Cung cấp thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Tài nguyên - Ngày đăng : 14:21, 05/08/2022

(TN&MT) - Thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ có tầm quan trọng đặc biệt trong giai đoạn hiện nay nhằm xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số, đảm bảo quốc phòng và an ninh.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Bộ Tài nguyên và Môi trường (05/08/2002 - 05/08/2022), Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Trần Duy Hạnh, Giám đốc Trung tâm thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ.

4.4.jpg

Quang cảnh Trung tâm thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ

PV: Xin ông cho biết đôi nét về trung tâm và thành tựu của Trung tâm đến nay?

Ông Trần Duy Hạnh: Trung tâm Thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ là đơn vị sự nghiệp công lập được thành lập năm 2003, trực thuộc Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam có chức năng giúp Cục trưởng xây dựng, quản lý, cung cấp thông tin dữ liệu đo đạc, bản đồ và thông tin địa lý.

Hằng năm, Trung tâm cung cấp khối lượng lớn thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phục vụ quản lý nhà nước, lập quy hoạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng và an ninh.

Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm tiếp nhận, xử lý và trả kết quả 11.117 hồ sơ đề nghị cung cấp thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ (trực tuyến mức độ 4 chiếm 53%). Trong 6 tháng đầu năm 2022, Trung tâm tiếp nhận, xử lý và trả kết quả 1.956 hồ sơ (trực tuyến mức độ 4 chiếm 68%). Trung tâm đã tích hợp hệ thống bản đồ nền phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời cung cấp kịp thời theo tiến độ CSDL nền địa lý quốc gia và bản đồ địa hình quốc gia cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các địa phương phục vụ công tác lập quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch chuyên ngành.

Trung tâm được giao chủ trì, tham gia thực hiện nhiều dự án nổi bật như: Dự án “Xây dựng hệ thống quản lý CSDL nền địa lý quốc gia và CSDL đo đạc và bản đồ”; TKKT-DT “Chỉnh sửa, cập nhật, xây dựng bản đồ toàn cầu, xây dựng CSDL đại địa danh và biến động hành chính các cấp phần lãnh thổ Việt Nam theo yêu cầu của Liên hợp quốc”; TKKT-DT “Xây dựng Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam và tích hợp dữ liệu khung” (phiên bản thử nghiệm)…

Với những đóng góp trên, Trung tâm đã vinh dự được Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường tặng Bằng khen năm 2014, Cờ thi đua các năm 2014 và năm 2017.

PV: Thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ được đánh giá là vô cùng quan trọng trong thời điểm hiện nay và tương lai. Theo ông cần có giải pháp và định hướng như thế nào để Trung tâm Thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ phát triển bền vững, đảm bảo cung cấp cho các nhu cầu cho các Bộ, ngành đáp ứng kịp thời phát triển kinh tế xã hội của đất nước?

Ông Trần Duy Hạnh: Ở nước ta, Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đã sớm nhận thấy tầm quan trọng và những lợi ích to lớn từ thông tin, dữ liệu đo đạc và bản đồ mang lại. Trước tầm quan trọng trên, Trung tâm Thông tin dữ liệu đo đạc và bản đồ xác định 05 nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ bao gồm:

Một là: Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3, mức độ 4 về cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Hai là: Hiện đại hóa công tác tiếp nhận, lưu trữ, bảo quản và cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ. Xây dựng, chuẩn hóa, tích hợp CSDL nền địa lý quốc gia, đảm bảo CSDL luôn được “đúng, đủ, sạch, sống” nhằm cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, phục vụ chuyển đổi số, nền kinh tế số, xã hội số, đô thị thông minh; đảm bảo quốc phòng và an ninh.

Ba là: Vận hành Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam; đảm bảo 100% dữ liệu không gian địa lý được kết nối, chia sẻ giữa các cơ quan, bộ, ban, ngành, giữa trung ương với địa phương, kịp thời cung cấp thông tin dữ liệu đo đạc bản đồ cho các tổ chức, cá nhân.

Bốn là: Phát triển các dịch vụ dữ liệu thông qua Cổng thông tin không gian địa lý Việt Nam; tham gia, kết nối vào mạng lưới hạ tầng dữ liệu không gian địa lý khu vực và quốc tế.

Năm là: Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; hướng dẫn, chuyển giao công nghệ cho đội ngũ cán bộ ở địa phương. Tập trung nghiên cứu, áp dụng một số công nghệ lõi như: điện toán đám mây, trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo/thực tế tăng cường, phân tích dữ liệu lớn trong thu nhận, lưu trữ, xử lý và cung cấp thông tin, dữ liệu không gian địa lý.

Thúy Hằng (lược ghi)