghiệp đối với cộng đồng thông qua chuỗi các hoạt động an sinh xã hội được thực hiện thường xuyên và nhiều ý nghĩa.

PV