Bộ TN&MT phối hợp với VCCI lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Triển khai Luật Đất đai 2024 - Ngày đăng : 19:56, 04/08/2022
Tham dự Hội thảo có Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Minh Ngân, đại diện một số Bộ, ban ngành, chuyên gia, Hiệp hội, doanh nghiệp…
Phát biểu khai mạc, ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI cho biết, Luật Đất đai là đạo luật có tác động đến mọi lĩnh vực trong đời sống, xã hội, nhất là đối với các doanh nghiệp và người dân. Thời gian qua, khi thi hành Luật Đất đai 2013 đã mang lại nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên theo phản ánh của doanh nghiệp đến VCCI cho thấy thủ tục về đất đai và liên quan đến đất đai hiện nay rất phức tạp, tạo ra chi phí lớn cho doanh nghiệp.
Cụ thể, thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai là một trong các cản trở doanh nghiệp tiếp cận đất đai; Trình tự thủ tục đất đai với một số lĩnh vực khác còn gây khó, tình trạng mâu thuẫn gây rủi do cho doanh nghiệp…
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Bộ TN&MT (cơ quan chủ trì soạn thảo) xây dựng trên tinh thần thể chế hóa đầy đủ, kịp thời các quan điểm, chủ trương của Đảng về quản lý và sử dụng đất đai; tổng kết Luật Đất đai. Bên cạnh đó, nhằm tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trên thực tiễn để phát huy hơn nữa nguồn lực đất đai và giải quyết các mâu thuẫn, chồng chéo giữa các Luật đất đai và các Luật có liên quan…
Bộ trưởng Trần Hồng Hà mong muốn được nghe ý kiến các chuyên gia, doanh nghiệp để trả lời thật tốt các câu hỏi: Làm thế nào để giá đất sát giá thị trường, làm sao để chuyển trọng tâm từ quản lý bằng các công cụ hành chính sang sử dụng hiệu quả các công cụ kinh tế vẫn đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước - người dân - doanh nghiệp…
Báo cáo tại Hội thảo, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến cho biết, bố cục của dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 2 chương (bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 8 điều.
Tổng cục trưởng cũng nêu các nội dung đổi mới của Dự thảo Luật, đồng thời đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung như: về các trường hợp Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất; đấu giá, đấu thầu dự án sử dụng đất; cơ chế tiếp cận đất đai thông qua hình thức nhận chuyển nhượng, thế chấp…
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã đánh giá cao dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đồng thời đã có nhiều ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật, trong đó tập trung vào vấn đề giá đất, quy hoạch sử dụng đất... Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, tại Khoản 1, điều 130, Dự thảo Luật quy định: “Trong thời gian thực hiện bảng giá đất, khi giá đất phổ biến trên thị trường có biến động thì UBND cấp tỉnh điều chỉnh bảng giá đất cho phù hợp”.
Tuy nhiên, cần làm rõ thế nào được cho là giá phổ biến trên thị trường có sự biến động để làm căn cứ điều chỉnh bảng giá đất. Bởi hiện nay, giá đất trên thị trường luôn luôn có sự biến động từng ngày. Việc biến động giá đất trên thị trường xuất phát từ nhiều lý do và luôn có tình trạng cố tình thổi giá. “Việc Nhà nước xây dựng Bảng giá đất và áp dụng trong trường hợp quy định tại Khoản 3 sẽ tác động trực tiếp đến quyền lợi của người sử dụng đất”, ông Hiệp nhấn mạnh.
Góp ý vào điều 131, Dự thảo Luật về giá đất cụ thể, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, dự thảo cần quy định rõ cơ quan định giá cấp tỉnh là cơ quan Nhà nước cụ thể là Phòng Định giá đất của Sở TN&MT hay Sở Tài chính; với quy định tại khoản 1, Điều 131 thì Dự thảo vẫn chưa có sự đổi mới về cơ chế xác định giá đất cụ thể mà vẫn kế thừa khoản 3, Điều 114 của Luật Đất đai năm 2013…
Ghi nhận và đánh giá cao ý kiến góp ý của các đại biểu, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã trả lời các đại biểu một số vấn đề về quy hoạch sử dụng đất và tài chính đất đai. Bộ trưởng cho rằng, đây là chủ đề còn rất nhiều vấn đề phải bàn. Do đó, Bộ TN&MT đề nghị các đại biểu tiếp tục có ý kiến góp ý, Bộ TN&MT luôn lắng nghe và sẽ nghiên cứu tiếp thu để tiếp tục hoàn thiên dự thảo Luật trong thời gian tới.